Chính sách

Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bị phạt đến 80 triệu đồng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi, trong đó quy định cụ thể mức phạt đối với hành vi sử dụng chất cấm.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 14/2021/NĐ-CP về việc quy định xử phạt hành chính về chăn nuôi. Nghị định có hiệu lực từ 20/4/2021.

Theo đó, hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể bị phạt đến 80 triệu đồng.

Cụ thể, phạt tiền từ 50 đến 60 triệu đồng đối với hành vi sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp hành vi này đã đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự thì mức phạt được áp dụng là từ 70 đến 80 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định hành vi sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh nhằm mục đích kích thích sinh trưởng sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng đối với chăn nuôi nông hộ, phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng đối với chăn nuôi trạng trại quy mô nhỏ, chăn nuôi trang trại quy mô vừa bị phạt từ 5 đến 7 triệu đồng và đối với trang trại quy mô lớn thì mức phạt này là từ 7 đến 10 triệu đồng.

Vi phạm quy định về xử lý chất thải chăn nuôi bị phạt đến 20 triệu đồng

Ngoài ra, nghị định này cũng quy định cụ thể mức phạt đối với vi phạm quy định về xử lý chất thải chăn nuôi.

Theo đó, hành vi vi phạm quy định về xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bị phạt tiền với các mức phạt từ 1 đến 3 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ, từ 3 đến 5 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô vừa, từ 5 đến 7 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trạng quy mô lớn.

Hành vi vi phạm quy định về xử lý nước thải chăn nuôi không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về nước thải chăn nuôi cho cây trồng bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ, từ 5 đến 7 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô vừa, từ 7 đến 10 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trạng quy mô lớn.

Mức phạt trên cũng áp dụng với hành vi vi phạm quy định về xử lý khí thải từ hoạt động chăn nuôi không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải chăn nuôi.

Mức phạt tiền quy định nêu trên là mức phạt tiền được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Nghị định cũng quy định mức phạt tiền đối với vi phạm quy định về xử lý chất thải chăn nuôi nông hộ. Cụ thể, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi không có biện pháp xử lý phân, nước thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và gây ảnh hưởng đến người xung quanh.

Ngoài ra, còn bị buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả khắc phục trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm nêu trên.

Đánh đập, hành hạ tàn nhẫn vật nuôi bị phạt tới 3 triệu đồng

Theo Nghị định 14/2021/NĐ-CP, hành vi vi phạm quy định về hoạt động chăn nuôi, đối xử nhân đạo với vật nuôi, kiểm soát giết mổ động vật trên cạn bị xử phạt như sau:

Phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng đối với hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi.

- Phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng đối với cơ sở giết mổ tập trung có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Không có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh trước khi giết mổ.

+ Đánh đập vật nuôi trước khi giết mổ.

+ Không có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ.

- Phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng đối với hành vi cản trở, phá hoại, xâm phạm trái phép hoạt động chăn nuôi hợp pháp.

- Hành vi đưa vật thể lạ, bơm nước cưỡng bức hoặc các chất khác vào cơ thể động vật trên cạn trước khi giết mổ bị xử phạt như sau:

+ Phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm dưới 100 kg.

+ Phạt tiền từ 10 đồng đến 20 triệu đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm từ 100 kg đến dưới 500 kg.

+ Phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm từ 500 kg đến dưới 1.000 kg.

+ Phạt tiền từ 30 đến 50 triệu đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm từ 1.000 kg trở lên.

Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên là đối với cá nhân. Đối với tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì bị phạt tiền gấp đôi.

Hoàng Mai