Giáo dục

SSEAYP – 52 ngày hành trình tuổi thanh xuân: Đảo quốc muôn màu Philippines

Trong suốt quá trình tham gia chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á – Nhật Bản lần thứ 45 (SSEAYP 45), tôi có cơ hội được tới 5 quốc gia khác nhau, sống trong những nền văn hóa đa dạng, gặp những con người mới, khám phá những trải nghiệm mới. Điểm dừng chân thứ ba trong hành trình này là Philippines, mà tôi gọi là đảo quốc hạnh phúc.

“Đặc sản” giao thông

Philippines là điểm dừng chân thứ ba sau Nhật Bản và Brunei, hai quốc gia đã mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm mới mẻ và thú vị. Philippines cũng không khiến tôi phải thất vọng ngay từ những phút đầu tiên.

Cũng giống như ở Brunei, chúng tôi có 5 ngày để trải nghiệm cuộc sống tại Philippines - đất nước của những nụ cười. Do đó, mỗi giây phút tôi luôn cố gắng gạt sạch mọi kỳ vọng và định kiến để tận hưởng những điều mới mẻ ở quốc gia mà lần đầu tiên tôi đặt chân tới.

Vào ngày đầu gặp mặt gia đình nuôi trong chương trình homestay (ở cùng người dân bản địa), chị Janine người Philippines hỏi tôi: “Trước khi đến đây, em biết gì về đất nước của chị?”. Tôi nói về ngài Tổng thống Duterte, những hòn đảo xinh đẹp, quốc gia của hoa hậu và những lễ hội đường phố hoành tráng, rực rỡ sắc màu…

“Đó mới chỉ là những gì em nghe thấy, chị hi vọng những ngày tới ở đây, em sẽ thấy nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống và văn hóa Philippines”, Janine đáp lời tôi.

Câu nói của Janine là điểm khởi đầu một hành trình khám phá Philippines đầy thú vị của tôi. Hóa ra Philippines không chỉ gói gọn trong những gì mà tôi đã biết.

Tắc đường - "đặc sản" của Philippines.

Đầu tiên phải kể tới một thứ “đặc sản” vừa lạ mà cũng vừa quen ở thành phố Manila mà tôi đến. Đó chính là… tắc đường. Quen bởi vì đây là một nét rất đặc trưng ở hai thành phố trung tâm của Việt Nam là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Lạ do tôi được trải nghiệm nó ở một thành phố trong một quốc gia hoàn toàn mới.

Nhìn chung, tắc đường ở đâu thì cũng như nhau, đa phần gây khó chịu cho hàng dài người đang chờ đợi. Nhưng có lẽ tôi may mắn hơn một chút khi gặp cảnh tắc đường khi đang đóng vai trò người-đi-tìm-hiểu-văn-hóa-nước-bạn. Cũng có lẽ vì như thế mà tôi kiên nhẫn hơn chính bản thân mình khi ở Việt Nam. Đây cũng là lúc tôi quan sát những người xung quanh, lắng nghe những câu chuyện của anh Bong – gia đình homestay của tôi, để hiểu hơn về cuộc sống của anh, cũng như nếp sống, cách suy nghĩ của người Philippines.

Giao thông Philippines luôn mang lại cảm giác "ngộp thở".

Anh Bong nói, Manila là một trong những nơi có tình trạng tắc đường “khủng” nhất thế giới. Ngày nào cũng kẹt xe, và giờ nào đối với người Manila cũng là giờ cao điểm, đặc biệt là vào tối thứ Sáu lại càng kinh khủng, tắc đường đến 1, 2 giờ sáng là điều hết sức bình thường. Dù nghe có vẻ kinh hoàng là vậy, nhưng theo quan sát của tôi thì người dân vẫn khá kiên nhẫn chờ đợi và mọi thứ đều nằm trong tầm kiểm soát, có thể là do họ đã quá quen với việc này nên không thấy đó là điều đáng phải bực mình.

Những phương tiện độc đáo

Ngồi trên xe, đảo quanh mắt một lượt trên đường phố, tôi thấy mọi thứ kiến trúc xung quanh khá… lộn xộn, có những tòa nhà cũ xen cạnh những ngôi nhà mới hiện đại. Nếu để ý một chút sẽ thấy giữa những con phố sang trọng thi thoảng lại xuất hiện những con đường cũ kỹ của người lao động nghèo.

Trên phố, rất dễ bắt gặp hai phương tiện cực phổ biến ở Philippines là xe jeepney và tricycle (xe ba bánh tự chế). Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ rút ra khỏi Philippines, để lại nhiều xe jeep ở đây, sau đó người Philippines chế lại và biến thành phương tiện giao thông công cộng. Nó phổ biến tới mức đi bất kỳ chỗ nào trên đường phố Philippines đều nhìn thấy những chiếc jeepney này.

Jeepney - phương tiện phổ biến ở Philippines.

Về cái tên jeepney, theo tôi tìm hiểu thì nó là một từ ghép giữa hai từ “jeep” và “jitney”, nghĩa là “rẻ tiền”. Cũng có một số người khác cho rằng nó là từ ghép giữa “jeep” và “knee”, nghĩa là “đầu gối”, vì trên xe khoảng cách giữa hai hàng ghế đối diện rất hẹp, đầu gối của hành khách sẽ chạm vào nhau.

