Sự kiện

Sử dụng rượu, bia gây tai nạn nghiêm trọng: Nên tăng thêm hình thức xử phạt

Liên quan đến vấn đề chế tài xử phạt đối với những người tham gia giao thông mà trong máu (hơi thở) có nồng độ cồn gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Hòa Bình và Thượng tá Nguyễn Văn Quỳnh, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Hà Giang đã có những chia sẻ thẳng thắn.

Thượng tá Nguyễn Văn Hải. 

Chế tài chưa đủ sức răn đe?

Mặc dù quy định đã được đưa ra được xem là ở mức cao nhất hiện nay đối với những người tham gia giao thông có nồng độ cồn trong máu (hơi thở) vượt quá mức quy định dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng trong xã hội. Tuy nhiên, gần đây, hàng loạt các vụ tai nạn nghiêm trọng dẫn đến dư luận ngày càng trở nên hoang mang và có những nhận định riêng về quy chế xử phạt hiện nay thực sự đã đủ sức răn đe hay chưa.

Liên quan đến vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Hòa Bình cho rằng, mặc dù chế tài đã được đưa ra xử phạt đối với những người tham gia giao thông mà trong máu (hơi thở) có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hiện nay đang được xem là đã khá ổn, đủ sức răn đe. Tuy nhiên, ông Hải cũng cho rằng, có lẽ vẫn cần phải gia tăng thêm hình thức xử phạt để cho họ thấy điều họ đang vi phạm là cực kỳ nghiêm trọng, và đáng bị lên án.

“Hiện nay, chế tài xử phạt của ta chủ yếu xoay quanh đó là hình thức xử phạt hành chính như phạt tiền, tạm giữ phương tiện có 7 ngày. Cho nên, những yếu tố đó đối với những người có điều kiện thì thực sự chưa đủ sức răn đe với họ. Cho nên, tôi nghĩ rằng nên đề xuất tăng thêm hình thức xử phạt như là tịch thu, hoặc cấm lái xe vĩnh viễn khi anh tham gia giao thông gây hậu quả nghiêm trọng”, Thượng tá Hải cho hay.

Xoay quanh việc, tài xế có nồng độ cồn trong máu (hơi thở) vượt quá mức quy định gây ra hậu quả nghiêm trọng hiện nay thì vấn đề mấu chốt là bản thân người tham gia giao thông còn chưa thực sự hình dung được những hậu quả sẵn sàng có thể ập đến cho chính bản thân họ và cho những người xung quanh. Hơn nữa, họ còn quá thờ ơ với luật pháp và tính mạng của họ, cũng như người xung quanh.

Thế nên, việc xử phạt hiện nay là cần phải được xem xét lại, có khi cần phải gia tăng hình thức xử phạt để cho họ nhận thức được những điều họ đang làm là khá nghiêm trọng".

Còn theo Thượng tá Nguyễn Văn Quỳnh, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Hà Giang, việc xử phạt như Nghị định 46/2006 hiện nay, xét về quy chế và hình thức thì cơ bản đã đủ sức răn đe đối với những trường hợp như vậy. Bởi, suy cho cùng hiện nay, chỉ cần nồng độ cồn vượt ngưỡng quy định từ 0,1ml/hơi thở thôi thì đã bị tuyên phạt từ 2-18 triệu đồng, chưa kể còn bị tước giấy phép lái xe có thời hạn từ 5 năm trở lên. Tuy nhiên, để nói đã thực hiện điều đó được tốt hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào người tham gia giao thông và cả người xử phạt vấn đề này.

“Theo như Nghị định 46/2006 thì việc xử phạt đối với những trường hợp điều khiển xe ôtô, xe gắn máy mà trong máu (hơi thở) có nồng độ cồn vượt quá mức quy định gây hậu quả nghiêm trọng, về cơ bản đã đủ sức răn đe đối với họ. Bởi, với mức thu nhập hiện nay thì người tài xế gây hậu quả nghiêm trọng phần lớn vượt qua khỏi mức thu nhập của họ. Chưa kể là vi phạm nghiêm trọng còn bị xử lý trách nhiệm hình sự, đó là phạt tù từ 3-10 năm”, vị Thượng tá chia sẻ.

Tịch thu phương tiện xe

Trước thực trạng nhiều tài xế xe có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hiện nay, ngoài việc xử phạt hành chính từ 2-18 triệu đồng; xử phạt hình sự từ 3-10 năm tù đối với các trường hợp quá nghiêm trọng thì Thượng tá Nguyễn Văn Hải còn cho rằng, nên bổ sung vào điều mục thu hồi phương tiện của họ để cho họ nhận thức được điều nghiêm trọng mà họ đang gây ra.

“Hiện nay, quy chế xử phạt của ta ngoài việc phạt tù, phạt hành chính thì phương tiện của họ chỉ được giam giữ đúng 7 ngày rồi chúng ta lại mang trả lại cho họ thì rõ ràng là chúng ta còn nhẹ nhàng trong vấn đề xử phạt. Bởi rõ ràng, khi anh điều khiển xe môtô, xe gắn máy mà anh lại sử dụng bia rượu gây hậu quả nghiêm trọng thì chúng ta cần phải tịch thu phương tiện của họ chứ. Có như vậy mới đủ sức răn đe”, Thượng tá Hải đề xuất.

