Thế giới

Sri Lanka: Hàng nghìn sinh viên biểu tình, bao vây nhà Thủ tướng

Hàng nghìn sinh viên đã kéo đến nhà Thủ tướng Mahinda Rajapaksa của Sri Lanka biểu tình để yêu cầu ông từ chức.

Theo AFP, đám đông biểu tình xô đẩy hàng rào bảo vệ quanh nhà ông Mahinda Rajapaksa, em trai Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, ở Thủ đô Colombo. Trước đó, cảnh sát đã dựng rào chắn trên nhiều tuyến đường xung quanh thành phố để ngăn các nhóm biểu tình nhập lại với nhau.

"Các anh có thể chặn đường nhưng không ngăn được cuộc đấu tranh của chúng tôi cho đến khi nào toàn bộ chính phủ này “về vườn"”, một lãnh đạo của cuộc biểu tình tuyên bố. Nhiều người biểu tình đã cầm theo biểu ngữ đòi ông Rajapaksa và ông Gotabaya từ chức khi đối mặt với các lực lượng an ninh mang lá chắn, ngăn họ xông vào nhà riêng của lãnh đạo Sri Lanka.

Cảnh sát Sri Lanka cho hay, Thủ tướng Mahinda Rajapaksa không có nhà vào thời điểm xảy ra biểu tình và đám đông sau đó đã giải tán một cách ôn hòa.

Hơn 2 tuần qua, hàng nghìn người biểu tình đã cắm trại hàng ngày bên ngoài văn phòng Tổng thống Gotabaya Rajapaksa yêu cầu ông và anh trai Mahinda Rajapaksa từ chức trong bối cảnh Sri Lanka đang lâm vào tình trạng mất điện kéo dài, lạm phát kỷ lục và tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu trầm trọng. Các cuộc biểu tình khác cũng nổ ra trên khắp Sri Lanka, trong đó đám đông cố xông vào nhà và văn phòng của các quan chức chính phủ.

Tuần này, một người đàn ông đã bị bắn tử vong khi cảnh sát nổ súng phong tỏa đường ở thị trấn trung tâm Rambukkana. Đây là trường hợp thiệt mạng đầu tiên kể từ khi biểu tình ở Sri Lanka bắt đầu nổ ra từ tháng trước.

Sri Lanka đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ khi giành độc lập năm 1948. Quốc gia Nam Á này đang phải vật lộn để thanh toán cho các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu sau khi dự trữ ngoại hối sụt giảm mạnh trong 2 năm qua dẫn đến đồng tiền mất giá và lạm phát tăng vọt.

Với khoản nợ nước ngoài lên đến 51 tỷ USD, Sri Lanka đã phải tuyên bố vỡ nợ và kêu gọi các nước, tổ chức giúp đỡ.

Ngày 24/4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, việc đàm phán cho vay giải cứu với Sri Lanka đang diễn ra thuận lợi. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới nói đã sẵn sàng cung cấp gói giải cứu, trong đó gồm 10 triệu USD có thể giải ngân ngay lập tức, cho nước này.

Các khoản hỗ trợ nhằm giúp Sri Lanka mua thực phẩm, gas nấu ăn, hạt, phân bón và một số hàng hóa thiết yếu khác.

Cuối tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka, ông Ali Sabry, cảnh báo tình hình tại Sri Lanka có thể tồi tệ hơn. "Tình hình sẽ tệ hơn trước khi trở nên khá hơn. Một vài năm tới sẽ vô cùng khó khăn", ông Sabry nói tại Mỹ khi đang tham gia đàm phán với IMF.

Minh Hoa (t/h theo Tuổi Trẻ Online, VietNamNet)