Thế giới

Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ đối với khoản nợ nước ngoài trị giá 51 tỷ USD

Tuyên bố đưa ra trong bối cảnh Sri Lanka chuẩn bị thảo luận với Quỹ Tiền tệ quốc tế để nhận giải cứu.

Trong cuộc họp báo sáng 12/4 (giờ địa phương) thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka, ông P. Nandalal Weerasinghe, thông báo tạm ngừng việc thanh toán nợ nước ngoài và tiền lãi (vỡ nợ mềm), đồng thời tránh vỡ nợ cứng (tức không còn khả năng chi trả).

"Đã đến thời điểm việc thanh toán nợ trở nên thách thức và không thể thực hiện được. Điều tốt nhất chúng tôi có thể làm là tái cấu trúc nợ để tránh vỡ nợ cứng", Reuters dẫn lời ông Weerasinghe.

Bộ Tài chính Sri Lanka tuyên bố, các chủ nợ của nước này, trong đó có chính phủ các nước đã cho quốc gia Nam Á vay tiền, có thể cộng dồn lãi chưa trả vào khoản vay mà Sri Lanka đến hạn thanh toán từ chiều cùng ngày, hoặc chọn nhận lại khoản vay gốc bằng đồng rupee Sri Lanka.

"Chính phủ chỉ áp dụng biện pháp khẩn cấp này như lựa chọn cuối cùng nhằm ngăn tình hình tài chính của đất nước thêm xấu đi", Bộ Tài chính Sri Lanka giải thích.

Cơ quan này nói thêm, tuyên bố vỡ nợ là để đảm bảo "đối xử công bằng và bình đẳng đối với tất cả các chủ nợ" trước khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cung cấp chương trình hỗ trợ cho quốc gia Nam Á.

Sri Lanka hiện đang ôm khoản nợ nước ngoài lên đến 51 tỷ USD. Nước này phải thanh toán 4 tỷ USD nợ nước ngoài trong năm nay, trong đó gồm 1 tỷ USD trái phiếu chính phủ quốc tế đáo hạn vào tháng 7/2022. Tuy nhiên, nguồn dự trữ ngoại hối của Sri Lanka chỉ còn khoảng 1,93 tỉ USD, tính đến cuối tháng 3/2022.

Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka, các nguồn quỹ của Sri Lanka bây giờ sẽ ưu tiên dành để nhập các mặt hàng thiết yếu. Ngân hàng Trung ương Sri Lanka cũng kêu gọi người dân ở nước ngoài gửi tiền về nước (kiều hối) thông qua các kênh chính thức để hỗ trợ đất nước.

Trước đó, các bác sĩ cảnh báo cuộc khủng hoảng y tế có thể giết nhiều người ở Sri Lanka còn hơn cả Covid-19, trong bối cảnh nước này sắp cạn sạch thuốc men, dụng cụ y tế.

Đảo quốc Ấn Độ Dương đang vật lộn với cuộc suy thoái tồi tệ nhất từ khi giành được độc lập vào năm 1948. Chính phủ Sri Lanka không còn ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng cần thiết. Tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và mất điện diện rộng trong thời gian dài đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình chống chính phủ.

Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã áp đặt lệnh giới nghiêm và tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào đầu tháng 4 để đối phó với bất ổn lan rộng và nguy cơ biểu tình tiếp diễn từ tuần trước, trong đó có vụ ném gạch và đốt xe buýt trước nhà riêng của tổng thống tại Thủ đô Colombo.

Sri Lanka từ lâu đã ký nhiều thỏa thuận vay của nước ngoài nhằm đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, chính sách quản lý tài chính yếu kém cùng tác động từ đại dịch Covid-19 với ngành du lịch, vốn mang lại nguồn thu lớn cho đất nước, đã khiến Sri Lanka ngập trong "núi nợ".

Minh Hoa (t/h theo VnExpess, Tuổi Trẻ Online)