SSEAYP – 52 ngày hành trình tuổi thanh xuân: Khám phá thiên đường Brunei

Trong suốt quá trình tham gia chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á – Nhật Bản lần thứ 45 (SSEAYP 45), tôi có cơ hội được tới 5 quốc gia khác nhau, sống trong những nền văn hóa đa dạng, gặp những con người mới, khám phá những trải nghiệm mới. Sau Nhật Bản, chúng tôi đến quốc gia Hồi giáo Brunei – vùng đất yên bình với rất nhiều sự thật thú vị.

Những thánh đường Hồi giáo

Sau gần một tuần lễ lênh đênh trên biển, từ Nhật Bản, chúng tôi đã có mặt tại cảng Muara của Brunei. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về Brunei này là quốc gia này rất nhỏ, diện tích chỉ 5.765km2, chỉ lớn hơn Hà Nội khoảng 1,7 lần. Tuy nhiên, 80% diện tích của quốc gia được bao phủ bởi cây xanh, nên không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng tôi cảm thấy lồng ngực mình căng đầy hơn bởi bầu không khí trong lành.

Brunei - quốc gia với hơn 100 thánh đường Hồi giáo lớn nhỏ, được cây xanh bao phủ tới 80% diện tích.

Brunei là một quốc gia Hồi giáo với hệ thống đường giao thông được đầu tư hoàn hảo, với những tuyến đường vô cùng hiện đại. Dù đa phần người Brunei di chuyển bằng ô tô nhưng đường phố không quá đông đúc, một phần được lý giải bởi thực tế là dân số Brunei chưa đầy 500.000 người, bằng khoảng 1 phần 17 dân số Hà Nội.

Brunei trong mắt tôi hiện lên một cách đầy kiêu hãnh với hơn 100 thánh đường Hồi giáo lớn nhỏ, thánh đường nào cũng lộng lẫy với những bức tường gạch sáng màu, phần chóp được dát vàng luôn sáng bừng dưới ánh nắng, dưới sàn nhà được trải những tấm thảm Ả Rập. Bên trong thánh đường, trần nhà được trang trí công phu, tinh xảo với những chùm đèn lớn và họa tiết hết sức tỉ mỉ, sang trọng.

Bên trong những thánh đường Hồi giáo được trang trí tinh xảo.

Điều khiến tôi đặc biệt thích thú ở Brunei là quy hoạch kiến trúc vô cùng thông thoáng. Ở đây không có những tòa nhà cao chọc trời che khuất tầm mắt, nên tôi có thể phóng tầm mắt ra rất xa mà không bị cản trở. Sở dĩ như vậy là vì tại Brunei có một quy định đối với các công trình kiến trúc là không được cao quá cung điện của đức vua Hassanal Bolkiah, mang tên Istana Nurul Iman, nghĩa là cung điện ánh sáng của những vị thần.

Cuộc sống an yên

Trong chương trình homestay (ở chung với người dân bản địa), tôi được nhận nuôi bởi một gia đình Hồi giáo điển hình ở Brunei. Họ dành sự tôn kính dành cho nhà vua của mình, bởi họ cho rằng đức vua chính là người giúp họ có được một cuộc sống ấm no, đầy đủ.

Ánh mắt của Hazique - một người bạn của tôi – luôn long lanh và tràn đầy niềm kính mến khi nói về đức vua của anh. Anh cho hay, anh luôn biết ơn những gì mà đức vua đã làm cho người dân. “Chúng tôi đặt niềm tin vào đức vua của mình, ông ấy chăm lo cho từng người dân. Thậm chí, chỉ cần một người dân Brunei gặp vấn đề khó khăn, anh ta cũng có thể xin diện kiến đức vua để xin lời khuyên hoặc được giải quyết vấn đề đó”.

Làng nước Kampong Ayer, nơi sinh sống của gần một nửa dân số Brunei. Những ngôi nhà giống như nhà sàn được dựng lên trên sông nước, với đầy đủ điện, đường, trường, trạm. 

