Giáo dục

SSEAYP – 52 ngày hành trình tuổi thanh xuân: Việt Nam – nốt nhạc cuối trọn vẹn

Trong suốt quá trình tham gia chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á – Nhật Bản lần thứ 45 (SSEAYP 45), tôi có cơ hội được tới 5 quốc gia khác nhau, sống trong những nền văn hóa đa dạng, gặp những con người mới, khám phá những trải nghiệm mới. Ở điểm dừng chân cuối trong hành trình tuyệt vời ấy, tôi được trở lại với đất mẹ Việt Nam.

Tự hào đất Việt

Ngày 2/12, con tàu Nippon Maru chở hơn 300 đại biểu thanh niên chúng tôi có mặt tại cảng Cát Lái, TP. Hồ Chí Minh. Sau nhiều ngày dài lênh đênh trên biển và đặt chân tới những vùng đất khác nhau, được đi qua những miền văn hóa đa dạng, thì điểm dừng chân cuối là Việt Nam quả thực hết sức đặc biệt.

Theo truyền thống của tàu Nippon Maru, ngày trước khi tới mỗi quốc gia, hơn 300 thành viên trên tàu sẽ được thưởng thức những món ăn truyền thống của quốc gia ấy. Đây sẽ là dịp được các bạn nước ngoài rất chờ đón vì bên cạnh việc được thưởng thức món ăn của nước khác thì đây còn là một dịp để “đổi món” vì những món ăn trên tàu trước đó có thực đơn tương đối giống nhau.

Không nằm ngoài quy luật đó, trước khi đến Việt Nam, các bạn thanh niên nước ngoài được thưởng thức hai món ăn cực kỳ nổi tiếng và đậm chất ấm thực Việt là phở và nem rán. Tôi cảm thấy rất đỗi tự hào khi trông thấy những hàng người xếp dài tràn ra cả lối đi để đợi được phục vụ món phở Việt Nam và nem rán ở trước quầy bàn có xếp ngay ngắn 3 lá cờ đỏ sao vàng.

Một góc bàn ăn được trang trí với cờ Việt Nam để giới thiệu món phở và nem rán.

Trong bữa ăn, được ngồi cùng các bạn Thái Lan, tôi không thể giấu được niềm sung sướng khi các bạn liên tục hỏi tôi cách làm nem rán và những hàng phở ngon ở TP. Hồ Chí Minh mà chúng tôi sẽ ghé thăm sau đó.

Mickey người Lào xuýt xoa: “Em đã nghe thấy mọi người nói tới món phở nhiều rồi mà hôm nay mới được ăn. Giờ thì em đã hiểu tại sao mọi người lại thích phở Việt Nam như thế”. Còn Marcus người Campuchia thì cho hay, cậu nhất định sẽ mua bánh đa nem ở Việt Nam để tới khi về nước sẽ làm cho gia đình thưởng thức, để họ cũng cảm nhận được vị giòn rụm, thơm thơm tan ra trong miệng cùng với nước chấm đậm chất Việt.

Ngày cập cảng Việt Nam, chúng tôi được Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh đón tiếp thông qua chương trình hết sức trang trọng nhưng cũng rất thân tình ở ngay tại cảng.

Vừa đặt chân xuống đất liền, chúng tôi được nhận mỗi người một chiếc mũ tai bèo và một chiếc khăn rằn Nam Bộ. Bạn tình nguyện viên mỉm cười, trao hai món đồ vào tay tôi, nói: “Mừng anh về nhà”. Lúc đó cảm xúc của tôi như vỡ òa, bởi trong giờ phút đầy thiêng liêng đó, tiếng “nhà” vang lên như nhắc nhở tôi rằng, đây chính là nơi mình thuộc về, đây là nơi đã nuôi mình lớn khôn và đây chính là gia đình của mình, là đồng bào của mình, là những người mình thương yêu nhất.

Mắt tôi nhòe đi trong giây phút ấy, vì tự hào, vì xúc động, vì cảm nhận được hơi ấm của quê hương. Giờ thì tôi đã hiểu cảm giác của những người con xa quê lâu năm được trở về nhà, được về lại quê hương – nơi thiêng liêng, chôn giấu nhiều kỷ niệm nhất của mỗi con người. Được thấy tà áo dài thướt tha, được thấy những tấm khăn rằn, được thấy ánh nắng chiếu lấp lánh trên biển trời Việt Nam, phút giây ấy trong tim cảm thấy ấm lên vạn lần.

Đoàn đại biểu Việt Nam giới thiệu tại lễ chào đón. 

Cảm xúc của tôi tiếp tục được đẩy đi xa hơn nữa khi giọng ca của những nghệ sĩ cất lên giọng hát: “Ta hát trên đất mẹ. Hùng thiêng sông núi dạt dào. Đây nòi giống tiên long giống lạc hồng. Đây non nước uốn thân rồng”. Lúc đó, tim tôi như muốn bật ra khỏi lồng ngực, mọi cảm xúc thân thương, quen thuộc ùa về, thỏa nỗi nhớ nhà của tôi sau nhiều ngày xa cách. Lúc ấy, tôi đã hiểu giá trị của hai từ “quê hương”.

