Thế giới

Sri Lanka bỏ giới nghiêm, vẫn đợi đơn từ chức của Tổng thống Rajapaksa

Người dân Sri Lanka vẫn đang đợi tuyên bố từ chức của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa sau khi ông này tháo chạy đến Maldives.

Căng thẳng vẫn ở mức gay gắt ở Sri Lanka sau khi tuyên bố từ chức của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa vẫn chưa xuất hiện, khiến đảo quốc Nam Á rơi vào tình trạng lấp lửng về chính trị.

Người dân Sri Lanka vẫn đang đợi lá đơn từ chức của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa ngày 14/7, một ngày sau khi ông tháo chạy đến Maldives, Reuters đưa tin.

Theo Reuters, điểm đến tiếp theo của ông Rajapaksa được cho là Singapore, nhưng điểm đến cuối cùng của ông này thì chưa rõ ràng.

Ông Rajapaksa chính thức vẫn là Tổng thống, nhưng hôm 13/7 đã bổ nhiệm Thủ tướng Ranil Wickremesinghe làm “Tổng thống tạm quyền” với đầy đủ quyền hành pháp.

Sau đó, ông Wickremesinghe đã sử dụng quyền hành pháp mới của mình để ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn Sri Lanka, áp đặt giới nghiêm qua đêm và kêu gọi quân đội và cảnh sát "làm những gì cần thiết" để ngăn chặn những người biểu tình xông vào các tòa nhà chính phủ, theo The Guardian.

Động thái này đã làm làn sóng biểu tình ở Sri Lanka bùng phát mạnh mẽ hơn, với việc những người biểu tình xông vào Văn phòng Thủ tướng yêu cầu ông Wickremesinghe cũng phải từ chức.

Người biểu tình bỏ chạy khi cảnh sát sử dụng hơi cay trong cuộc biểu tình tại văn phòng thủ tướng ở Colombo, Sri Lanka, ngày 13/7/2022. Ảnh: The Guardian

Ông Rajapaksa đã nhiều lần đảm bảo với Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka rằng ông sẽ từ chức trong ngày 13/7, nhưng mãi đến đầu ngày 14/7, vẫn chưa có lá đơn từ chức nào của ông Rajapaksa xuất hiện, một phụ tá của Chủ tịch Quốc hội Mahinda Yapa Abeywardena cho biết.

Theo Reuters, các nguồn tin từ bệnh viện cho biết, ít nhất 45 người đã phải nhập viện sau cuộc đụng độ giữa cảnh sát chống bạo động và những người biểu tình vào đêm 13/7 gần tòa nhà quốc hội, khi mọi người yêu cầu bãi nhiệm cả ông Rajapaksa và ông Wickremesinghe.

Truyền thông địa phương cho biết, một người biểu tình 26 tuổi nhập viện sau khi bị xịt hơi cay đã chết vì khó thở.

"Một số người biểu tình tụ tập bên ngoài tòa nhà quốc hội hiện đã giải tán", phát ngôn viên cảnh sát Nalin Thalduwa nói với Reuters. "Khu vực này bây giờ đã yên tĩnh".

Ông Thalduwa cho biết, ông không có thông tin về số người đã nhập viện, nhưng lệnh giới nghiêm qua đêm do Tổng thống tạm quyền áp đặt đã kết thúc vào đầu ngày 14/7 mà không có vụ bắt giữ nào.

Cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất

Ông Rajapaksa cùng vợ và 2 vệ sĩ rời sân bay quốc tế chính gần Colombo trên một chiếc máy bay của Không quân Sri Lanka vào sáng sớm hôm 13/7. Chiếc máy bay sau đó đã đáp xuống thủ đô Male của Maldives.

Truyền thông Maldives cho biết, hiện ông Rajapaksa đang chờ một máy bay riêng để bay tới Singapore. Reuters không thể xác minh kế hoạch di chuyển của Tổng thống Sri Lanka.

Các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng đã khiến chính phủ ở Sri Lanka bị lật đổ. Trong ảnh là người biểu tình trước văn phòng Tổng thống Gotabaya Rajapaksa ở thủ đô Colombo. Ảnh: DW

Quốc hội Sri Lanka dự kiến sẽ bổ nhiệm Tổng thống chính thức mới vào tuần tới, và một nguồn tin của đảng cầm quyền hàng đầu ở Sri Lanka nói với Reuters rằng ông Wickremesinghe (hiện đang giữ chức Thủ tướng, và quyền Tổng thống) là lựa chọn đầu tiên của đảng, mặc dù chưa có quyết định nào được đưa ra.

Các cuộc biểu tình phản đối cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất của Sri Lanka kể từ khi giành độc lập vào năm 1948 đã diễn ra trong nhiều tháng và bùng phát vào cuối tuần trước khi hàng trăm nghìn người xông vào các tòa nhà chính phủ ở thủ đô Colombo.

Họ đổ lỗi cho ông Rajapaksas và các đồng minh của ông này về tình trạng lạm phát, thiếu hụt nhiên liệu và hàng hóa thiết yếu và tham nhũng mà đảo quốc Nam Á đang phải đối mặt.

Minh Đức (Theo Reuters, The Guardian)