Dù tên của nó mang ý nghĩa nào thì jeepney cũng là một phương tiện cực kỳ thuận lợi cho người dân Philippines, vì giá cước cực rẻ, chỉ khoảng 4-5.000VNĐ cho một lượt với chặng đi khá dài. Xe chạy 24/24 giờ, có thể bắt xe bất cứ lúc nào, dù có trạm dừng hay không. Tìm jeepney còn dễ hơn cả xe taxi – phương tiện gây ra tiếng xấu cho Philippines vì nhiều câu chuyện “chặt chém” và không hay liên quan tới tài xế, khiến khách du lịch quốc tế phải e dè.

Xe tricycle cũng là một loại phương tiện được nhiều người lựa chọn. Đây thực chất là xe tự chế, chở được khoảng 1-2 người một lượt, bản chất khá giống xe ôm ở nước ta. Trên những chiếc xe thường được trang trí những câu chuyện thần thoại nhìn rất bắt mắt. Giá cước của loại xe này cũng không quá đắt, khoảng 25.000 đồng cho một quãng đường ngắn, do đó nó được nhiều người lựa chọn làm phương tiện di chuyển. Nếu như jeepney chạy theo những tuyến cố định thì tricycle lại chạy theo lộ trình mong muốn của hành khách.

Tricycle - một loại hình dịch vụ giống xe ôm của Việt Nam.

Những nghệ sĩ nhiệt huyết, vui vẻ

Người Philippines là những người sống vui vẻ, cực thân thiện và lịch sự. Tôi cảm nhận được điều này ngay từ những ngày đầu gặp các bạn người Philippines ở trên tàu Nippon Maru. Mỗi lần các bạn nữ Philippines bước lên cầu thang đều được các bạn nam dìu tay bước đi cực kỳ lịch lãm. Họ luôn giữ thái độ thân thiện với bất kỳ ai, và khiến người khác luôn cảm thấy được tôn trọng trong mỗi lời nói, hành động và mỗi cuộc hội thoại.

Người Philippines rất dễ kết bạn và bắt chuyện với người ngồi ngay cạnh mình. Khi trò chuyện, họ cười rất nhiều và khiến cho người lạ nhanh chóng cảm thấy gần gũi.

Họ sẵn sàng dành thời gian hàng giờ đồng hồ cho những ai thể hiện sự quan tâm đến đất nước, văn hóa và gia đình mình. Đối với người Philippines, gia đình có ý nghĩa cực đặc biệt với họ. Khi nói về gia đình mình, ánh mắt người Philippines luôn ánh lên niềm tự hào và hạnh phúc. Tôi cảm nhận được điều đó rõ rệt khi anh Bong giới thiệu về những thành viên trong gia đình mình cho tôi. Anh nói, đối với anh, gia đình là nền tảng vững chắc để anh có được những thứ như hiện tại, anh có thể đánh đổi mọi thứ để được ở bên gia đình.  

Người Philippines rất giỏi ca hát, nhảy múa

Lễ hội là nét đặc trưng của họ.

Trong những gia đình lớn ở Philippines, con trai hay con gái thường ở nhà với cha mẹ của họ cho đến khi họ kết hôn. Sau khi kết hôn, họ sẽ quyết định rằng muốn ở lại trong cùng một nhà với cha mẹ hoặc di chuyển đến nơi khác để bắt đầu cuộc sống riêng. Tuy nhiên, việc đưa người lớn tuổi sống trong nhà dưỡng lão không phải là một tiêu chuẩn đạo đức ở Philippines, nên đa phần người già đều được con cháu họ chăm sóc.

Đối với người Philippines, dù khi điều kiện tự nhiên và đời sống không mấy thuận lợi hay phải sống trong nghèo đói và bươn chải, họ sẵn sàng chấp nhận, không hề than vãn về lo lắng mưu sinh trong cuộc sống. Lúc nào tôi cũng cảm nhận sự vui vẻ và hài lòng trong tâm hồn, suy nghĩ của họ.

Có lẽ sống ở một đảo quốc cũng khiến cho tính cách người Philippines trở nên phóng khoáng, dạn dĩ và vui vẻ hơn người dân ở bất kỳ nơi đâu.

Mỗi người dân Philippines đều là một người nghệ sĩ đích thực. Họ rất thích ca hát, nhảy múa. Mỗi khi âm nhạc xuất hiện, người Philippines từ già tới trẻ, không hề ngại ngùng lắc lư theo điệu nhạc, nhìn chẳng thua kém bất cứ vũ công chuyên nghiệp nào. Trên đường phố, trên xe ô tô, ở chợ, trước những quầy hàng, tại trung tâm thương mại, tôi thường xuyên bắt gặp những người nghệ sĩ dù không chuyên nhưng vẫn vô cùng tỏa sáng khi biểu diễn tại “sân khấu” của riêng mình.

Chính vì đam mê những điệu nhảy, yêu thích những giai điệu nên trên khắp các đảo ở Philippines có rất nhiều những lễ hội thu hút lượng lớn du khách nước ngoài. Người dân thể hiện những vũ điệu đường phố đầy màu sắc được pha trộn khéo léo giữa truyền thống và hiện đại để tôn vinh các vị thần che chở cho họ, bày tỏ lòng biết ơn và cầu mong bình an, đủ đầy.

Con người, văn hóa giao thông, âm nhạc, những điệu nhảy, những chiếc xe jeepney… đã khiến tôi thêm yêu Philippines. Tôi mong mỏi chờ đợi ngày trở lại nơi đây để tiếp tục được lắng nghe những câu chuyện của anh Bong trong khi chờ những dòng xe dài trên phố vào giờ cao điểm, được trải nghiệm cảm giác chật chội trên xe jeepney, được ngắm nhìn người lao động ca hát, nhảy múa đầy đam mê… Hẹn gặp lại, Philippines – đảo quốc hạnh phúc!