Quả thực, tới Brunei, tôi cảm thấy cuộc sống như ở thiên đường. Thành phố được bao phủ bởi cây xanh, không một bóng nhà cao tầng, giao thông “dễ thở”, không khí trong lành, và quan trọng hơn là người dân được sống một cuộc sống không nhiều áp lực, bon chen.

Người dân nơi đây không phải đóng thuế, được cấp miễn phí nhà ở, giáo dục và y tế cũng hoàn toàn miễn phí, mỗi hộ dân trung bình sở hữu khoảng 3-4 xe ô tô nên bóng dáng của những phương tiện công cộng như xe bus, taxi trên đường phố là hầu như không có. Có thể nói, những đứa trẻ Brunei từ khi ở trong bụng mẹ đã được đảm bảo có một cuộc sống ấm no.

Chính trữ lượng dầu mỏ dồi dào đã giúp Brunei luôn nằm trong top những quốc gia giàu nhất châu Á và thế giới và có những khoản chi cho dân sinh xã hội hậu hĩnh như trên.

Đôi lúc, bước đi trên đường phố yên tĩnh của Thủ đô Bandar Seri Begawan, tôi tự hỏi rằng nếu một ngày trữ lượng dầu mỏ không còn đủ để khai thác, lúc ấy người dân sẽ dựa vào đâu để tồn tại?

Tôi nhanh chóng tìm được lời giải đáp. Việc được nhà nước chu cấp gần như toàn bộ mọi thứ cho cuộc sống không khiến người Brunei trở nên lười biếng.

Ở gia đình nuôi của tôi tại Brunei, mẹ nuôi vẫn bận bịu với công việc của bà ở đài phát thanh quốc gia, trong khi anh trai nuôi vẫn nói với tôi về những băn khoăn của anh của những thanh niên Brunei về nghề nghiệp, việc làm, trong khi cô em gái chia sẻ luôn ước mơ được làm công việc của mẹ sau khi tốt nghiệp ngành truyền thông ở trường đại học.

Dù không phải lo tới “cơm áo gạo tiền” như ở nhiều quốc gia khác nhưng người Brunei luôn tự ý thức được rằng lao động mang lại hạnh phúc, nên ai cũng cần mẫn, chăm chỉ làm việc như một chú kiến, không có ý định ỷ lại vào những gì bản thân đang được nhận từ Chính phủ.

Tôi cùng gia đình nuôi dùng bữa sáng tại một quán ăn nhỏ ở Brunei.

Được thiên nhiên ưu đãi có một cuộc sống như trong mơ nên tính cách của người Brunei rất vô tư, hồn hậu, phóng khoáng. Sự chân chất, hiền hòa đó khắc rõ nét trên khuôn mặt của những con người tôi được gặp ở Brunei.

Hjh Jee, mẹ nuôi của tôi, luôn lo lắng rằng tôi không hợp đồ ăn Hồi giáo. Bà cũng khiến tôi bất ngờ khi hỏi rằng: “Sau 3 ngày ở đây, con cảm thấy thế nào? Cuộc sống của người Hồi giáo có làm con lo lắng không?”. Câu hỏi đó khiến tôi ngạc nhiên bởi nó hoàn toàn trái ngược với những gì tôi nghĩ về Brunei, bởi tôi thực sự cảm thấy bình an khi ở quốc gia này, và đặc biệt hơn nữa là luôn nhận được tình thương vô bờ bến của bà thông qua những cử chỉ tuy nhỏ mà rất ý nghĩa của các thành viên trong gia đình.

Xem thêm: SSEAYP – 52 ngày hành trình tuổi thanh xuân và ghi chép của phóng viên báo Người Đưa Tin

Xem thêm: SSEAYP – 52 ngày hành trình thanh xuân: Nhật Bản – xứ sở lạ kỳ