Thế giới

Sự cố hạt nhân đẩy giá điện ở Pháp lên mức cao nhất trong 12 năm

Điều này khiến cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu thêm trầm trọng, trong bối cảnh châu lục này đang phải đối mặt với thời tiết lạnh giá bất thường.

Pháp đã phải hứng chịu tình trạng giá điện tăng vọt sau khi nguồn cung điện chính từ năng lượng hạt nhân của nước này bị kéo căng do việc đóng cửa tạm thời của 4 lò phản ứng lớn nhất của đất nước sau khi các lỗi được phát hiện trong quá trình kiểm tra an toàn.

Việc các lò phản ứng của công ty Electricite de France SA (EDF) ngừng hoạt động cho đến ngày 23/1 khiến Pháp mất 30% công suất điện hạt nhân trong tháng 1/2022.

Giá điện ở Pháp đã vượt ngưỡng 400 Euro/MWh, mức cao nhất ở đất nước này kể từ năm 2009, và xếp vào hàng cao nhất ở châu Âu.

Điều này khiến cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu thêm trầm trọng, trong bối cảnh châu lục này đang phải đối mặt với thời tiết lạnh giá và các diễn biến chính trị ở Nga, nhà cung cấp khí đốt chính của họ.

Tổ chức phi lợi nhuận vì môi trường Ecology Action đã kêu gọi Bộ trưởng Năng lượng Barbara Pompili từ chức vì vụ đóng cửa các lò phản ứng này, khiến Pháp phải nhập khẩu điện sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch.

Bà Pompili “chịu trách nhiệm trực tiếp về tình trạng thất bại hiện tại”, Ecology Action cho biết.

Bộ trưởng Pompili khẳng định không có nguy cơ mất điện ở Pháp vì đã có các kế hoạch dự phòng để cắt giảm điện áp và sử dụng năng lượng.

Bà đã thúc giục công ty điện lực EDF, hiện đang điều hành 56 lò phản ứng hạt nhân ở Pháp, tìm cách cho khởi động lại các lò phản ứng đang bảo trì sớm hơn dự kiến.

Thanh tra đã tìm thấy lỗi trong 2 lò phản ứng tại nhà máy điện Civaux, và 2 lò khác ở cơ sở Chooz cũng đã bị ngừng hoạt động vì chúng thuộc cùng một loại lò phản ứng. Khoảng 70% sản lượng điện của Pháp đến từ năng lượng hạt nhân.

Nhà máy Civaux của EDF, nơi các vết nứt trên đường ống được phát hiện. Ảnh: Global Construction Review

Sự cố này xảy ra khi Pháp đang lên kế hoạch cho một thế hệ lò phản ứng hạt nhân mới và tìm cách thúc đẩy EU phân loại điện hạt nhân là nguồn thân thiện với khí hậu.

Trong khi những người ủng hộ năng lượng hạt nhân coi nó là một nguồn đáng tin cậy và hầu như không phát thải carbon, những người phản đối cho rằng nó mang lại rủi ro và tạo ra chất thải phóng xạ nguy hại.

Đức, quốc gia lớn nhất trong phe chống năng lượng hạt nhân, trong tuần này sẽ đóng cửa 3 trong số 6 lò phản ứng cuối cùng trước của đất nước trước thời hạn cuối cùng đã được đề ra là năm 2022.

Phần lớn điện của Đức đến từ than đá, làm tăng thêm lo ngại của Pháp trong trường hợp Pháp buộc phải tìm thêm nguồn cung điện từ nước láng giềng.

Minh Đức (Theo The National News, Bloomberg)