Kinh tế vĩ mô

Sóc Trăng dẫn đầu cả nước về xuất khẩu tôm, đạt trên 1 tỷ USD

Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu tôm của Sóc Trăng vẫn về đích an toàn, được trên 1 tỷ USD, dẫn đầu cả nước.

Mới đây, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng Võ Văn Chiêu cho biết mặc dù ảnh hưởng dịch Covid-19, ngành nuôi và xuất khẩu tôm của địa phương này vẫn tăng trưởng mạnh.

Theo ông Chiêu, kim ngạch xuất khẩu của Sóc Trăng năm 2021 đạt gần 1,3 tỷ USD, vượt 28% kế hoạch và tăng gần 15% so với năm trước.

Trong đó, xuất khẩu thủy sản (chủ yếu là tôm) đạt 1,03 tỷ USD, tăng gần 23% so với 2020. Kết quả này giúp Sóc Trăng lần thứ 2 liên tiếp dẫn đầu cả nước về xuất khẩu tôm.

“Sự tăng trưởng của xuất khẩu tôm và gạo đã giúp Sóc Trăng vượt qua một số tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Kim ngạch xuất khẩu của Sóc Trăng chỉ xếp sau Long An, Tiền Giang và Cần Thơ”, ông Chiêu chia sẻ với Zing News.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, năm 2021 toàn tỉnh thả nuôi 53.000 ha tôm, vượt gần 4% so với kế hoạch và tăng gần 2,5% so với 2020. Trong đó, tôm thẻ chân trắng 40.000 ha (75,5% diện tích thả nuôi), tôm sú 13.000 ha.

Góp công lớn vào thành tựu nói trên của tỉnh Sóc Trăng có thể kể đến các công ty như Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng, Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta, Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, Công ty TNHH Tài Kim Anh, Công ty cổ phần chế biến thủy sản Út Xi, Công ty TNHH Khánh Sủng…

Đáng ghi nhận, nhiều trang trại nuôi tôm quy mô công nghiệp của các doanh nghiệp như Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta, Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam… năm 2021 đạt năng suất cao, góp phần cung ứng nguyên liệu và truy xuất nguồn gốc, phục vụ tốt cho xuất khẩu. 

Chỉ riêng Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta, sản lượng nuôi năm 2021 đạt kỷ lục, trên 8.000 tấn tôm, cao nhất cả nước.

Theo ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta, tuy dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng ông dự báo tình hình xuất khẩu tôm năm 2022 vẫn đầy triển vọng. Ông Lực cho biết tôm là thực phẩm nhiều người ưa chuộng, do thơm - ngon - bổ nên nhu cầu tăng trưởng tiếp tục ở trạng thái tốt.

"Khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, không còn những biến thể nặng, mảng dịch vụ gồm nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, du lịch… sẽ mở cửa trở lại, nhu cầu cao nên xuất khẩu tôm sẽ tăng trưởng tốt hơn", ông Lực trao đổi với báo Tuổi Trẻ

Xuất khẩu tôm hướng đến mục tiêu hơn 4 tỷ USD năm 2022 

Hiện nay, tôm chân trắng và tôm sú xuất khẩu có Việt Nam có nhiều nước cạnh tranh nhất là tại những thị trường lớn như: Mỹ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh… Nhưng tôm Việt Nam có vị trí số 1 nhờ chất lượng ổn định, từ tôm nguyên liệu đông lạnh đến chế biến giá trị gia tăng có sản phẩm rất đa dạng phù hợp với mọi phân khúc thị trường cho các thị trường nhập khẩu.

Tuy nhiên, tại hội nghị mới đây của Bộ NN&PTNT bàn giải pháp trọng tâm cho phát triển ngành nuôi tôm trong tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022, một số tỉnh thành trọng điểm về nuôi tôm cũng chỉ ra những khó khăn tồn tại như giá thành sản xuất tôm ở vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực do thức ăn nuôi tôm chiếm tới 65% giá thành sản xuất.

Do đó sản lượng thuỷ sản nuôi trong năm tăng cao nhưng so về hiệu quả kinh tế lại giảm. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ tín dụng, ngân hàng chưa thật sự mạnh dạn cho người nông dân vay vốn để sản xuất.

Để đạt mục tiêu xuất khẩu trên 4 tỷ USD vào năm 2022, Bộ NN&PTNT cũng sẽ đẩy mạnh sản xuất theo liên kết chuỗi, ứng dụng công nghệ trong sản xuất tôm giống và nuôi tôm thương phẩm hiệu quả, liên kết giữa các địa phương nuôi tôm để sản xuất an toàn, hạ giá thành và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Xúc tiến hoạt động xuất khẩu thông qua các hội chợ thương mại quốc tế.

Hương Anh (tổng hợp)