Pháp luật

Sống chung với bệnh nhân tâm thần tại gia: Làm gì để không bị tấn công?

Gần đây, liên tiếp xảy ra nhiều vụ án mạng thương tâm. Thủ phạm là những bệnh nhân tâm thần- Đó là là hồi chuông cảnh báo về việc quản lý người bị tâm thần tại gia và ngăn ngừa những mối nguy hiểm mà họ gây ra đối với xã hội.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, bác sĩ Đinh Hữu Uân, chuyên gia tâm thần học, bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 khẳng định: “Đối với người mắc bệnh, họ không bao giờ tự đến bệnh viện và không phải dạng bệnh tâm thần nào cũng có thể điều trị tại nhà. Tôi lấy ví dụ, có những cơn trầm cảm cấp có thể làm cho người bệnh sầu uất quá mà tự sát, chết hoặc gây thương tích cho người khác”.

PV: Những ngày gần đây, liên tiếp xảy ra nhiều vụ án mạng thương tâm. Thủ phạm gây ra là những bệnh nhân tâm thần, ông có nhìn nhận gì từ thực trạng người tâm thần gây án hiện nay?

Bác sĩ Đinh Hữu Uân: Rối loạn tâm thần là 1 bệnh lý hết sức phức tạp, người bệnh dù đã được điều trị ổn định nhưng vẫn có nguy cơ tái phát. Người bệnh tâm thần có tâm lý rất thất thường, khó hiểu, khó đoán trước. Chính vì thế, có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra khi người tâm thần tấn công, gây thương vong cho người thân và những người xung quanh.

Tỷ lệ bệnh nhân rối loạn tâm thần ở Việt Nam chiếm khoảng 20% dân số nhưng chủ yếu là điều trị ngoại trú. Việc để cho bệnh nhân tâm thần điều trị tại gia đình cũng là xu hướng đưa người bệnh trở lại với cuộc sống đời thường, giúp bệnh tình của họ có nhiều khả năng thuyên giảm.

Bác sĩ Đinh Hữu Uân

PV: Sống chung với người tâm thần cũng đồng nghĩa với việc luôn đối mặt với nhiều nguy hiểm rình rập, thậm chí là nguy cơ bị sát thương cao. Vậy nhưng, có nhiều gia đình vẫn cố tình giấu tình trạng bệnh và sống chung với người tâm thần, thưa ông?

Đinh Hữu Uân: Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến chứng bệnh tâm thần (nguyên nhân sinh học, tâm lý và xã hội học). Bệnh nội sinh như tâm thần phân liệt, trầm cảm, lo âu, rối loạn cảm xúc…; bệnh do nguyên nhân xã hội như rối loạn stress, tâm lý, những sang chấn tâm lý gây ra rối loạn tâm thần. Tùy từng nguyên nhân mà có những giải pháp chữa trị riêng. Đa phần những rối loạn tâm thần ở xã hội phát triển có liên quan đến yếu tố xã hội nhiều hơn (sang chấn tâm lý, bế tắc trong công việc, áp lực trong cuộc sống… sinh ra-PV).

Tôi từng chứng kiến nhiều bệnh nhân có những dấu hiệu mang tính nguy hiểm khi người bệnh lên cơn hoang tưởng ảo giác cấp, nghĩ rằng có ma quỷ ám sát, nhìn người thân lại thành ra hung thủ để rồi dẫn đến việc truy sát người thân. Những trường hợp như vậy người thân phải đưa họ đến hoặc nhờ chính quyền hỗ trợ. 

Khi 1 người mắc 1 rối loạn tâm thần nào đó thì những hành vi của họ không làm chủ được. Những hành động đó được chi phối bởi những hoang tưởng ảo giác nên họ có những hành vi nguy hiểm cho chính bản thân họ và cho những người xung quanh. Chính vì vậy, khi phát hiện thấy bệnh nhân tâm thần có những biểu hiện như mất ngủ nhiều, có những hành vi mang tính chất kích động thì những người đó nhất thiết phải được nhập viện và điều trị trong bệnh viện nội trú.

Những người trong gia đình là người hiểu rõ nhất về tình trạng của người nhà bị bệnh tâm thần, nếu quan tâm thường xuyên và đưa người bệnh đi khám bác sĩ theo định kỳ, dùng thuốc theo đúng đơn và kịp thời đưa ngay người bệnh vào bệnh viện khi có những bất thường sẽ hạn chế được rất nhiều hành vi mất kiểm soát của người bệnh.

Bệnh nhân tâm thần gây án gia tăng (Ảnh minh họa)

PV: Vậy làm sao để không rơi vào tình cảnh” sống trong sợ hãi” với những bệnh nhân tâm thần, thưa ông?

