Đời sống

Sốc: Cô gái 29 tuổi nhưng chỉ nặng 32kg vì mắc bệnh này

Chỉ nặng vỏn vẹn 29kg, cơ thể yếu ớt nên khi nhập viện cô gái đã khiến mọi người sốc vì bị nhiễm loại ký sinh trùng nguy hiểm này.  

Ngày 16/9, BV TƯ Quân đội 108 cho biết, BV vừa tiếp nhận và điều trị cho nữ bệnh nhân. L.K.T. (29 tuổi, ở Hà Nội) bị nhiễm giun lươn.

Trước đó, bệnh nhân đến BV thăm khám với thể trạng gầy yếu (32kg), cơ thể nhợt nhạt, yếu ớt, đi ngoài trên 20 lần/ngày, phân vàng lỏng, có khi phân đen… Kèm theo hội chứng thận hư, đái tháo đường type 2, bệnh nhân có biểu hiện sốc do xuất huyết tiêu hóa.

Bệnh nhân cho biết, tình trạng này diễn ra đã lâu. Bệnh nhân cũng đã đi khám ở tuyến dưới nhưng không tìm ra nguyên nhân nên đến BV TƯ Quân đội 108 thăm khám.

Tại BV, qua hình ảnh nội soi dạ dày, các bác sĩ thấy tình trạng bệnh của bệnh nhân khá phức tạp. Theo đó, trong dạ dày có quá nhiều dịch cũ bẩn ứ đọng, phù nề và xung huyết mạnh ở dạ dày; loét và chảy máu nhiều ổ tá tràng; ruột non gần như không thể can thiệp được. Các bác sĩ đã tiến hành kẹp lại những vị trí đang chảy máu bằng hemoclip.

Các bác sĩ nghi ngờ tình trạng bệnh của bệnh nhân có thể do nhiễm ký sinh trùng nên đã lấy mẫu ở tá tràng để sinh thiết. Kết quả giải phẫu bệnh lý cho thấy, có hình ảnh ấu trùng giun lươn. Ngoài ra kết quả sinh học phân tử cho thấy bệnh nhân còn nhiễm một loại virus cơ hội CMV (là virus thuộc họ Herpesviridae hoặc Herpesviruses).

Giun lươn ký sinh dưới mắt (Ảnh minh họa)

Sau khi xác định được nguyên nhân, các bác sĩ đã điều trị theo phác đồ.

Hiện tại, bệnh nhân không còn tình trạng chảy máu, hết buồn nôn, hết nôn. Bệnh nhân có thể đi lại tập thể dục 20 phút thay vì nằm liệt trên giường bệnh như trước kia. Ngoài ra, bệnh nhân đã có thể ăn bữa chia nhỏ, tăng 6kg trong thời gian nằm viện.

Nhiễm giun lươn, cần điều trị thế nào để không nguy hiểm?

Các bác sĩ chia sẻ, nhiễm giun lươn là bệnh gây ra bởi giun lươn bao gồm Strongyloide stecoralis và Strongyloide fuelleborni. Việt Nam nằm trong khu vực dịch tễ có nhiễm giun lươn với tỷ lệ khoảng 1-2% dân số. Đây là bệnh nguy hiểm nhất trong các loại ký sinh trùng đường tiêu hóa vì chúng có thể tự nhân lên và di chuyển khắp nơi trong cơ thể.

Ban đầu, ấu trùng giun lươn xâm nhập cơ thể qua da, sau đó theo đường tĩnh mạch về tim, di chuyển đến phổi, tới các phế nang và đi lên cổ họng. Tại đây, các ấu trùng được nuốt lại vào trong, đi đến vùng tá tràng và phần trên hồi tràng, phát triển thành giun trưởng thành.

Môi trường nóng ẩm, kém vệ sinh là điều kiện để ấu trùng giun lươn phát triển và thâm nhập cơ thể người qua da, qua thức ăn…

Bệnh thường không triệu chứng ở những cơ thể có hệ miễn dịch bình thường. Nhưng đôi khi cũng có thể biểu hiện một số triệu chứng: Chảy máu tiêu hóa, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn gram âm, suy đa tạng và nhiều triệu chứng khác.

CMV được biết đến là virus cơ hội ở những người suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV, ghép tạng, điều trị corticosteroid kéo dài, dùng thuốc ức chế miễn dịch. Bên cạnh đó nhiễm CMV tiêu hóa cũng phổ biến ở bệnh nhân trên, trong đó thường ở đại tràng, nhiễm CMV tá tràng là trường hợp rất hiếm gặp.

Quay trở lại với tình trạng bệnh nhân trên, việc đáp ứng phác đồ điều trị nhiễm giun lươn và CMV đã cho kết quả tốt: Bệnh nhân không còn tình trạng chảy máu, hết buồn nôn, hết nôn, bệnh nhân có thể đi lại tập thể dục 20 phút thay vì nằm liệt trên giường bệnh như trước kia; đã có thể ăn bữa chia nhỏ, tăng 6kg trong thời gian nằm viện.

Đây là ca đầu tiên sốc mất máu do loét đa ổ tá tràng, ruột non gây ra bởi CMV và giun lươn mà bệnh viện TWQĐ 108 gặp phải.

Giun lươn có thể sinh sản và phát triển lâu dài trong cơ thể người, do vậy thời gian điều trị cần được duy trì cho đến khi giun lươn bị loại trừ hoàn toàn.

Để phòng tránh nhiễm giun, cần:

- Vệ sinh, quản lý tốt phân, rác thải trong môi trường..., đặc biệt là nơi gần nhà và nơi vui chơi của trẻ.

- Rửa tay sạch trước/sau khi chế biến thức ăn và trước khi ăn.

- Không ăn rau sống nếu chưa xác định đã được rửa sạch.

- Tẩy giun định kỳ 2 năm/lần.

Hồng Anh (T/h theo Phụ Nữ Việt Nam, Sức Khỏe& Đời Sống)