Môi trường

"Sốc" với tỉ lệ thu gom, xử lý nước thải ở đô thị Việt Nam

Vấn đề thoát nước và xử lý nước thải ở Việt Nam còn ở mức quá thấp, đáng báo động. Tính riêng khu vực đô thị, con số này chỉ ở mức khoảng 15%.

Ngày 10/11, Hội thảo Chính sách ngành nước – Phát triển bền vững đã diễn ra trong khuôn khổ của Tuần lễ ngành nước Việt Nam 2022.

Tại sự kiện, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam Nguyễn Ngọc Điệp cho biết, vấn đề an ninh an toàn trong hoạt động ngành nước là một trong những nhân tố quan trọng gắn với giảm đói nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống.

"Cùng với khó khăn chung của các quốc gia, ngành nước Việt Nam còn gặp nhiều thách thức riêng như thể chế chính sách chưa được hoàn thiện, chưa đảm bảo thực hiện cấp nước an toàn cho cả khu vực đô thị và nông thôn, vấn đề thoát nước và xử lý nước thải còn ở mức quá thấp. Trong đó, tỉ lệ thu gom xử lý nước thải sinh hoạt đô thị mới chỉ đạt khoảng 15%", ông Điệp cho hay.

Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam Nguyễn Ngọc Điệp.

Theo TS. Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Cấp thoát nước Việt Nam nhấn mạnh, ngành nước của Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, từ những yêu cầu ngày một cao về chất lượng nước sạch, cấp nước an toàn đảm bảo đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và phát triển kinh tế đến những tác động của quá trình đô thị hóa tăng nhanh và sự ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Từ những thực trạng trên, TS.Trần Anh Tuấn đã nêu ra định hướng ngành nước đến năm 2030 sẽ giải quyết được các vấn đề liên quan đến ngập úng đô thị, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu lượng nước thải sinh hoạt đô thị chưa qua xử lý trước khi xả thải ra môi trường xuống chỉ còn 60-70%.

Theo Phó Chủ tịch Hội cấp thoát nước, ngành nước (cấp, thoát nước) hiện đang còn thiếu hành lang pháp lý ở luật cấp chuyên ngành. Cụ thể, các vấn đề về khai thác nguồn nước, xả nước thải vào các nguồn nước đều được điều tiết chung dưới nhiều bộ luật và không có quy định riêng đối với nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.

TS. Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Cấp thoát nước Việt Nam.

Về vấn đề thoát nước đô thị, hiện nay nghị định về thoát nước và xử lý nước thải chỉ có các quy định chung cho thoát nước, chưa rõ các nội dung về về thoát nước mưa, thoát nước và xử lý chất thải.

Song song với đó, các công trình cấp nước nông thôn còn hạn chế khi áp dụng các quy định về giám sát chất lượng nước sạch. Bể tự hoại gia đình hầu hết đều không được thiết kế xây dựng và vận hành đúng kỹ thuật. Hoạt động thông hút, vận chuyển và đổ thải phân bùn không được thực hiện định kỳ hoặc chỉ thực hiện khi tắc, sửa nhà.

Từ đó, ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh hoàn thiện hành lang pháp lý đối với ngành cấp thoát nước là điều kiện tiên quyết để ngành nước phát triển bền vững.

Chia sẻ dưới góc độ doanh nghiệp, đại diện Aqua One chia sẻ: “Ngành nước có đặc điểm đầu tư cố định, doanh nghiệp cần thời gian dài mới thu được lợi nhuận. Đây cũng là ngành yêu cầu công nghệ tiên tiến và vận hành 24/7 đòi hỏi doanh nghiệp phải có những hiểu biết nhất định. Tuy nhiên ngành nước đang được cho là định giá thấp hơn với thực tế”.

Phía doanh nghiệp kiến nghị, nước sạch là sản phẩm hàng hóa đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân; do vậy quá trình lựa chọn nhà đầu tư cho ngành nước cần đáp ứng các tiêu chí điều kiện cụ thể nhằm đảm bảo hệ thống vận hành quản lý an toàn; bền vững và hiệu quả. Thống nhất, bổ sung và hoàn thiện các quy định về thu hút đầu tư theo hình thức PPP đảm bảo minh bạch rõ ràng đối với lĩnh vực cấp thoát nước để thu hút đầu tư. 

Bên cạnh đó, Nhà nước cần sớm ban hành Luật Quản lý cấp nước để tạo hành lang pháp lý cụ thể, rõ ràng nhằm đảm bảo quyền lợi cho Nhà đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ cấp nước an toàn, bền vững cũng như thuận lợi cho các cơ quan thẩm quyền thực hiện quản lý, giám sát hiệu quả quá trình thực hiện đầu tư.