Dân sinh

Sôi động Lễ hội đường phố với chủ đề sắc màu Bình Thuận

Chiều ngày 29/8, Sở Văn hoá, thể thao và du lịch tỉnh Bình Thuận tổ chức Lễ hội đường phố trong khuôn khổ Tuần lễ văn hóa Năm Du lịch quốc gia 2023.

Tham gia Lễ hội có lãnh đạo các sở ban ngành và đông đảo bà con nhân dân đến xem.

Đây là lần đầu tiên tỉnh Bình Thuận tổ chức Lễ hội đường phố, một trong các hoạt động nằm trong Tuần lễ văn hóa đường phố, Năm Du lịch Quốc gia 2023 - Bình Thuận - Hội tụ xanh. Thông qua hoạt động nhằm giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước về những sắc thái riêng của Bình Thuận. Với cảnh sắc thơ mộng, hữu tình Biển xanh - cát trắng - nắng vàng kết hợp với những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng dân tộc Bình Thuận.

Mở đầu đoàn diễu hành Lễ hội đường phố là đoàn Lân - Sư - Rồng Phan Thiết, đại diện cho gần 20 đoàn Lân - Sư - Rồng  trong tỉnh Bình Thuận. Hình ảnh múa Lân Sư Rồng đã gắn liền với nhiều lễ hội truyền thống của người Việt Nam nói riêng và người Á Đông nói chung. Múa lân - Sư - Rồng từ lâu được xem là loại hình nghệ thuật truyền thống dân gian được nhiều người dân ưa thích vào mỗi dịp lễ, tết.

Đoàn người mẫu nhí đại diện cho hơn 300.000 Thiếu nhi Bình Thuận. Trong những năm qua, Thiếu nhi Bình Thuận đã có nhiều hoạt động, phong trào, cụ thể hóa thành các phần việc ý nghĩa với nhiều cách làm sáng tạo và bước đầu tạo được chuyển biến tích cực, thu hút đông đảo thiếu nhi tham gia, tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh, giúp các em hình thành các giá trị nhân cách tốt đẹp, luôn nỗ lực phấn đấu trong học tập, rèn luyện để luôn xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.

Đoàn các dân tộc Bình Thuận

Tỉnh Bình Thuận hiện có 35 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số, tiếp đến là các dân tộc Chăm, Raglai, Cờ Ho, Hoa, Tày, Chơ Ro, Nùng...Thời gian qua, công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần đảm bảo đời sống văn hóa tinh thần của người dân Các giá trị di sản văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể của các dân tộc trong tỉnh được bảo tồn và phát huy phục vụ đời sống sinh hoạt văn hóa tâm linh, văn hóa tinh thần của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh. Nhiều loại hình di sản văn hóa được khai thác phát huy giá trị phục vụ phát triển du lịch văn hóa, góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Đoàn Lễ hội Cầu ngư

Cầu ngư là lễ hội dân gian gắn liền với tín ngưỡng và đời sống cư dân ven biển. Ở Bình Thuận, lễ hội Cầu Ngư có ở hầu hết các dinh vạn thờ cá Ông (cá Voi) trong tỉnh. Lễ hội Cầu Ngư tái hiện lại một cách sinh động phong tục truyền thống thờ cúng cá Ông theo những truyền thuyết mang đậm nét văn hóa dân gian, thể hiện khát vọng chính đáng của ngư dân Bình Thuận cầu mong cho hoạt động kinh tế biển bình an và được mùa. Qua đó còn thể hiện lòng biết ơn biển, trong đó cá Ông và các vị Hải thần đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, là chỗ dựa để họ đặt niềm tin và an tâm khi lao động trên biển.

Đoàn Lễ hội Katê - Ramưwan của đồng bào Chăm tỉnh Bình Thuận

Dân tộc Chăm là một dân tộc có nền văn hóa đặc sắc. Dân tộc Chăm ở Bình Thuận theo 2 tôn giáo, trong đó Katê là lễ hội dành riêng cho người Chăm Bàlamôn, còn người Chăm Bàni có Lễ hội Ramưwan.

Lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn ở tỉnh Bình Thuận có quá trình hình thành, tồn tại từ rất lâu đời và được duy trì đến ngày nay, Lễ hội Katê thể hiện sự thành kính, biết ơn đối với các vị thần linh, ông bà, tổ tiên đã bảo bọc, chở che cho con cháu khỏe mạnh, cuộc sống bình an, no ấm và hạnh phúc; thể hiện khát vọng của cộng đồng luôn cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Lễ hội Ramưwan là Lễ hội cổ truyền mang đậm sắc thái riêng của đồng bào Chăm Hồi giáo Bàni sống trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; có nhiều hoạt động với ý nghĩa báo công, báo hiếu về đạo lý, cội nguồn của những người còn sống đối với người đã khuất. Lễ hội Ramưwan là dịp để con cháu, những người còn sống nhớ đến tổ tiên, ông bà, các đấng sinh thành và cầu nguyện cho xóm làng được bình yên, nhà nhà sung túc, người người được an lành, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt.

Đoàn Võ thuật Vovinam Bình Thuận

Vovinam hay Việt võ đạo là bộ môn võ thuật Việt Nam. Không đơn thuần là một môn thể thao tập luyện hàng ngày nhằm nâng cao sức khỏe, Vovinam còn giúp hình thành các kỹ năng tự vệ cần thiết, rèn luyện lối sống, phẩm chất đạo đức tốt, tính kỷ luật, tăng sức chịu đựng, ý chí của mỗi người. Vì thế bộ môn này đang phát triển mạnh mẽ tại các địa phương trong tỉnh.

Tại Bình Thuận, phong trào tập luyện Vovinam hiện phát triển đều ở 10 huyện, thị, thành phố trong tỉnh, với trên 60 câu lạc bộ. Đây là một trong những môn thể thao mũi nhọn được Sở VHTTDL tỉnh đầu tư tham gia các giải trẻ, vô địch, Đại hội TDTT toàn quốc. Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh quan tâm, từng bước đưa môn Vovinam vào trường học và tổ chức giải Vovinam Hội khỏe phù đổng cấp tỉnh, tham gia giải Vovinam học sinh toàn quốc…

Đây là các nhóm xiếc, với sự chuẩn bị công phu, bài bản, các nghệ sĩ, diễn viên sẽ cho Nhân dân và du khách Bình Thuận thưởng thức những màn trình diễn đặc sắc, mới lạ, làm phong phú hơn cho hoạt động của Lễ hội đường phố Năm Du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận - Hội tụ xanh.

Đoàn người Hoa thành phố Phan Thiết

Người Hoa ở Phan Thiết là cộng đồng người gốc Hoa đang sinh sống tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Với tư chất trong buôn bán, người Hoa định cư ở Bình Thuận sớm thích nghi, hòa đồng với người Việt bản xứ. Tại Phan Thiết, các bang hội người Hoa đã lập ra các hội quán sinh hoạt theo nguồn gốc xuất thân là: Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu và 

Lễ hội nghinh ông Phan Thiết được tổ chức hai năm một lần, vào hạ tuần tháng 7 âm lịch, lễ hội này thường được diễn ra trong 3 ngày theo những nghi thức truyền thống được các thế hệ xa xưa truyền lại. Đây là lễ hội truyền thống đặc sắc phục vụ phát triển du lịch và góp phần quảng bá hình ảnh, điểm đến của Phan Thiết - Bình Thuận đến với Nhân dân và du khách trong và ngoài nước.

Tái hiện hình ảnh thầy trò đường tăng đi thỉnh kinh.

Tiết mục gánh hoa.

Đoàn Dinh Thầy Thím

Lễ hội Dinh Thầy Thím ở xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận ra đời, duy trì và tồn tại gắn liền với lịch sử hình thành các tập quán liên quan đến tín ngưỡng thờ Thầy Thím của cộng đồng người dân địa phương hơn 130 năm qua. Dinh Thầy Thím đã trở thành nơi hội tụ tín ngưỡng của đông đảo người dân. Sự tích Thầy Thím là một truyền thuyết dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nội dung mang nhiều yếu tố tích cực và có giá trị giáo dục, đề cao tính nhân nghĩa, đạo đức, nhân cách cao cả qua nhân vật Thầy Thím. Di tích dinh Thầy Thím được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia vào ngày 27/9/1997.

Đoàn Carnival đường phố với không khí tưng bừng, náo nhiệt của lễ hội với màn biểu diễn đặc sắc của các vũ công với âm nhạc, sự sôi động những sắc màu rực rỡ, những điệu nhảy sôi động của các nghệ sĩ qua màn trình diễn vũ điệu đường phố.