Thế giới

Sri Lanka: Người dân không thể "thắt lưng buộc bụng" thêm nữa

Sri Lanka vỡ nợ, chìm trong khủng hoảng, nhưng bất kỳ gói giải cứu nào cũng có khả năng đi kèm với các ràng buộc, bao gồm yêu cầu "thắt lưng buộc bụng" khắt khe hơn.

Các giá kệ siêu thị trống rỗng, hàng dài người chờ đợi để mua những mặt hàng thiết yếu nhất, và những lều trại tạm bợ qua đêm quanh các trạm nhiên liệu… hiện là những cảnh tượng thường thấy nhất ở Sri Lanka – đảo quốc phồn vinh một thời được mệnh danh “hòn ngọc Ấn Độ Dương”.

Khi nền kinh tế tiếp tục lao dốc mà không có giải pháp ngắn hạn khả thi nào trong tầm mắt, mức độ thất vọng của người dân tiếp tục tăng lên.

Cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất của đất nước kể từ khi giành độc lập đã vùi dập người dân Sri Lanka thuộc mọi tầng lớp xã hội, nhưng những hậu quả đang ảnh hưởng đến người nghèo với cường độ lớn hơn.

Một gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ rất quan trọng trong việc ổn định tài chính của Sri Lanka. Nhưng các nhà phê bình cho rằng, đảo quốc Ấn Độ Dương cần giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực và bất ổn chính trị trước.

Các cuộc biểu tình tiếp tục nổ ra ở Sri Lanka khi ông Ranil Wickremesinghe, vị Thủ tướng không được lòng dân, được bầu làm Tổng thống mới của đất nước. Ảnh: Virginia News Time

Ông Ranil Wickremesinghe, người 6 lần giữ chức Thủ tướng, hôm 21/7 đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Sri Lanka. Vị chính trị gia kỳ cựu 73 tuổi, sau khi chiến thắng áp đảo trong cuộc bỏ phiếu kín của quốc hội hôm 20/7, sẽ thay ông Gotabaya Rajapaksa hoàn thành nốt nhiệm kỳ Tổng thống còn dang dở, dự kiến kết thúc vào cuối năm 2024.

Các quan chức cho biết, ông Wickremesinghe đang tìm cách thành lập một chính phủ đoàn kết để quản lý tình trạng hỗn loạn hiện tại của đất nước.

Hiện ông đang đối mặt với một nhiệm vụ hết sức khó khăn: Dẫn dắt Sri Lanka thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập vào năm 1948.

Từ khủng hoảng đến vỡ nợ

Nền kinh tế chìm trong nợ nần của đảo quốc Nam Á sụp đổ sau khi nước này không còn khả năng chi trả các khoản nhập khẩu lương thực, nhiên liệu và thuốc men, kéo theo nhiều cuộc biểu tình ồ ạt của quần chúng nhân dân trong nhiều tháng qua và cao trào là việc lật đổ chính phủ do gia tộc Rajapaksa chi phối.

Chính phủ Sri Lanka nợ 51 tỷ USD và đang phải vật lộn để trả lãi cho các khoản vay đó, chưa nói đến việc trả nợ gốc.

Nhiều nhà phân tích đã đổ lỗi cho sự quản lý yếu kém và tham nhũng nhiều năm gây ra cuộc khủng hoảng mà đảo quốc 22 triệu dân đang phải đối mặt, bao gồm cả các khoản vay từ Trung Quốc để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng nay đã biến thành những “con voi trắng” (Thuật ngữ chỉ khoản đầu tư có giá trị hoặc mức độ hữu ích không phù hợp với chi phí để duy trì nó).

Cuộc khủng hoảng kinh tế của Sri Lanka càng trở nên trầm trọng hơn do một số sai lầm chính sách khác, bao gồm việc cắt giảm thuế sâu được đưa ra chỉ vài tháng trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, và sự chuyển đổi đột ngột sang canh tác hữu cơ khiến năng suất cây trồng giảm mạnh.

Đám đông khổng lồ chờ đợi quanh mua xăng ở Hatton, Sri Lanka, ngày 26/6/2022. Ảnh: DW

Doanh thu du lịch - một nguồn ngoại hối quan trọng của đảo quốc Nam Á - sụt giảm nghiêm trọng sau các cuộc tấn công khủng bố vào Lễ Phục sinh năm 2019 và trong giai đoạn đại dịch, đã làm cho vấn đề trở nên càng thêm tồi tệ.

