Sự kiện

Sở Y tế Tp.HCM chấn chỉnh việc chậm phát thuốc điều trị cho F0

Khi số ca mắc Covid-19 có dấu hiệu gia tăng, sự chậm trễ của y tế cơ sở trong việc phát thuốc điều trị cho F0 được Sở Y tế Tp.HCM nhìn nhận và đang chấn chỉnh.

Chiều 15/11, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Tp.HCM tổ chức họp báo về tình hình phòng chống dịch trên địa bàn. Đối với về đề xuất tăng khu cách ly tại quận, huyện, đại diện Sở Y tế Tp.HCM đã đưa ra lý giải.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Tp.HCM nói: “Tình hình dịch tại Tp.HCM hiện có xu hướng tăng ở một số địa phương. Vì thế, ngành y tế phải chuẩn bị các kịch bản để ứng phó các tình huống có thể xảy ra”.

Thành phố có 16 bệnh viện dã chiến cấp thành phố và đang thực hiện lộ trình thu hẹp còn 3 bệnh viện dã chiến vào cuối năm 2021. Do đó, Sở Y tế đề nghị các quận, huyện và Tp.Thủ Đức thành lập bệnh viện dã chiến cấp huyện, xem như cơ sở điều trị tầng 2.

Đến nay, có 8/22 quận, huyện đã thành lập bệnh viện dã chiến với quy mô 300-500 giường để sẵn sàng thu dung, điều trị F0 có triệu chứng nhẹ và vừa.

Ngoài ra, các trường hợp F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà thì sẽ được cách ly tại nhà, chăm sóc đầy đủ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà thì phải cách ly tập trung ở 62 khu cách ly phường, xã, quận, huyện.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Tp.HCM tại họp báo.

Trước tình trạng người dân, các F0 phản ánh rằng không nhận được tư vấn, chăm sóc, điều trị, không liên lạc được với cơ sở y tế hay thậm chỉ không nhận được túi thuốc C, lãnh đạo Sở Y tế Tp.HCM cũng lên tiếng.

“Tình trạng này là có xảy ra tại một vài địa phương. Chúng tôi đã lập tức có văn bản nhắc nhở. Sở Y tế đã họp với các Trung tâm Y tế quận, huyện để quán triệt lại. Tinh thần là tất cả bệnh nhân F0 được cách ly tại nhà (có chỉ định) mà không được phát thuốc thì cán bộ y tế phải bị xử lý”, ông Hưng nói.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tp.HCM (HCDC) cho biết: “Về công tác tiêm vắc-xin, thành phố đang dồn sức tiêm vét mũi 1 trên địa bàn và tiêm mũi 2 cho trẻ 12-17 tuổi. Theo chủ trương của Bộ Y tế, trong năm 2022 sẽ có kế hoạch tiêm chủng cho trẻ 3-11 tuổi”.

Trong những ngày qua, tình hình ca mắc Covid-19 ở huyện Nhà Bè, huyện Củ Chi, quận Gò Vấp, quận 12,… có xu hướng gia tăng. Đại diện HCDC nhận định: “Việc tăng chủ yếu ở quận, huyện vùng ven, là người đi làm ở khu chế xuất, khu công nghiệp. Quá trình đi làm lại, các công nhân này được test nhanh, từ đó phát sinh F0. Công tác điều tra ổ dịch từ các F0 sau khi test tiếp tục phát hiện nhiều F0 khác dẫn đến số F0 tăng”.

Theo thống kê của HCDC, số F0 đang điều trị tại nhà ở Tp.HCM là hơn 47.000 người trên tổng hơn 64.000 người, chiếm tỉ lệ 73%. Trong thời gian tới, ngành y tế Tp.HCM sẽ tính toán về việc tăng cường trạm y tế lưu động tại quận, huyện để chăm sóc F0 tại nhà cùng với việc tái lập trở lại các khu cách ly tập trung tại quận, huyện.