Tiêu điểm thế giới

Sử dụng giấy vệ sinh quá nhiều, người Mỹ đang góp phần làm Trái đất nóng lên?

Một nghiên cứu mới đây cho biết, người Mỹ sử dụng giấy vệ sinh nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống và là một yếu tố góp phần làm nóng lên toàn cầu.

Thói quen sử dụng giấy vệ sinh cũng được coi là yếu tố làm nóng lên toàn cầu.

Theo báo cáo của các nhóm hành động vì môi trường Stand.earth và Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên thiên nhiên (NRDC), người tiêu dùng Mỹ sử dụng khoảng 3 cuộn giấy vệ sinh mỗi tuần, chiếm 1/5 lượng tiêu thụ giấy vệ sinh toàn thế giới.

Các sản phẩm dùng một lần như giấy vệ sinh được sử dụng ở Mỹ được làm từ bột gỗ, chủ yếu có nguồn gốc từ việc khai thác ở vùng rừng già phía Bắc hoặc rừng Canada, nơi các công ty khai thác gỗ đã đốn hạ hơn 405.000 ha rừng hàng năm. Diện tích rừng của Canada đã giảm hơn 9% từ năm 2000 trở lại đây.

Trong báo cáo của mình, NRDC đã chọn ra các nhà sản xuất giấy khổng lồ của Mỹ bao gồm Procter & Gamble Co., Kimberly-Clark Corp và Georgia-Pacific để trao đổi về vấn đề này. Ba công ty nói trên đều sử dụng bột gỗ sợi nguyên chất trong các sản phẩm của họ thay vì nguyên liệu tái chế hoặc sợi thay thế.

"Thường thì người tiêu dùng Mỹ không quan tâm đến việc giấy vệ sinh của họ được làm ra thế nào", Shelley Vinyard, đồng tác giả của báo cáo và là nhà quản lý chiến dịch hợp tác của NRDC nói.

Người phát ngôn của Georgia-Pacific cho biết, công ty sản xuất các sản phẩm từ sợi và gỗ nguyên chất. Những nguyên liệu này được chọn vì độ mềm và độ hấp thụ, cũng như phải thực hiện các bước để đảm bảo rằng sản phẩm làm ra có trách nhiệm.

"Sự lựa chọn nguyên liệu thô để làm ra các sản phẩm của chúng tôi được thúc đẩy bởi chất lượng sản phẩm và đặc tính hiệu suất được yêu cầu bởi người tiêu dùng", người phát ngôn cho biết.

Về phía Kimberly-Clark, công ty đã cam kết giảm 50% lượng bột giấy trong các sản phẩm của mình vào năm 2025 và tăng việc sử dụng các loại sợi thay thế và tái chế, một phát ngôn viên của công ty cho biết. Ông cũng cho biết, các nhà cung cấp của họ tuân thủ các tiêu chuẩn công nghiệp về quản lý rừng.

Theo báo cáo của NRDC, khu rừng phía Bắc Canada là nơi sinh sống của hơn 600 cộng đồng người bản địa có lối sống truyền thống bị đe dọa bởi nạn khai thác gỗ thâm canh.

"Một số khu vực chỉ còn lại một phần rừng", báo cáo cho biết. "Thường thì những người ở đây không có quyền từ chối với những sự phát triển trên vùng đất của họ." Việc phá rừng đã ảnh hưởng đến các tuyến đường truyền thống nơi người Cree săn bắn, câu cá ở phía Bắc Quebec.

Báo cáo cũng đưa ra số liệu về việc người tiêu dùng Mỹ sử dụng khoảng 141 cuộn giấy vệ sinh mỗi năm, so với Vương quốc Anh là 127, Nhật Bản là 91 và Pháp là 71 cuộn.

Kiều Trang