Góc nhìn luật gia

Sử dụng biển “xe hộ đê” giả để trốn phí trên cao tốc có thể bị xử lý hình sự

Liên quan đến tình trạng có nhiều xe ô tô sử dụng biển “xe hộ đê” để trốn mua vé, lách luật tại các trạm thu phí đường bộ trên cao tốc, chuyên gia pháp lý cho biết, người điều khiển phương tiện này có thể bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng hoặc bị áp dụng hình phạt tù.

Liên quan đến tình trạng có nhiều xe ô tô sử dụng biển “xe hộ đê” để trốn mua vé, lách luật tại các trạm thu phí đường bộ trên cao tốc chỉ dành riêng cho xe ô tô Hà Nội - Hải Phòng, luật sư Nguyễn Bá Ngà (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết: “Hộ đê” chính là hoạt động nhằm bảo đảm an toàn cho đê điều, bao gồm cả việc cứu hộ các công trình liên quan đến an toàn của đê điều. Do đó, xe hộ đê chính là phương tiện di chuyển chuyên chở người làm công tác hộ đê và là một trong những xe được xếp vào dạng ưu tiên di chuyển.

Luật sư Nguyễn Bá Ngà (Đoàn luật sư TP.Hà Nội)

Cụ thể, tại Điều 2 Nghị định 109/2009/NĐ-CP ngày 1/12/2009 có quy định về tín hiệu của xe được quyền ưu tiên. Theo đó, Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng các xe được quyền ưu tiên, gồm: xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ, xe quân sự, xe Công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, xe Cảnh sát giao thông dẫn đường, xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu, xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh, xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; các cơ sở, doanh nghiệp, cá nhân liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh thiết bị phát tín hiệu ưu tiên; phương tiện và người tham gia giao thông.

Cũng theo quan điểm của luật sư Ngà, trong quá trình tham gia giao thông thì chỉ đối với trường hợp làm nhiệm vụ, xe hộ đê mới có quyền ưu tiên. Xe hộ đê khi đi làm nhiệm vụ được quyền ưu tiên khi tham gia giao thông nhưng vẫn phải đảm bảo tín hiệu theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 109/2009/NĐ-CP (Xe làm nhiệm vụ cứu hộ đê có cờ hiệu Hộ đê cắm ở đầu xe phía bên trái người lái). Để biết xe hộ đê có được ưu tiên hay không thì xe hộ đê cần có cờ hiệu "Hộ Đê" cắm ở phía đầu xe bên trái của người lái.

Mặt khác, tại khoản 3 Điều 12 Nghị định 109/2009/NĐ-CP quy định yêu cầu kỹ thuật cờ hiệu ưu tiên như sau: Cờ hiệu ưu tiên của xe hộ đê có hình chữ nhật, khung có nét viền màu đỏ kích thước 20 cm x 30 cm, nền cờ màu trắng, giữa nền cờ thêu hàng chữ Hộ đê màu đỏ, chiều cao chữ là 4,8 cm, chiều rộng nét chữ 1,0 cm; cán cờ cao 50 cm, đường kính cán cờ 1,5 cm.

Hình ảnh minh họa

“Theo các quy định nêu trên tại Nghị định 109/2009/NĐ-CP thì xe hộ đê phải có cờ hiệu chứ không được dùng bảng hộ đê. Việc xe ôtô chỉ dán bảng hộ đê là trái quy định pháp luật”, luật sư Ngà nêu quan điểm.

Do có tình trạng một số xe biển trắng nhưng lại mang phù hiệu biển "xe hộ đê" của Trung ương để lưu thông qua các trạm thu phí, cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai đã nhanh chóng rà soát và khẳng định không cấp biển "xe hộ đê" cho các xe có biển kiểm soát sau: 30E-558.19, 30E-850.86, 14A-048.67, 15A-154.68, 15A-326.89, 29D-0795, 29U-5069, đồng thời đề nghị các trạm kiểm soát cũng như các cơ quan chức năng kiểm tra xử lý theo quy định.

Với tư cách là một chuyên gia pháp lý, luật sư Ngà cho biết: Căn cứ theo quy định tại điểm e, khoản 2 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, ngày 26/5/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì “Xe được quyền ưu tiên lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên không đúng quy định hoặc sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp nhưng không còn giá trị sử dụng theo quy định” thì bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.

Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh).

Cùng nêu quan điểm về nội dung này, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, một số xe biển trắng không được cơ quan có thẩm quyền cấp biển “xe hộ đê” nhưng vẫn có được “bảo bối” này bằng nhiều cách khác nhau, có thể là làm giả rồi ngang nhiên chạy xe trên đường, lọt qua nhiều trạm thu phí có thể bị coi là có hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (được quy định tại Điều 341, BLHS năm 2015). Cụ thể, điều luật này quy định:

“1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm”.

Luật sư Bình cũng cho biết thêm, mức hình phạt của tội này cũng sẽ tăng lên tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội. Trong đó có trường hợp người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả để thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng (cụ thể trong trường hợp này là trốn mua vé) thì có thể bị áp dụng hình phạt tù từ 02 năm đến 05 năm. Hay thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

“Chưa kể, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Đối với những hành vi gian dối, trốn thuế của Nhà nước cần thiết phải có chế tài đủ mạnh mới đủ sức phòng ngừa, răn đe những trường hợp tương tự ”, luật sư Bình nói.