Vừa là khách, vừa là chủ

Khi chúng tôi đến cảng Brunei, Thái Lan hay Philippines, các đại biểu của mỗi nước sẽ về nhà trong khoảng thời gian các bạn nước khác tham gia chương trình homestay (ở cùng nhà dân bản địa). Tuy nhiên, ở Việt Nam, khác với các bạn, chúng tôi cũng có chương trình homestay, điều đó đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ có ba mẹ nuôi giống như các bạn nước ngoài, ở homestay trong chính thành phố, đất nước mình.

Các bạn nước ngoài đội nón lá Việt Nam.

Tôi và cậu bạn Adhi người Indonesia được xếp về cùng một gia đình homestay ở quận Gò Vấp, TP. HCM. Ở chung với Adhi trong một gia đình người Việt, tôi có cảm giác mình vừa là chủ, vừa là khách. Là chủ với tư cách một người Việt, tôi hướng dẫn, trò chuyện cùng Adhi về lối sống, văn hóa người Việt. Là khách khi tôi cũng giống như Adhi, sẽ thích nghi với lối sống của một gia đình mới, một ngôi nhà mới, và tìm hiểu văn hóa của chính mình một cách sâu sắc hơn. Một cảm giác rất khác lạ so với những lần tôi tham gia homestay trước đây.

Adhi là người đạo Hồi nên điều khiến tôi cũng như gia đình nuôi của mình phải băn khoăn là khoản ăn uống. Người đạo Hồi không được phép uống rượu bia và ăn thịt lợn, trong khi đa phần các món ăn ngon của người Việt đều có thịt lợn. Do đó, chúng tôi phải suy nghĩ khá nhiều khi lựa chọn món ăn cho Adhi.

Adhi cùng bố mẹ nuôi người Việt ăn phở bò. 

Mẹ nuôi của chúng tôi sau đó quyết định nấu phở bò và ăn bánh mì kẹp thịt bò cho Adhi. Dù bánh mì không được đúng vị khi thiếu ba-tê nhưng Adhi vẫn rất hào hứng và tỏ ra hài lòng với ẩm thực Việt. Cậu cũng nhận ra một điều rằng có lẽ khẩu phần ăn cân bằng, đầy đủ dinh dưỡng khiến thân hình người Việt “mảnh mai” và phần nào “chuẩn” hơn so với đa số người Indonesia. Cậu rất thích món bánh xèo (tất nhiên là không dùng chung với thịt lợn) và đồ ăn hải sản tại TP. Hồ Chí Minh.

Từ câu chuyện của Adhi, tôi mới nhận ra rằng, những quán ăn bán món Việt phục vụ cho người theo đạo Hồi (hay còn gọi là đồ ăn halal) ở Việt Nam vẫn chưa có nhiều. Nếu muốn thu hút du lịch từ các quốc gia Hồi giáo, cần khuyến khích hơn nữa những đơn vị kinh doanh các loại đồ ăn này, dù đã xuất hiện một số cửa hàng đáp ứng được nhu cầu trên, nhưng chưa đủ.

Ở chung với Adhi, tôi cũng được đóng vai trò là một khách du lịch. Dù đã nhiều lần vào TP. Hồ Chí Minh song đây là dịp hiếm hoi tôi được tìm hiểu thành phố một cách thực sự. Tôi và Adhi thích cảm giác được rong ruổi trên xe máy, đi vào các ngõ ngách, hàng quán ở Sài Gòn, thưởng thức một ly cà phê sữa đá và ngồi nói chuyện phiếm. Cậu tâm sự rằng dù có đôi chút hơi “sợ” giao thông ở nước ta song vẫn cho rằng đó là một nét độc đáo và Việt Nam vẫn là một điểm đến yêu thích của cậu trong bản đồ du lịch.

Cậu cũng thích phố đi bộ Nguyễn Huệ hay phố “Tây” Bùi Viện. Đây là những con phố đông vui và nhộn nhịp nhất tại TP. Hồ Chí Minh nên việc Adhi thích chúng là điều không quá bất ngờ với tôi.

Tuy nhiên, trên đường đi cùng Adhi, tôi vẫn thấy nhiều điểm chưa đẹp, khiến bản thân với tư cách là “chủ nhà” còn xấu hổ. Đó là hiện tượng xe ôm, các cửa hàng bia, dịch vụ massage… chèo khéo khách nước ngoài khá “dai”, hàng hóa không có giá niêm yết cụ thể, vẫn phổ biến tình trạng nói thách du khách với giá cao gấp vài lần giá thông thường, hoặc “lừa” khách chụp hình với gánh hàng rong rồi ép họ mua hàng hoặc trả tiền… Tình trạng trên cần được khắc phục để du lịch Việt Nam “đẹp” hơn trong mắt du khách.

Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh đẹp, con người cũng hiền hậu, nhưng không nên vì một số hành động không hay làm xấu xí bộ mặt của Việt Nam, đặc biệt là ở những trung tâm du lịch lớn...

Xem thêm: