Đời sống

Sốc với cô gái mới 29 tuổi đã bị nhồi máu cơ tim

Đang làm việc, cô gái 29 tuổi đột ngột đau ngực dữ dội dù trước đó hoàn toàn khỏe mạnh, không có bệnh lý nền.

Mới đây khoa Nội tim mạch người lớn, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E (Hà Nội) vừa tiếp nhận trường hợp nhập viện do nhồi máu cơ tim vô cùng đặc biệt khi nữ bệnh nhân mới 29 tuổi.

Trước đó khi đang làm việc, cô gái quê Bắc Giang bỗng đau ngực dữ dội, sau đó đau lan ra sau lưng. Ngay lập tức bệnh nhân vào bệnh viện ở gần nhà, sau đó được chuyển lên Bệnh viện E cấp cứu.

Khi đến viện, một nhánh mạch vành liên thất trước đã bị hẹp 95%. Do được cấp cứu kịp thời nên sau khi can thiệp đặt 1 stent thông mạch tắc, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.

"Đây là trường hợp rất đặc biệt, khi nhìn bệnh án là nữ 29 tuổi, tôi giật mình vì bệnh nhân không có yếu tố nguy cơ và còn quá trẻ", bác sĩ Phan Thảo Nguyên, Trưởng khoa Nội tim mạch người lớn, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E, cho biết.

Theo bác sĩ Nguyên, vài năm trở lại đây đơn vị tiếp nhận ngày càng nhiều bệnh nhân trẻ bị nhồi máu cơ tim nhưng trường hợp trẻ như bệnh nhân nói trên rất hiếm. Trước đây, bệnh nhân nhồi máu cơ tim thường trên 60 tuổi nhưng nay gặp rất nhiều ở lứa tuổi 32 - 38 tuổi. Trong số này chủ yếu là nam giới có tiền sử hút thuốc lá, tiểu đường.

Trong năm 2020, Trung tâm Tim mạch của Bệnh viện E can thiệp khoảng 2.900 trường hợp, trong đó có tới 1.900 ca liên quan bệnh lý mạch vành.

Mạch vành là mạch chính nuôi tim, khi bị xơ vữa một hay nhiều nhánh sẽ gây tắc mạch, là nguyên nhân chính gây nhồi máu cơ tim. Trường hợp bị nhồi máu cơ tim cấp, 50% tử vong trước khi đến viện.

Giáo sư Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E, nhận định các bệnh không lây nhiễm nói chung, đặc biệt là các bệnh tim mạch đều tăng qua từng năm. Nguyên nhân là Việt Nam đang trên đà phát triển, nhiều thói quen sinh hoạt trong ăn uống, cường độ lao động thay đổi. Đặc biệt, người Việt nhậu nhẹt, hút thuốc lá nhiều.

Bên cạnh đó môi trường ô nhiễm (không khí, nước, tiếng ồn), thực phẩm không an toàn, nhiều đồ chế biến là những yếu tố nguy cơ khiến bệnh tim mạch tăng lên. Những người mắc các bệnh nền như tiểu đường, béo phì, huyết áp... có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cao hơn người bình thường. Đáng chú ý bệnh nhân nhồi máu cơ tim có nguy cơ tái phát cao nếu không được can thiệp hợp lý và không điều chỉnh lối sống, chế độ ăn uống sinh hoạt, không tuân thủ chỉ định của bác sĩ.

Để giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch chúng ta cần có chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế ăn dầu mỡ, nội tạng động vật, thức ăn nhanh…; đồng thời tích cực tập luyện thể thao, hạn chế bia rượu và các chất kích thích. Đặc biệt không nên chủ quan nghĩ rằng nhồi máu cơ tim chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi mà bỏ qua các dấu hiệu bệnh, dễ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng về sau.

Minh Hoa (t/h)