Dân sinh

Sốt cao 6 ngày không khỏi, đi viện mới biết bị suy đa tạng vì sốt mò

Nữ bệnh nhân 43 tuổi bị sốt cao liên tục 6 ngày, khó thở, xuất hiện vết loét ở bẹn trái. Trước đó người này có đi làm nương rẫy.

Bệnh nhân đã tự mua thuốc hạ sốt về uống nhưng không đỡ, đến khi khó thở nặng lên mới đến cơ sở y tế địa phương, sau đó được chuyển đến bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Theo bác sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, bệnh nhân nhập viện với biểu hiện Hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS), suy gan cấp, sốc nhiễm khuẩn, nguy kịch tính mạng. Qua thăm khám bác sĩ phát hiện một vết thương không gây đau ở vùng bẹn trái, nghi do mò đốt. Phân tích dấu hiệu lâm sàng, yếu tố dịch tễ, đặc điểm của vết thương, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốt mò.

Bệnh nhân được điều trị hỗ trợ bằng thở máy xâm nhập, dùng thuốc vận mạch và lọc máu liên tục. Ngoài ra, bác sĩ sử dụng kháng sinh đặc hiệu với Rickettsia kết hợp với kháng sinh phổ rộng để điều trị bội nhiễm, nuôi dưỡng qua đường truyền tĩnh mạch.

Sau 1 tuần điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, các tạng đã có dấu hiệu hồi phục. Hiện bệnh nhân đã cai được máy thở, không phải sử dụng thuốc vận mạch, dừng lọc máu liên tục, ăn uống được.

Sốt mò (Rickettsia) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Rickettsia orientalis (Orientia tsutsugamushi) gây nên. Bệnh dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác, không có xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán, nên dẫn đến điều trị muộn, khi người bệnh đã ở trong tình trạng suy đa tạng. Các tạng bị suy thường gặp là phổi, tim, gan, thận... Suy đa tạng do sốt mò có tỷ lệ tử vong cao, quá trình điều trị khó khăn và tốn kém.

Dấu hiệu chủ yếu của bệnh bao gồm: Sốt, đau đầu, đau mỏi khắp người, vết loét ngoài da do mò đốt (dấu hiệu đặc trưng của sốt mò), phát ban, sưng các hạch, tồn thương đa cơ quan. Bệnh có thể gặp rải rác trong năm nhưng chủ yếu về mùa mưa và nắng nóng.

Mầm bệnh có ở trên ấu trùng mò và một số loài vật gặm nhấm, thú nhỏ (chủ yếu là ở chuột, chim, gà, chó), được truyền sang người qua vết đốt của ấu trùng mò (Leptotrombidium). Bệnh không lây từ người sang người. Ấu trùng mò thường sống ở bụi cây, bụi cỏ ẩm ướt, các hang đá hoặc gốc cây nơi có các loài gặm nhấm sinh sống. Thời gian ủ bệnh 6-21 ngày (kể từ khi bị ấu trùng mò đốt).

Vết loét ngoài da do mò đốt lúc đầu là nốt phỏng tiến triển thành hình bầu dục trên nền sẩn đỏ, sau 4-5 ngày vỡ ra thành một nốt kích thước 0,5-2,0 cm, có vẩy đen. Vết loét thường ở vùng da mềm nách, bẹn, bộ phận sinh dục, ngực, cổ, bụng, vành tai, một số ít có thể gặp vết loét ở lưng, mi mắt, rốn, mông.

Tổn thương các tạng thường gặp nhất là phổi với tình trạng viêm phổi, tràn dịch màng phổi gây suy hô hấp cấp. Tiếp đến là gan với tình trạng tổn thương tế bào gan phải hỗ trợ bằng lọc máu liên tục và thay huyết tương. Bệnh nhân có thể bị tụt huyết áp, viêm cơ tim, viêm não, viêm màng não...

Các bác sĩ khuyến cáo, để tránh ấu trùng mò đốt, khi đi vào nương rẫy, đồi núi, mọi người cần mặc trang phục kín, quần áo có tẩm hóa chất chống côn trùng, bôi hóa chất xua côn trùng lên các vùng da hở. Tránh ngồi, nằm, phơi quần áo, đặt ba lô trên bãi cỏ, gần bờ bụi, gốc cây. Diệt chuột, sử dụng hóa chất diệt côn trùng…

Minh Hoa (t/h)