Đa chiều

Sự cần thiết của chợ truyền thống trong đại dịch

Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, nhiều nhà máy xí nghiệp ở vùng dịch phải đóng cửa, nhiều tỉnh thành trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội. Không được đi lại, không có việc làm thì lao động tự do chắc chắn không có tiền mua thực phẩm, chưa nói trả tiền trọ.

Lao động trong các nhà máy, xí nghiệp chỉ trông chờ vào lương mà lương cũng không cao do các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam vì giá nhân công rẻ. Với số tiền ít ỏi đó, họ phải chi phí phần cứng gồm: ăn uống, con cái học hành, tiền nhà trọ, tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại di động và các khoản chi không tên khác. Với ngần ấy chi phí, họ lấy đâu mà tích lũy.

Trong đợt “hè vận” từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai về quê của hàng nghìn người, lý do sợ lây nhiễm Covid-19 chỉ là một phần, cái lo lắng hơn là bị đói khi ở lại những địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Đôi khi, vì sự tắc trách, vì an toàn cho ngành của mình, vì sự thiếu đồng bộ trong các quyết định đã làm cho dòng chảy cuộc sống bị ngưng trệ, hàng hóa không lưu thông khiến cuộc sống trong giai đoạn dịch bệnh đã khó lại thêm khó.

Trong đợt dịch này, chính phủ cũng đã chi ngân sách hỗ trợ trực tiếp cho lao động mất việc, nhưng Việt Nam là nước nghèo vì thế mức hỗ trợ có giới hạn. Và xét cho cùng, sự hỗ trợ đó là đồng cảm có tính động viên nhiều hơn. Cùng chung tay với nhà nước có rất nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đã đóng góp tiền của. Và, hàng nghìn tình nguyện viên không quản mưa nắng, vượt qua nỗi sợ hãi nhiễm bệnh mang thực phẩm trao tận tay người  nghèo, đến từng ngõ ngách đưa suất cơm vừa nấu cho người đói, người đứt bữa. Thật cảm động.

Nhưng giúp đỡ người nghèo trong giai đoạn dịch, ngoài trực tiếp thì hỗ trợ gián tiếp cũng cần thiết thông qua ban hành những quyết định xuất phát từ thực tế. Nhiều lãnh đạo ở các tỉnh, thành phố tự tin rằng việc để cho hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện ích mở cửa là đáp ứng cho nhu cầu đời sống của người dân trong mùa dịch. Đó là tư duy salon.

Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2020 là 2.750 USD nhưng khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn, đâu phải ai cũng có tích lũy, đâu phải ai cũng sẵn tiền và đã khan hiếm tiền mặt trong túi lại phải chi phí thêm tiền shipper. Ấy là chưa kể các mô hình thương mại này cơ bản chỉ là hàng hóa đóng gói trong bao bì, trọng lượng lớn, giá cố định thì người ít tiền mua thế nào đây? Vì sao dịch dã nhưng người dân vẫn muốn đi chợ truyền thống?

Vì mua bán ở chợ truyền thống thuận tiện hơn, giá cả rẻ hơn và ít tiền cũng có thể mua vài ba bìa đậu, 1 quả ớt, 1 cọng hành. Thực phẩm ở chợ truyền thống bao giờ cũng tươi, đáp ứng thói quen bao đời thích ăn tươi của người Việt. Không có quốc gia nào trên thế giới lại có thánh chợ như ở Việt Nam, ông tổ của chợ Việt Nam chính là Chử Đồng Tử, điều đó chứng tỏ chợ vô cùng quan trọng trong nền sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Nếu chợ truyền thống được họp trong mùa dịch là nông dân bán được rau họ trồng trong vườn, con vịt, con gà họ nuôi sẽ ngăn họ tiệm cận với nghèo-đói.

70% dân số Việt Nam sống ở nông thôn, con số đó cho thấy hỗ trợ bằng chính sách  quan trọng thế nào. Tiếc là người bán hàng trong chợ truyền thống không thuộc đối tượng ưu tiên tiêm vaccine, thương lái gom hàng của bà con đưa về chợ cũng thế.

Nguyễn Ngọc Tiến