Đối thoại

Sử dụng “bàn tay thị trường" trong Luật

Công tác thu gom phế liệu đều do những lao động chưa qua đào tạo bài bản tại các làng nghề, dẫn tới hiện trạng ô nhiễm môi trường thứ cấp từ chính quá trình này.

Vấn đề trong công tác thu gom, xử lý

Theo ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định: “EPR được kỳ vọng là một giải pháp hiệu quả và rõ ràng nhất giúp giải quyết vấn đề rác thải nhựa hiện nay và đặt nền móng cho nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam”.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn các nhà sản xuất, nhập khẩu hiểu và nắm bắt rõ hơn về các quy định pháp luật, thực hiện đúng trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, Đại diện doanh nghiệp sản xuất dầu nhớt đóng góp ý kiến, Luật có quy định doanh nghiệp có thể tự xử lý hoặc thuê một bên thứ ba để tái chế, xử lý, mà hướng tự xử lý, đa số các doanh nghiệp sẽ không lựa chọn bởi mất thêm rất nhiều chi phí để xây dựng, lắp đặt được một quy trình, hệ thống xử lý đạt chuẩn.

Vậy nên, ông đề xuất có thêm các Hiệp hội xử lý hoặc các điểm xử lý tập trung cho mọi ngành nghề trên toàn quốc, như vậy mới hy vọng việc xử lý, tái chế theo Luật được triển khai một cách nghiêm túc, triệt để.

Hoạt động tái chế tại các làng nghề đang gây nhiều vấn đề về môi trường, gây khó khăn cho cơ quan quản lý

Tuy nhiên, hiện nay, gần như các công tác thu gom phế liệu đều do những lao động phổ thông, chưa qua đào tạo bài bản tại các làng nghề, dẫn tới hiện trạng ô nhiễm môi trường thứ cấp từ chính quá trình thu gom, xử lý phế liệu từ các làng nghề như nilon, đúc chì, kẽm và cả làng nghề dầu nhớt.

Ông lấy ví dụ, có rất nhiều trường hợp thu gom dầu nhớt, chở trên những can, thúng không đảm bảo, khiến trong quá trình vận chuyển, một lượng dầu không nhỏ đã vô tình chảy ra đường, làm ô nhiễm môi trường trong suốt quá trình vận chuyển.

Từ đó, ông cho rằng để EPR có tác động thực tế rõ ràng, thì vẫn thiếu hướng dẫn và hành động kiểm soát của các cơ quan quản lý trong hoạt động thu gom, tái chế. Theo ông, để thu gom được phế thải, cần có quy định pháp luật về chứng chỉ hành nghề để thao tác thu gom, xử lý đạt đúng tiêu chuẩn, không gây thêm ô nhiễm môi trường.

Bởi, có những lĩnh vực hiện nay không có nhà máy tái chế, như lĩnh vực dầu nhớt, buộc phải xử lý tại các làng nghề, vậy Quỹ BVMT hay nhà quản lý sẽ đóng vai trò như thế nào trong công tác tái chế còn bất cập như vậy?

Sử dụng “bàn tay thị trường" hiệu quả

Trả lời về vấn đề này, ông Phan Tuấn Hùng cho biết, đúng là theo kinh nghiệm từ các nước đi trước như Hàn Quốc, Châu Âu, rất ít doanh nghiệp chọn hướng tự xử lý và tái chế sản phẩm, thay vào đó họ sẽ liên kết nhằm thành lập ra tổ chức thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất trong mô hình EPR.

Thực tế cho thấy, tái chế là một hoạt động tốn nhiều chi phí và không phải nhà sản xuất nào cũng có thể làm được bởi đòi hỏi kỹ thuật cao, đồng thời kiến thức sâu rộng về mảng này. Do vậy khi các nhà sản xuất liên kết lại, mặt chi phí sẽ được tối ưu hoá hơn.

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Mặt khác, ở Việt Nam, khi Luật chưa được đưa vào chính thức, đã có các mô hình liên kết kiểu này như Liên minh tái chế bao bì Việt Nam để giảm thiểu chi phí, đồng thời thực hiện cam kết 100% tái chế bao bì của các doanh nghiệp thành viên tới 2030.

Từ đó, ông bày tỏ tin tưởng, sắp tới các nhà sản xuất cũng sẽ đưa ra những phương án hợp tác phù hợp và hiệu quả như trên.

Tuy nhiên, thực trạng tái chế ở làng nghề hiện nay đang gây nhiều khó khăn cho công tác bảo vệ môi trường. Vậy nên, đây cũng chính là một phần lí do Bộ TN&MT đưa EPR vào Luật BVMT 2020, các đơn vị, cơ sở tái chế chỉ được nhận hỗ trợ khi tuân thủ và đáp ứng được những yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Theo đó, nếu vi phạm, các cơ sở tái chế sẽ không được hưởng mức hỗ trợ này. Như vậy, các làng nghề buộc phải thay đổi công nghệ, cách thức tái chế xưa cũ, gây ô nhiễm môi trường thành quy trình đảm bảo theo quy định hơn.

Ông cho biết thêm, đây là hình thức sử dụng “bàn tay thị trường" đối với các làng nghề tái chế, không chuyển đổi sẽ không nhận được hỗ trợ từ Nhà nước, thậm chí còn bị xử phạt nặng hơn. Đồng thời, nếu vẫn còn hoạt động theo kiểu manh mún như vậy cũng sẽ không thể cạnh tranh được với những cơ sở tái chế chuyên nghiệp có công cụ và quy trình tốt.

Theo Luật BVMT 2020, đối với trách nhiệm tái chế, nhà sản xuất, nhập khẩu săm lốp, pin ắc quy, dầu nhớt và các sản phẩm có bao bì như thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, xi măng, chất tẩy rửa và chế phẩm dùng trong gia dụng, nông nghiệp, y tế thì phải thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì từ ngày 01 tháng 01 năm 2024.

Thêm vào đó, nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm điện, điện tử phải thực hiện tái chế từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 và nhà sản xuất, nhập khẩu các phương tiện giao thông phải thực hiện tái chế từ ngày 01 tháng 01 năm 2027; trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu không thực hiện tái chế thì phải đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ hoạt động tái chế.

Đối với trách nhiệm xử lý chất thải, nhà sản xuất, nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật (có bao bì), pin sử dụng một lần, tã bỉm, kẹo cao su, thuốc lá và một số sản phẩm có thành phần nhựa tổng hợp như bóng bay, đồ chơi trẻ em, giầy dép, quần áo, đồ nhựa dùng một lần, đồ dùng một lần, đồ nội thất, vật liệu xây dựng, túi nilon kích thước nhỏ… phải có trách nhiệm đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

Ngày 4/3/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hộithảo phổ biến và tập huấn thực hiện quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Hội thảo đã có hơn 300 đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp khu vực miền Bắc quan tâm và tham dự theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.