Thế giới

Sri Lanka rơi vào tình trạng thiếu khí đốt trầm trọng

Sri Lanka đã phải đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt trầm trọng trong nhiều tháng và việc người dân xếp hàng dài để mua khí đốt hiện là cảnh tượng thường nhật.

Theo Tân Hoa xã, nhà cung cấp khí hóa lỏng hàng đầu của Sri Lanka - Litro Gas Lanka Limited ngày 9/5 cho biết, công ty này không thể cung cấp khí đốt cho người tiêu dùng trong nước cho đến khi có đợt dự trữ mới.

Chủ tịch của Litro Gas, ông Vijitha Herath cho biết, hiện tại chỉ có sẵn các kho dự trữ khí đốt công nghiệp và công ty yêu cầu mọi người không xếp hàng chờ đợi.

Ông Herath nói rằng công ty này dự kiến sẽ chi 7 triệu USD trong ngày 9/5 để nhập khẩu khí hóa lỏng vào ngày 13 và 14/5.

Người dân Sri Lanka đã phải đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt trầm trọng trong nhiều tháng và việc xếp hàng dài để mua khí đốt hiện diễn ra trên khắp đất nước.

Sri Lanka đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1948. Từ một thiên đường du lịch ở Nam Á, đảo quốc này bị nạn khủng bố và đại dịch Covid-19 tàn phá, mất nguồn thu ngoại tệ quan trọng và từng bước rơi vào nguy cơ vỡ nợ. Ngày 12/4, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka (CBS) đã thông báo tạm ngừng việc thanh toán nợ nước ngoài và tiền lãi. 

Trong khi nhà nước phải dựa quá nhiều vào vay nợ để chi tiêu, dự trữ ngoại hối của nước này đã giảm hơn 2/3 trong hai năm qua. Tổng số nợ nước ngoài của Sri Lanka hiện lên đến 51 tỷ USD, trong khi GDP năm 2021 chỉ là 81 tỷ USD. Sri Lanka phải thanh toán 4 tỷ USD nợ nước ngoài trong năm nay, trong đó có 1 tỷ USD trái phiếu chính phủ đáo hạn vào tháng 7/2022. Nhưng, dự trữ ngoại hối của Sri Lanka chỉ còn khoảng 1,93 tỷ USD, tính đến cuối tháng 3/2022.

Vì vậy, chính phủ buộc phải áp nhiều biện pháp hạn chế tiền tệ mạnh mẽ và cấm nhập khẩu nhiều hàng hóa thiết yếu. Tuy nhiên, hậu quả là tình trạng thiếu lương thực và nhiên liệu, cùng với đó là tình trạng mất điện kéo dài. Giá cả nhiều mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh và lạm phát vọt lên mức cao nhất lịch sử 17,5% vào tháng 3/2022. Việc thiếu nguồn cung nhiên liệu khiến hoạt động giao thông vận tải công cộng tê liệt. Công ty điện lực quốc gia Sri Lanka thông báo tăng thời gian cắt điện hàng ngày lên 13 giờ do không có đủ dầu nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện. Các bác sĩ cảnh báo cuộc khủng hoảng y tế có thể khiến nhiều người Sri Lanka thiệt mạng còn hơn cả Covid-19, trong bối cảnh nước này sắp cạn sạch thuốc men và dụng cụ y tế.

Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Nhân Dân)