Giáo dục

SSEAYP – 52 ngày hành trình tuổi thanh xuân và ghi chép của phóng viên báo Người Đưa Tin

Những tháng cuối năm 2018, tôi may mắn khi được tham gia chuyến hải trình trong mơ – một chuyến đi mà ở đó người ta gọi là hành trình của tuổi thanh xuân, nơi lưu giữ những ký ức đẹp đẽ nhất của tuổi trẻ, nơi tôi đến để cảm nhận tình yêu thương giữa con người với con người, và cũng là nơi giúp tôi thấy mình thực sự đang sống.

LTS: Phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin, anh Trần Danh Tuyên đã trải qua nhiều kỳ thi và thử thách để trở thành một trong những đại diện của Việt Nam tham dự hải trình vô cùng kỳ thú.

Nó nằm trong khuôn khổ chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á – Nhật Bản, hay còn có tên gọi viết tắt trong tiếng Anh là SSEAYP (đọc là si-áp). Báo điện tử Người Đưa Tin xin trân trọng giới thiệt loạt bài ghi chép rất hấp dẫn, sâu lắng với những góc nhìn nhân văn, tinh tế và thú vị của tác giả tới quý vị độc giả.

52 ngày, 5 quốc gia, 1 con tàu, 300 con người

SSEAYP đến với tôi như định mệnh, sau 2 năm thi tuyển và... thất bại sau các vòng thi từ kiến thức đến kỹ năng, tài năng, thì tới lần thứ 3, tôi mới chính thức trở thành 1 trong 28 đại biểu đại diện cho hàng ngàn bạn trẻ thực hiện sứ mệnh mà chúng tôi luôn tự hào – những đại sứ thiện chí trẻ của Việt Nam.

Tác giả bài viết trên tàu Nippon Maru khi tàu rời cảng ở Manila, Philippines.

Năm 2018, hải trình SSEAYP kéo dài 52 ngày, đi qua 5 cảng tại các quốc gia bao gồm Nhật Bản, Brunei, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Sở dĩ tôi gọi đây là hành trình trong mơ và mang nhiều ý nghĩa, bởi Việt Nam là cảng đến cuối cùng. Điều đó có nghĩa là sau nhiều ngày lênh đênh trên biển qua các nước, chúng tôi lại được về với đất mẹ yêu thương, được ngắm nhìn dải đất hình chữ S, và được lắng nghe những câu hát, tiếng nói thân thương chào đón một cách nồng ấm mà giản dị.

Chúng tôi khởi hành từ Nhật Bản trên con tàu Nippon Maru. Bạn đồng hành của tôi, ngoài đoàn đại biểu Việt Nam còn có gần 300 thanh niên khác đến từ Nhật Bản và 9 quốc gia Đông Nam Á khác: Brunei, Philippines, Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar, Malaysia, Singapore, Indonesia.

Trong khuôn khổ một chương trình giao lưu văn hóa như SSEAYP, chúng tôi được trải nghiệm theo cách chân thực và trọn vẹn nhất những giá trị văn hóa của các quốc gia Đông Nam Á và Nhật Bản thông qua việc tiếp xúc với con người, môi trường, ngôn ngữ, ẩm thực và tinh thần của chính những người bản địa.

Trên con tàu Nippon Maru, hơn 300 người trẻ chúng tôi cùng sinh sống, thảo luận, trao đổi, giao lưu và tất nhiên không thể thiếu là vui chơi, kết bạn cùng nhau. Trong suốt khoảng thời gian gần 2 tháng đó, tôi đúc kết được nhiều bài học và có những trải nghiệm mới cho bản thân, những điều mà tôi sẽ ghi nhớ mãi những ngày tháng sau này.

Sắc màu tuổi trẻ

SSEAYP giúp tôi hiểu giá trị của sự đa dạng. Ở SSEAYP, mỗi cá thể là một mảnh ghép trong bức tranh đầy màu sắc của cả hành trình và của tuổi trẻ. Mỗi cá nhân trong chúng tôi mang những quốc tịch khác nhau, có tiếng nói, chữ viết khác nhau, đang học tập, hoạt động trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, và mỗi người đều mang những hoài bão, ước mơ riêng khi đến với hành trình này.

SSEAYP là cơ hội tuyệt vời giúp thanh niên trải nghiệm sự đa dạng văn hóa.

