Kinh tế vĩ mô

Sơn La mở rộng đầu tư, thêm gần 5000 tỷ đồng cùng hàng loạt dự án

Tỉnh Sơn La xác định thu hút đầu tư là nhiệm vụ có tầm chiến lược quan trọng, vì vậy, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh nhiều giải pháp để Sơn La thực sự là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.

Dù chịu ảnh hưởng không nhỏ của dịch bệnh Covid-19, nhưng công tác thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Sơn La vẫn đạt nhiều kết quả khả quan.

Riêng năm 2021, đã có 30 dự án, với tổng mức đầu tư đăng ký ban đầu gần 5.000 tỷ đồng được tỉnh phê duyệt, cấp quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trong số này, có nhiều dự án lớn, tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, như: Dự án Tổ hợp trang trại sinh thái và trang trại bò sữa công nghệ cao Mộc Châu; Dự án Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La; dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng SM Resort tại bản Đông Xuông, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La; dự án trồng cây mắc ca kết hợp một số cây lâm nghiệp tại huyện Sốp Cộp…

Trao đổi với Báo Tin tức, bà Hà Ngọc Châu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La cho biết, có được kết quả này là nhờ tỉnh Sơn La đặc biệt chú trọng công tác thu hút đầu tư. Trong đó, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, tháng 1/2021, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La đã ban hành Nghị quyết riêng về định hướng hoạt động thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025.

Đồng thời, phân công nhiệm vụ, giao rõ trách nhiệm, thời gian giải quyết công việc cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan đơn vị trong phối hợp tổ chức triển khai thực hiện công tác thu hút đầu tư, nhất là hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các quy trình, thủ tục về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai, đảm bảo tiến độ cấp quyết định chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện các dự án....

Cũng theo bà Châu, việc thu hút đầu tư các nguồn vốn ngoài ngân sách để phát huy lợi thế, tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là xu thế tất yếu; tỉnh Sơn La xác định thu hút đầu tư là nhiệm vụ có tầm chiến lược quan trọng trước mắt và lâu dài, vì vậy, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh nhiều giải pháp để Sơn La thực sự là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.

"Trong thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục lập mới và rà soát, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo công tác quy hoạch phải đi trước một bước, làm cơ sở cho việc hoạch định, định hướng thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước cho phát triển.

Hai là rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách để tạo động lực thu hút đầu tư phát triển vào các lĩnh vực, sản phẩm, địa bàn mà tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư, như: phát triển công nghiệp chế biến sâu nông sản; phát triển các khu, điểm du lịch trọng điểm; các khu, cụm công nghiệp, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Ba là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa về thủ tục, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và ổn định" - bà Châu nhấn mạnh

Mở rộng cụm công nghiệp 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La có 2 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2020, gồm Khu công nghiệp Mai Sơn, quy mô 150ha và Khu công nghiệp Vân Hồ, quy mô trên 216ha.

Trong đó, Khu công nghiệp Vân Hồ đã được UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ và dự toán lập đồ án quy hoạch, đang tổ chức lập Đồ án quy hoạch, dự kiến phê duyệt trong tháng 4/2022. Hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp xúc tiến, thu hút Nhà đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Vân Hồ đảm bảo có tiềm lực về tài chính và kinh nghiệm theo quy định của pháp luật có liên quan, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai.

Tại Khu công nghiệp Mai Sơn, đã hoàn thành giải phóng mặt bằng diện tích giai đoạn I được 45,78/63,7ha, đạt 72%; đầu tư hạ tầng đạt 70% khối lượng. Đã trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giai đoạn II, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì thẩm định theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Công văn số 8593/VPCP-CN ngày 24/11/2021 của Văn phòng Chính phủ. Trong giai đoạn I đã thu hút, hướng dẫn các nhà đầu tư lập đề xuất sơ bộ 5 dự án; chấm dứt 1 dự án, điều chỉnh 1 dự án; quyết định chủ chương đầu tư 1 dự án. Giai đoạn II đã có 5 đề xuất dự án.

Cùng với đó, tỉnh đã có nhiều nỗ lực để tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút các dự án đầu tư vào cụm công nghiệp. Theo quy hoạch, toàn tỉnh có 8 cụm công nghiệp tại các huyện Mộc Châu, Mường La, Quỳnh Nhai, Phù Yên, Thuận Châu và Thành phố, với tổng diện tích 144,5 ha.

Đến nay, 2 cụm công nghiệp Mộc Châu, Gia Phù đã đi vào hoạt động với 6 dự án. Trong đó, cụm công nghiệp Mộc Châu có quy mô 28,82 ha, 4 đơn vị đang sản xuất kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy đạt 83,7%. Cụm công nghiệp Gia Phù có 2 đơn vị đang sản xuất kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy đạt 79,5%; UBND huyện Phù Yên đang lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500. Còn tại cụm công nghiệp Mường La mới giải phóng mặt bằng được 10,7/15,4ha, chưa có hoạt động đầu tư.

Hương Anh (tổng hợp)