Xi nhan Trái Phải

Sự im ắng của đêm 30...

Những cái Tết đặc biệt, đó là những cái Tết mà không ai mong chờ, đó là một cái Tết không đào quất, không còn lời chúc mừng năm mới và tôi là một trong số đó.

Tết là niềm mong mỏi của mọi nhà mọi người dân Việt Nam. Cho dù nhiều năm nay nó đã dần bị mai một,  không vẹn nguyên như ngày tôi còn bé. Nhưng cõ lẽ cả trăm năm nữa Tết vẫn là giá trị văn hóa vô cùng thiêng liêng của người dân Việt Nam mà bất cứ ai cũng mong chờ. Dù đôi khi vẫn còn đó những tiếng thở dài về nó như một sự mệt nhoài nào đó của cuộc sống. Tết là thời điểm mọi gia đình đoàn viên, sum họp, là sự hạnh phúc, nhất là với những gia đình những người con tha hương.

Tôi cũng như bao người khác, rời quên lên Hà Nội học tập và làm việc, và cho dù còn khó khăn vẫn luôn mong mỏi đến tết để tất cả các anh chị em con cháu trong gia đình cùng về quê hương để hân hoan trong những cuộc trò chuyện, những câu hỏi han chúc tụng.

Cuộc sống là vậy, dẫu biết sinh lão bệnh tử, không ai có thể tránh khỏi kiếp nạn đó. Nhưng sự ra đi vội vã của người thân trong ngày cuối năm đã khiến cho gia đình mất đi khái niệm về ngày tết, không những vậy chính nó còn làm tăng thêm sự buồn thương cho mọi thành viên trong gia đình. Nó khiến tôi có một cái tết thực sự khác trong suốt 33 năm tôi có mặt trên đời. Là sự im ắng thiếu thốn những hình ảnh đặc trưng của ngày tết, không hoa đào, không chậu quất, không có cả những tiếng cười nói vốn có. Đó là một cái tết mà tôi cũng như bao nguời chưa được chuẩn bị trước.

Tôi biết các bạn cũng đã và sẽ trải qua những thời khắc như tôi bây giờ. Tôi lóng ngóng không biết mình phải làm gì để có thể vẹn toàn mọi việc cho dù tôi là một ngời trưởng thành, có lẽ trong tâm tưởng từ xưa tới nay đều mặc định là ỷ lại vào bố - người luôn gánh vác tất cả mọi việc trong gia đình. Dù xã hội đang phát triển mạnh mẽ nhưng đâu đó tại những con làng xa vẫn còn sự thiếu thốn về kinh tế khiến một số gia đình không có một cái tết đủ đẩy, nhưng vẫn còn đó tiếng cười nói, sự mong chờ thời khắc giao thời giữa năm mới và năm cũ. Nhưng trái lại với tôi là sự im lặng của thời khắc ấy.

Tôi bắt đầu cảm nhận thấy sự thay đổi đó ngay từ những ngày đầu chuẩn bị về quê đón tết. Hàng ngày vài ba cuộc gọi hỏi các con bao giờ về, kể cả lúc đã lên xe cứ trôi qua hàng giờ đồng hồ là lại nhận được một cuộc gọi từ bố. Có lẽ bố biết không giúp tôi đi về nhanh hơn hay bỏ quên suy nghĩ về an toàn khi lái xe. Hay những lúc ra đứng chờ đầu ngõ cả tiếng đồng hồ, điều đó chỉ cho thấy niềm mong mỏi vô bờ bến của bố mẹ với những nguời con tha huơng. Và ngày tết điều đó lại càng mãnh liệt. Nhưng tất cả đều không còn hiện hữu trong năm nay. Nó khiến chúng ta hụt hẫng, nao nao, khó diễn tả thành lời.

Giao thừa đêm 30 với tôi có lẽ là thời khắc vui vẻ, và mong chờ nhất của ngày Tết. Đó là thời điểm chờ màn bắn pháo hoa từ tivi, chờ nghe bài hát quen thuộc Happy new year, là bắt đầu cuộc nhập đoàn cùng bố mẹ và mọi nguời trong xóm để đi đến từng nhà chúc nhau vạn sự an lành của thời khắc đầu xuân năm mới, là lúc bắt đầu của hàng chục cuộc điện thoại, tin nhắn chúc mừng năm mới của người thân ở khắp nơi. Nhưng tất cả đã biến mất để trả lại cho tôi sự im ắng tĩnh mịch đến nao lòng của đêm 30 ấy. Chỉ còn đó tiếng chiếc máy tụng kinh và ánh đèn dầu lờ mờ nơi bố tôi đang ngồi. Bất chợt trong thời khắc ấy tôi bắt đầu nghĩ đến cũng rất nhiều nguời đang ngồi đó giống như tôi. Những tai nạn kinh hoàng ngày cận tết đã cướp đi đêm 30 ấy của bao đứa trẻ. Nếu chúng ta không ở trong hoàn cảnh đó chúng ta sẽ thực sự không thể nào hiểu. Sự xuýt xoa, xót thương của làng xóm cũng sẽ bị xua tan nhanh bởi không khí của ngày tết. Nhưng với tôi, với chúng thì chỉ làm tăng thêm sự hụt hẫng trong lòng.

Đó có lẽ là sự bất ngờ của số phận mà ai cũng phải một lần trải qua. Khi mất đi chúng ta mới thấy mình vô tâm nhường nào.

Một đời dầm dãi nắng sương,

Cho con vững bước dặm trường hôm nay !

Phan Bình