Nền kinh tế Sri Lanka tất nhiên sẽ sụt giảm tới 8% trong năm nay, trong khi chi phí của nhiều sản phẩm thực phẩm và nhiên liệu đã tăng gấp 3 lần và đồng tiền Sri Lanka (Rupee) trượt giá 80%.

Việc đồng Rupee mất giá nhanh chóng và tiền lương không thể theo kịp với lạm phát đã làm giảm đáng kể mức sống của người dân. Lạm phát, được đo lường bởi Chỉ số Giá Tiêu dùng Colombo (CCPI) cho tháng 6/2022, là 54,6% so với 39,1% của tháng trước. Đáng chú ý, lạm phát lương thực đã tăng lên mức báo động 80,1% vào tháng 6/2022.

Gói cứu trợ của IMF có khả thi?

Ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới sẽ là tái cơ cấu các khoản nợ khổng lồ của Sri Lanka.

Các cuộc đàm phán để có gói cứu trợ từ IMF đã được tiến hành, nhưng điều này sẽ dẫn tới yêu cầu Sri Lanka phải cơ cấu lại các khoản vay hiện tại từ IMF cũng như các khoản vay khác từ Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản.

Bất kỳ gói giải cứu nào cũng có khả năng đi kèm với các ràng buộc, bao gồm cả việc tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước và các biện pháp thắt lưng buộc bụng sâu hơn.

"Thực tế là người dân không thể thắt lưng buộc bụng thêm nữa", ông Ahilan Kadirgamar, nhà kinh tế chính trị tại Đại học Jaffna (Sri Lanka), nói với Đài DW (Đức).

“Nhiều người không có khoản dự phòng nào”, ông Kadirgamar nói, đồng thời cho biết thêm rằng gần 2/3 dân số Sri Lanka làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức.

Ông Kadirgamar nghi ngờ tính khả thi của một gói cứu trợ từ IMF, cho biết rằng Colombo sẽ phải vật lộn để tìm kiếm thêm các khoản vay nước ngoài trong tương lai vì chi phí vốn sẽ quá cao đối với một quốc gia vừa vỡ nợ.

Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe nói chuyện với các phóng viên trong chuyến thăm chùa Gangaramaya ở Colombo, ngày 20/7/2022. Ảnh: Virginia News Time

Đảo ngược chính sách thuế

Nhà kinh tế chính trị tại Đại học Jaffna đã kêu gọi Tổng thống Wickremesinghe sử dụng thu nhập ngoại hối của Sri Lanka - mà ông cho biết lên tới 1,3-1,5 tỷ USD mỗi tháng - để ưu tiên nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men vốn vẫn đang thiếu hụt.

Chính phủ cũng phải tăng chi tiêu thâm hụt để tài trợ tiếp tục các khoản cứu trợ cho người dân, trong bối cảnh mối đe dọa nạn đói đang gia tăng, ông Kadirgamar bổ sung.

Thực ra, chính quyền cựu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa - người đã chạy sang Singapore và từ chức lưu vong - đã sửa chữa một số lỗi chính sách gây ra cuộc khủng hoảng. Nhưng phần nhiều trong những sửa chữa đó có thể phải mất nhiều năm mới giúp thúc đẩy quá trình phục hồi của Sri Lanka.

Ví dụ, việc cắt giảm thuế sâu rộng được công bố vào năm 2019 để thúc đẩy tăng trưởng đã bị đảo ngược vào tháng trước để giúp đáp ứng các điều kiện của gói cứu trợ IMF đề xuất.

Quyết định cắt giảm thuế ban đầu đã chứng kiến doanh thu giảm 800 tỷ Rupee (2,2 tỷ USD) mỗi năm, theo Bloomberg.

Việc đảo ngược có nghĩa là, thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế doanh nghiệp đang được điều chỉnh tăng lên vào thời điểm tồi tệ nhất có thể, và có khả năng sẽ thất bại trong việc thúc đẩy đủ nguồn thu từ thuế trong khi nền kinh tế đang suy thoái.

"Tôi có thể nói rằng lợi ích (của việc tăng thuế) sẽ không đáng kể", ông Soumya Bhowmick, cộng sự tại Trung tâm Ngoại giao Kinh tế Mới, thuộc Quỹ nghiên cứu các nhà quan sát (ORF) có trụ sở tại Ấn Độ, nói với DW. "Nguồn thu từ thuế bổ sung không phải để củng cố nền kinh tế mà để giải quyết tình trạng thiếu lương thực và các biện pháp khác".

