Thế giới

Điều gì đón đợi khi cựu Tổng thống Sri Lanka Rajapaksa hồi hương?

Không ai ở Sri Lanka ngờ được rằng ông ấy sẽ trở lại đất nước sớm như vậy, sau khi tháo chạy trên một chiếc máy bay quân sự chỉ vài tuần trước.

Tổng thống bị lật đổ của Sri Lanka, Gotabaya Rajapaksa, đã trở về nhà vào đầu ngày 3/9 sau khi tháo chạy khỏi đất nước từ hồi đầu tháng 7, các quan chức Sri Lanka cho biết.

Ông Rajapaksa từ chức sau khi hàng trăm nghìn người biểu tình giận giữ tràn vào văn phòng và dinh thự của ông ở thủ đô Colombo, đổ lỗi cho ông và các đồng minh vì cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng tồi tệ mà đảo quốc Nam Á này phải đối mặt.

Nhà cựu lãnh đạo 73 tuổi đã hạ cánh xuống thủ đô Colombo trên chuyến bay của hãng hàng không Singapore Airlines từ Thái Lan vào đầu giờ sáng ngày 3/9, truyền thông địa phương đưa tin.

Ông Rajapaksa đã trốn đến Maldives vào ngày 9/7, sau đó đến Singapore rồi sang ở Thái Lan vài tuần qua bằng thị thực ngoại giao.

Phóng viên Minelle Fernandez của Al Jazeera, đưa tin từ Colombo, xác nhận sự trở lại của ông Rajapaksa.

“Chúng tôi có xác nhận rằng cựu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã trở về nước”, nữ phóng viên nói, đồng thời cho biết thêm rằng không ai ngờ ông ấy sẽ trở lại đất nước sớm như vậy, sau khi tháo chạy trên một chiếc máy bay quân sự chỉ vài tuần trước.

“Những lựa chọn của ông ấy là gì trong những ngày và tháng tới vẫn còn phải xem. Rõ ràng là ông ấy đã từ bỏ chức vụ, nhưng ông ấy vẫn là một phần của gia tộc Rajapaksa, và theo như những gì chúng tôi được nghe, gia tộc này chưa có ý định từ bỏ về mặt chính trị”, nữ phóng viên của Al Jazeera cho biết từ thủ đô Colombo.

“Chúng tôi vừa thành lập một bộ phận an ninh mới để bảo vệ ông ấy sau khi ông ấy trở lại vào ngày 3/9. Đơn vị này bao gồm các thành phần từ quân đội và cảnh sát biệt kích”, một quan chức quốc phòng Sri Lanka nói với hãng tin AFP.

Hiến pháp Sri Lanka đảm bảo vệ sĩ, phương tiện và nhà ở cho các cựu Tổng thống. Việc từ chức đã chấm dứt quyền miễn trừ Tổng thống của ông Rajapaksa, điều này có nghĩa là các vụ án hình sự bị đình trệ chống lại nhà cựu lãnh đạo có thể sẽ được mở lại.

Các nhà hoạt động nhân quyền cho biết họ sẽ thúc giục việc bắt giữ ông Rajapaksa vì một loạt các cáo buộc, bao gồm cả cáo buộc về vai trò của nhà cựu lãnh đạo này trong vụ ám sát biên tập viên tờ báo nổi tiếng Lasantha Wickrematunge năm 2009.

Minh Đức (Theo Al Jazeera, The Straits Times)