Tại SSEAYP, tôi có cơ hội làm quen với cô bạn Mila với niềm đam mê dành cho những điệu múa truyền thống của Indonesia, hay được biết đến khao khát của cậu bạn John Paul người Philippines nhằm lan tỏa những giá trị đầy nhân văn trong những vũ điệu đương đại cho cộng đồng, hay mong muốn đóng góp cho nền giáo dục nước nhà của Henry thông qua những dự án dạy kỹ năng tư duy cho trẻ em vùng nông thôn…

Mỗi người mà tôi gặp trên tàu đều mang một mảng màu sắc riêng biệt. Họ có mặt trên con tàu đó, mang theo những giá trị của bản thân và chia sẻ chúng cho những người trẻ còn lại, để mỗi người trong chúng tôi đều cảm thấy được truyền cảm hứng vì những gì họ đã cống hiến cho cộng đồng của chính mình. Ở SSEAYP, sự đa dạng trong văn hóa, suy nghĩ của mỗi con người đã kích thích sự tò mò trong tôi, với mong muốn được tìm hiểu và đào sâu hơn nữa giá trị mà họ có.

Nhờ có SSEAYP, lần đầu tiên tôi được sống cùng với rất nhiều người ngoại quốc trong một khoảng thời gian đủ dài. Điều đó buộc tôi phải tìm hiểu, thích nghi và chấp nhận sự khác biệt trong văn hóa, cách hành xử và suy nghĩ của mỗi con người ở mỗi quốc gia.

Cũng nhờ SSEAYP, lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với văn hóa Hồi giáo. Nó không chỉ gói gọn trong chiếc khăn hijab (loại khăn trùm đầu che kín tóc của phụ nữ Hồi giáo) mà cô gái Sofia người Thái Lan đeo, cũng không chỉ ở những thánh đường Hồi giáo mà chúng tôi có cơ hội được tới thăm ở Brunei, mà nó còn là lối sống và những giá trị đẹp đẽ thông qua những câu chuyện mà cậu bạn Adhi người Indonesia kể cho tôi mỗi lần chúng tôi gặp mặt.

Nhà thờ Hồi giáo Brunei.

Tìm lại chính mình

Có lẽ một trong những bài học lớn nhất mà SSEAYP dạy cho tôi đó là tình yêu đất nước, quê hương mình. Nghe có vẻ lý thuyết nhưng đó là sự thật. Trong vai trò đại sứ văn hóa trẻ, chúng tôi phải là những người am hiểu nhất về lịch sử và những giá trị tinh thần cốt lõi của dân tộc.

Quả thực, trước khi bước chân lên tàu Nippon Maru, tôi ít khi để ý tới những điều rất đỗi bình dị nhưng lại mang đầy tính biểu tượng văn hóa Việt như tính gắn kết, yêu thương của người Việt thể hiện qua bát mắm trong mâm cơm, hay triết lý ngũ vị sâu sắc của ẩm thực Việt, hay nét đẹp thuần khiết, thanh cao của hoa sen – loài hoa tượng trưng cho cốt cách dân tộc Việt… Có thể nói, SSEAYP là động lực khiến tôi tìm hiểu “đến nơi đến chốn” hơn về văn hóa của chính dân tộc mình, của ông bà, tổ tiên mình. Cũng nhờ đó mà tôi có thể tự hào ngồi nói về văn hóa Việt trong những bữa ăn với các bạn quốc tế trên tàu và người dân bản địa ở mỗi nước chúng tôi dừng chân.

Tới giờ, tôi còn nhớ như in cuộc trò chuyện với Diamond người Lào về cách người Việt làm ra món phở nức tiếng và những nét tinh túy văn hóa trong món chả nem. Tôi luôn có niềm tin, niềm tự hào về văn hóa ẩm thực Việt, do đó đây là chủ đề tôi thường nhắc đến trong những cuộc trò chuyện với các bạn nước ngoài.

Chúng tôi luôn tự hào khi được cầm trên tay lá cờ Việt Nam tại mỗi quốc gia tàu ghé qua.

Có một khoảnh khắc khiến tôi đặc biệt xúc động khi tàu Nippon Maru đi qua vùng biển Việt Nam trước khi cập cảng tại đất nước chùa vàng Thái Lan. Lúc ấy, chúng tôi, những người con “xa quê” ai nấy đều bồi hồi và dâng trào cảm xúc khi nhìn thấy từ xa biển đảo quê hương hiện ra trước mắt sau nhiều ngày dài lênh đênh trên biển. Chúng tôi không ai nói với ai, bất giác đặt tay lên ngực trái và hát vang Quốc ca giữa sóng, gió và biển trời Việt Nam, gương mặt ai nấy tràn ngập niềm kiêu hãnh, tự hào.