Ông Kadirgamar, từ Đại học Jaffna, lưu ý rằng "giới tinh hoa chính trị không muốn đánh thuế tài sản", bất chấp nhu cầu cấp bách về các dòng thu thuế mới.

Khôi phục canh tác

Tháng 11/2021, chính phủ Sri Lanka dưới thời ông Rajapaksa cũng đã “quay xe” đối với một cuộc thử nghiệm lớn về canh tác hữu cơ, chỉ vài tháng sau khi ban bố lệnh cấm sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu tổng hợp trên toàn quốc.

Kết quả của lệnh cấm, sản lượng gạo trong nước giảm 1/3 và sản lượng chè - nguồn xuất khẩu và thu ngoại tệ chính của đất nước - giảm 16%.

“Trong một khoảng thời gian ngắn, họ đã hủy hoại năng suất mà nông dân đạt được trong nhiều năm. Vì vậy, việc xây dựng lại sẽ mất khá nhiều thời gian, và chỉ có thể bắt đầu sau khi họ đã xử lý xong cuộc khủng hoảng hiện nay”, ông Bhowmick cho biết.

Những người biểu tình yêu cầu ông Gotabaya Rajapaksa từ chức Tổng thống bơi trong hồ bơi tại Phủ Tổng thống Sri Lanka, thủ đô Colombo, ngày 9/7/2022. Ảnh: NPR

Ông Kadirgamar nói với DW rằng nhiều người trong số 2 triệu nông dân Sri Lanka đã "mất niềm tin" sau sai lầm về canh tác hữu cơ. Ông cũng cho rằng chính phủ sẽ cần phải có một "biện pháp kích thích tích cực" để khuyến khích nông dân tái canh đất đai của mình.

“Ngay cả khi ngành nông nghiệp đóng góp ít cho GDP, nếu nói đến an ninh lương thực và sinh kế của người dân, đó là một ngành thực sự khổng lồ”, ông Kadirgamar nói với DW.

Du lịch cũng vậy, có thể mất nhiều thời gian để phục hồi. Doanh thu từ du lịch của Sri Lanka đạt 4,3 tỷ USD vào năm 2018 nhưng đã giảm gần 80% trong thời gian đại dịch.

Trong khi hầu hết các quốc gia châu Á đã chứng kiến sự gia tăng khách du lịch quốc tế gần đây, tình trạng bất ổn dân sự lan rộng và tình trạng gián đoạn nghiêm trọng ở Sri Lanka đã một lần nữa khiến nhiều du khách phải tạm tránh xa “hòn ngọc Ấn Độ Dương”.

Nguồn kiều hối quan trọng

Dòng kiều hối gia tăng từ khoảng 3 triệu người Sri Lanka làm việc ở nước ngoài vốn có thể là một nguồn thu ngày càng sinh sôi nảy nở. Nhưng một lần nữa, nguồn thu này lại bị ảnh hưởng bởi cả đại dịch và các biện pháp kiểm soát tiền tệ được áp dụng vào năm ngoái.

Tổng số kiều hối người Sri Lanka xa xứ gửi về nhà là 500-600 triệu USD mỗi tháng. Nhưng khi chính phủ đặt tỉ giá hối đoái của đồng Rupee ở mức giá không cạnh tranh, việc sử dụng hệ thống chuyển tiền "Hawala" không chính thức đã tăng lên trong khi lượng kiều hối chính thức giảm tới 52%.

"Hawala" cho phép người lao động xa xứ chuyển tiền mặt bằng đồng tiền mà họ kiếm được cho một người trung gian, và người trung gian này sẽ đảm bảo gia đình người lao động nhận được số tiền tương đương bằng đồng Rupee.

"Trừ khi chính phủ tìm ra cách khuyến khích kiều hối thông qua các kênh chính thức, dòng kiều hối sẽ không thể khôi phục lại mức cũ", ông Kadirgamar nói.

Tuy nhiên, ông Bhowmick có nhận định lạc quan hơn. Theo ông, số người Sri Lanka tìm kiếm việc làm ở nước ngoài đang ngày càng tăng trong bối cảnh nguồn công việc ở quê nhà đã cạn kiệt.

"Tôi khá hy vọng rằng lượng kiều hối sẽ trở lại mức bình thường trong vòng một năm hoặc lâu hơn nhờ làn sóng phục hồi hậu đại dịch", ông nói với DW.

Vẻ đẹp đảo quốc Sri Lanka "hòn ngọc Ấn Độ Dương". Ảnh: Tangerine Tours

Minh Đức (Theo DW, NDTV, Daily Mirror)