Sự kiện

Sốt xuất huyết vượt ngưỡng cảnh báo dịch, cơ sở y tế căng sức điều trị

Theo Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch.

Các cơ sở y tế đang "căng mình" phòng tránh dịch sốt xuất huyết

Theo Sở Y tế Hà Nội, cộng dồn năm 2022 đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết ghi nhận trên địa bàn Hà Nội khoảng gần 10.000 ca mắc, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021, bệnh nhân phân bổ tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố, số bệnh nhân ở các quận nội thành ít hơn so với các huyện ngoại thành.

Đặc biệt, số ca mắc gia tăng mạnh những tuần gần đây. Nếu như đầu tháng 9/2022, số ca mắc trong khoảng 500-700 ca/tuần, đến cuối tháng 10/2022, ghi nhận 1.200-1.400 ca/tuần.

Với tốc độ số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng như hiện nay, hiện tại, một số bệnh viện điều trị các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn Tp.Hà Nội có rất đông bệnh nhân.

Bệnh viện Đống Đa - đơn vị đầu ngành điều trị các bệnh truyền nhiễm của Tp.Hà Nội đang điều trị cho hàng trăm ca sốt xuất huyết.

Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, số mắc sốt xuất huyết năm 2022 đã vượt qua ngưỡng cảnh báo dịch, tình hình dịch đang diễn biến phức tạp.

Dự báo số ca mắc tiếp tục ghi nhận ở mức cao, nguy cơ sẽ có nhiều bệnh nhân nặng, do đó cần tiếp tục bám sát tình hình, sẵn sàng nhân lực, cơ số vật tư, hóa chất phục vụ phòng chống dịch.

Trong khi đó, tại Khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E hàng ngày tiếp nhận lượng bệnh nhân đến khám đông, sau khi lượt điều trị khỏi bệnh ra, sẽ có lượt mắc sốt xuất huyết mới vào nên giường bệnh lúc nào cũng "căng thẳng". Ngoài ra, số ca mắc sốt xuất huyết tăng đột biến cũng tạo áp lực không nhỏ đến các bệnh viện nói chung và đội ngũ y bác sĩ nói riêng.

Theo Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch. Do đó, nguy cơ ghi nhận thêm nhiều bệnh nhân nặng và tử vong.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề dịch sốt xuất huyết, TS Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thông tin, với tình hình dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, Hà Nội đã chủ động các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt.

Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị trong ngành thực hiện tốt công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân biết về sốt xuất huyết, các dấu hiệu cảnh báo nặng cần tái khám ngay và thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, phun, diệt muỗi, phòng muỗi đốt.

Hà Nội đã tổ chức tập huấn cho các bệnh viện công lập và ngoài công lập về phác đồ điều trị, cập nhật những kiến thức về sốt xuất huyết Dengue.

"Đối với các bệnh viện, ngành y tế Hà Nội đã thực hiện phân luồng, phân tuyến để phù hợp với mức độ bệnh nhân nặng, nhẹ và chuyển tuyến an toàn; Sở Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện đảm bảo đủ hóa chất, vật tư tiêu hao, thuốc,… trong thu dung, điều trị người bệnh theo đúng quy định.

Đặc biệt, trong hoạt động điều trị sốt xuất huyết tại cơ sở y tế cần đảm bảo đầy đủ dung dịch cao phân tử, dịch truyền, máu và các loại thuốc khác để điều trị kịp thời cho bệnh nhân..." TS Hà chia sẻ.

Bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện E. Ảnh: Báo Sức khỏe & Đời sống.

Tăng cường công tác kiểm tra tại những địa bàn trọng điểm

Các chuyên gia y tế cũng lưu ý nguy cơ biến chứng do sốt xuất huyết, bởi chưa có thuốc đặc trị nên điều trị sốt xuất huyết bằng kiểm soát triệu chứng, uống nhiều nước kết hợp nghỉ ngơi và có chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Những người sốt cao trên 38,5 độ C thì có thể hạ sốt và giảm triệu chứng đau bằng Paracetamol. Người mắc sốt xuất huyết không được lạm dụng các thuốc như Ibuprofen, Aspirin, Natri naproxen, Analgin... do các thuốc này có thể gây tác dụng phụ là biến chứng xuất huyết.

Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như đau bụng và nôn ói nhiều, không ăn uống được, đã giảm hoặc hết sốt nhưng vẫn còn cảm giác khó chịu; chân tay ẩm, lạnh; chảy máu mũi miệng, xuất huyết âm đạo… thì cần khẩn trương nhập viện.

Do đang trong cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết nên ngành y tế dự báo số ca mắc sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Kết quả giám sát nhiều nơi cho thấy, chỉ số truyền bệnh cao vượt ngưỡng, ở mức nguy cơ bùng phát dịch.

Để ngăn chặn dịch bệnh gia tăng, Sở Y tế Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra tại những địa bàn trọng điểm; yêu cầu các địa phương tăng cường công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất diện rộng những khu vực xuất hiện ổ dịch và khu vực nguy cơ cao.

Ủy ban nhân dân thành phố cũng có công văn gửi ủy ban mặt trận tổ quốc, các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã về việc triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân phòng chống dịch, bệnh.

Cùng với đó, quận triển khai hiệu quả công tác vệ sinh môi trường, phòng chống các loại dịch bệnh, đặc biệt là vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết và vệ sinh lớp học, đồ chơi, dụng cụ học tập phòng, chống bệnh tay chân miệng khi trẻ tới trường.

Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, virus gây bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng huyết thanh khác nhau là Dengue 1, Dengue 2, Dengue 3 và Dengue 4. Nếu một người đã nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng đó nhưng chưa có khả năng miễn dịch với những chủng virus còn lại.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường lưu ý những đối tượng có nguy cơ biến chứng do sốt xuất huyết là người cao tuổi, trẻ em, người có bệnh lý nền; ngoài ra những trường hợp sốt cao, mệt mỏi, ăn uống kém (không ăn uống được), bệnh nhân sốt cao, nhưng hạ sốt đột ngột... cũng cần chú ý theo dõi.

Cách phòng chống dịch

- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa, bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Trúc Chi (theo Sức khỏe & Đời sống, TTXVN, Dân Trí)