SSEAYP mang đến cho tôi những tình bạn không thể đẹp hơn với những người bạn mới. Dù hoạt động chung của chương trình dày đặc, thời gian rảnh rỗi khá hiếm nhưng chúng tôi vẫn có được những khoảnh khắc ngồi cùng nhau trên boong tàu, hòa mình cùng nắng sớm và gió biển để chia sẻ những câu chuyện về mỗi quốc gia, những băn khoăn trong cuộc sống hay những hoài bão cho tương lai. Những chia sẻ đó khiến chúng tôi thấu hiểu và cảm thông cho nhau, dệt nên những kỷ niệm, những tình bạn đẹp mà tôi tin là sẽ không dễ bị chia cắt bởi ranh giới quốc gia.

Hơn thế nữa, SSEAYP còn cho tôi những gia đình mới ở mỗi quốc gia mà tàu dừng chân, thông qua chương trình homestay (ở cùng nhà dân bản địa). Dù ở mỗi nước, các đại biểu chỉ được ở hai đêm với gia đình nuôi nhưng tình cảm mà chúng tôi dành cho nhau rất sâu nặng.

Tôi còn nhớ như in cảm giác ấm áp khi mẹ nuôi người Hồi giáo hướng dẫn tôi ăn món ambuyat truyền thống của Brunei và nhẹ nhàng nói: “Ăn đi con, khi về Việt Nam sẽ nhớ lắm đó”. Khi đó tôi thực sự thấy mình là một phần của gia đình, và mong muốn xây đắp, gắn bó mối quan hệ này hơn bao giờ hết.

Tới mỗi một quốc gia, chúng tôi lại có thêm một gia đình mới.

Quả thực, sau 45 năm chương trình được tổ chức, đã có rất nhiều đại biểu sau hàng chục năm vẫn tiếp tục giữ liên lạc với gia đình nuôi của họ ở các nước mà họ đi qua. Tình cảm ấy qua thời gian ngày càng bền chặt và sâu sắc, cho thấy SSEAYP vượt qua khuôn khổ đơn thuần của một chương trình giao lưu thanh niên, ngoại giao nhân dân.

Sau cùng, nhờ có SSEAYP, tôi có cơ hội đối diện với bầu trời và đại dương bao la, giúp tôi nhận ra rằng bản thân mình như một giọt nước nhỏ giữa biển cả mênh mông và thấy có rất nhiều người tài năng mà mình cần học hỏi, có nhiều kiến thức mà mình cần tiếp tục trau dồi. Và thông qua các hoạt động tập thể trên tàu, tôi cũng nhận ra rằng, nếu bản thân cố gắng hết sức và tập thể đoàn kết bên nhau thì bất kỳ trở ngại, thử thách nào cũng có thể vượt qua.

SSEAYP không chỉ giúp tôi có thêm những người bạn mới, đó còn là hành trình giúp tôi nhìn lại chính mình.

SSEAYP giúp tôi được sống chậm hơn, nhìn lại bản thân và tự hứa sẽ hết mình vì tuổi trẻ. Với tôi, SSEAYP kết thúc cũng là lúc tôi tìm thấy điểm khởi đầu trong một hành trình mới, hành trình trải nghiệm, khám phá và thấu hiểu bản thân.

Kết thúc bài viết, tôi xin trích dẫn lại một câu nói trong cuốn sách “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu” của tác giả Rosie Nguyễn, một tác giả mà tôi rất yêu thích: “Chỉ khi đã ở những năm gần cuối của lứa tuổi đôi mươi, tôi mới nhận ra rằng cách tốt nhất để trải qua tuổi trẻ của mình là học thật nhiều, làm thật nhiều, đi thật nhiều, gặp gỡ thật nhiều người và chứng kiến nhiều điều. Phấn đấu dấn thân xông pha trải nghiệm là cách rất tốt để xây dựng nền tảng tiền đề cho tương lai”.

Kỳ 2: Nhật Bản – Xứ sở lạ kỳ

Xem thêm: PV báo ĐS&PL đại diện Việt Nam dự Tàu Thanh niên Đông Nam Á – Nhật Bản 2018