Bác sĩ Đinh Hữu Uân: Cách ứng xử đúng khi sống chung hoặc sống gần người bệnh tâm thần rất quan trọng, có thể giúp chúng ta tránh được những tình huống bị họ tấn công, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của mình.

Người nhà cần để ý những dấu hiệu để phát hiện bệnh sớm như mất ngủ, khó ngủ liên tục 3- 4 ngày, có những hành động đi ngược lại số đông như thu mình lại, cô độc, nói vớ vẩn, gặp cái gì đó thì hét lên, bỏ đi lang thang… Những người thân trong gia đình phải luôn chú ý đến cảm xúc của người bệnh, quan tâm đến người bệnh, tránh thể hiện cảm xúc thất vọng và những cảm xúc tiêu cực với người đó. Tranh cãi với bệnh nhân tâm thần có thể gây nguy hiểm cho bạn và không nên tiếp cận bệnh nhân quá gần về mặt cơ thể.

Bệnh tâm thần rất khó chữa khỏi hoàn toàn, thường phải uống thuốc suốt đời do đó, người nhà phải theo dõi liên tục để đảm bảo bệnh nhân uống thuốc đúng giờ, đủ liều. Khi bệnh nhân không chịu uống thuốc hoặc có những dấu hiệu bất thường, không nên dùng những lời lẽ miệt thị người bệnh, mà phải dùng lời lẽ nhẹ nhàng, rồi báo cho chuyên khoa tâm thần gần nhất để đưa bệnh nhân trở lại nhập viện ngay. Tuyệt đối không được chọc ghẹo, kích động, không tranh luận đến tận cùng vấn đề với họ, không được xúc phạm bằng cách nhắc đến và mỉa mai bệnh tật của họ. Phải chú ý cất kỹ những đồ gây sát thương như dao, kéo, gậy... Tránh để người bệnh ở 1 mình với trẻ em, tạo điều kiện cho người bệnh có một không gian riêng tư và an toàn về mặt tâm lý. Với 1 người bệnh từng có thời gian điều trị tại bệnh viện, sau khi trở về cộng đồng phải được thăm khám định kỳ.

PV: Hiện nay chưa có quy định về việc bắt buộc cách ly người bệnh tâm thần, đây có phải rào cản dẫn đến những hệ lụy đau lòng - người tâm thần gây án, thưa ông?

Bác sĩ Đinh Hữu Uân: Pháp luật hiện hành chưa có quy định về việc bắt buộc cách ly người bị bệnh tâm thần với cộng đồng khi người đó chưa thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Các bệnh viện chỉ tiếp nhận và điều trị những bệnh nhân bị tâm thần ở giai đoạn cấp tính. Sau khi điều trị, bác sĩ giám định lại thấy sức khỏe, tinh thần họ ổn định, không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội thì cho họ về với gia đình. Tuy nhiên, trong quá trình sống chung, bệnh nhân tâm thần luôn có những nguy cơ nhất định.
Theo tôi, việc vừa thực hiện chữa bệnh vừa cách ly khỏi cộng đồng đối với những người tâm thần dù chưa phạm tội nhưng thường có những hành vi đe dọa xâm hại sức khỏe, tính mạng của người khác là việc làm rất cần thiết. Theo đó, pháp luật cần có các quy định về việc quản lý và bắt buộc chữa bệnh đối với người bị tâm thần. Chính quyền địa phương cần có sự quản lý, giám sát, quan tâm đến các đối tượng mắc bệnh trên địa bàn, hỗ trợ gia đình khó khăn trong việc đưa người thân đến các cơ sở điều trị bệnh tâm thần. Theo tôi được biết, mỗi xã đều có một qũy phúc lợi xã hội vì vậy nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện tâm thần gần nhất để điều trị.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ngân Giang

Hơn 12h ngày 19/4/2010, sau khi ăn cơm xong, ông H.V.N (gần 70 tuổi, ngụ thôn Mậu Công, xã Quang Trung) bị con trai là H.V.T (hơn 40 tuổi) dùng búa sát hại. Sau khi gây án, T. cầm theo hung khí rời khỏi hiện trường. Ông N. được mọi người đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa huyện Tứ Kỳ, nhưng không qua khỏi.

Ngay sau khi nhận tin báo, Công an xã Quang Trung có mặt bảo vệ hiện trường. Đồng thời báo cáo sự việc lên Công an huyện Tứ Kỳ điều tra, lấy lời khai các bên liên quan để điều tra làm rõ nguyên nhân vụ án mạng và truy tìm nghi phạm.

Được biết, T. có biểu hiện thần kinh trong thời gian qua, nhưng điều trị không triệt để nên không có sổ theo dõi thần kinh, không thuộc diện quản lý cấp thuốc hàng tháng.