 Thượng tá Nguyễn Văn Quỳnh, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Hà Giang

Thượng tá Hải đề xuất thêm, việc xử phạt hiện nay, ngoài việc đề xuất tịch thu phương tiện gây hậu quả nghiêm trọng của tài xế thì cũng cần đưa ra thêm hình thức thu hồi giấy phép lái xe vĩnh viễn, không cho họ tiếp tục tham gia giao thông được nữa.

“Hiện tại ở nước ngoài, chỉ cần người tham gia giao thông có nồng độ cồn trong máu (hơi thở) vượt quá mức quy định khi họ tiến hành kiểm tra trên đường cũng có thể bị phạt tù. Còn ở Việt Nam chỉ khi người tham gia giao thông gây tai nạn nghiêm trọng bị truy tố trách nhiệm hình sự chúng ta mới phạt tù thì rõ ràng là chưa thực sự đủ sức răn đe. Hơn nữa, đã gây tai nạn nghiêm trọng thì tôi cho rằng, phương tiện của họ cũng cần phải bị tịch thu để răn đe họ.

Tôi chỉ lấy ví dụ như ở Úc họ sẵn sàng bỏ tù khi họ tiến hành kiểm tra người tham gia giao thông  trong máu có nồng độ cồn. Nhưng ở Việt Nam thì điều đó vẫn chưa được tiến hành”, Thượng tá Hải chia sẻ.

Ngoài vấn đề tịch thu phương tiện gây tai nạn nghiêm trọng, Thượng tá Hải còn cho biết, nên đề xuất việc tịch thu bằng lái xe vĩnh viễn để bản thân họ sẽ nhận thức được việc gây tai nạn nghiêm trọng.

“Tôi cho rằng, nếu được đề xuất thêm luật xử phạt thì tôi nghĩ nên bổ sung thêm phần tịch thu giấy phép lái xe vĩnh viễn. Chúng ta có thể làm như sau, khi người tham gia giao thông gây tai nạn nghiêm trọng thì chúng ta vẫn có thể tịch thu giấy phép lái xe từ 5 năm trở lên, nhưng khi người tham gia giao thông muốn được xin cấp lại thì anh cần phải ký vào bản cam kết rằng, nếu tiếp tục gây tai nạn tương tự thì anh sẽ bị tước giấy phép lái xe vĩnh viễn”, ông Hải cho hay.

Thượng tá Nguyễn Văn Quỳnh cũng cho biết: "Việc tịch thu phương tiện theo tôi cũng chả có vấn đề gì cả. Tuy nhiên, việc tịch thu này cần phải dựa trên mức độ nghiêm trọng của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông".

Nhắc thêm về chế tài xử phạt hiện nay theo Nghị định 46/2006, Thượng tá Nguyễn Văn Quỳnh nêu quan điểm, nếu được đề xuất thay đổi, bổ sung thêm luật vào việc xử phạt đối với những trường hợp sử dụng rượu, bia có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, gây hậu quả nghiêm trọng thì ngoài việc xử phạt hành chính, xử phạt hình sự chúng ta nên tiến hành tịch thu luôn cả phương tiện lưu thông. Bởi, khi chúng ta tiến hành tịch thu phương tiện giao thông mới có thể cho họ thấy rằng, khi sử dụng bia rượu gây hậu quả nghiêm trọng khi tham gia giao thông thì đương nhiên là bản thân người điều khiển phương tiện sẽ bị tịch thu vĩnh viễn.

“Tuy nhiên, việc tịch thu này cần phải dựa trên mức độ nghiêm trọng của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông. Tôi lấy ví dụ như trường hợp của bà Nga gây ra tai nạn ở Hàng Xanh vừa qua, thì việc tịch thu phương tiện của nhân vật này là rất nên”, Thượng tá Quỳnh chia sẻ.

Ngoài ra, cũng cần áp dụng thêm điều luật đó là cần phải tịch thu giấy phép lái xe không thời hạn để cho họ thấy rằng, đó mới là hậu quả của việc vi phạm nghiêm trọng luật an toàn giao thông hiện nay.

“Trên thực tế, ở nước ngoài, ngoài việc tiến hành bắt giam đối với trường hợp sử dụng rượu bia có nồng độ cồn trong máu (hơi thở) vượt quá mức quy định thì thêm vào nữa là họ sẽ tiến hành tịch thu cả giấy phép lái xe không thời hạn. Nếu ở Việt Nam mà làm được điều đó thì rất tốt, có như thế mới đủ sức răn đe cho những đối tượng như vậy”, Thượng tá Quỳnh nhận định.

Rõ ràng là, xoay quanh câu chuyện nên hay không nên tịch thu phương tiện và tước giấy phép lái xe vĩnh viễn vẫn còn là điều mà hiện nay chúng ta cần phải được tham khảo ý kiến, đưa ra những quy chế siết chặt để bản thân người tham gia giao thông có thể hiểu và nhận thức được những hành vi của họ là đang rất nghiêm trọng. Tán thành hay không tán thành vẫn cần có một cuộc nghiên cứu và tham khảo ý kiến của rất nhiều đơn vị, người dân trong vấn đề này.