Dân sinh

Bệnh nhân Covid-19 nào không được uống Molnupiravir?

Việc bán thuốc theo đơn để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân, tránh mua phải hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, tránh việc lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ...

Chỉ bán Molnupiravir cho F0 có đơn thuốc đúng quy định

Báo điện tử Sức khỏe và Đời sống đưa tin, sáng 3/3, Sở Y tế Hà Nội cho biết đơn vị này vừa có văn bản chỉ đạo về việc kê đơn, bán thuốc Molnupiravir. Theo đó, các cơ sở kinh doanh thuốc phải tuân thủ quy định về "Thực hành tốt bảo quản thuốc" GSP, "Thực hành tốt phân phối thuốc" GDP, "Thực hành tốt bán lẻ thuốc" GPP, thực hiện nghiêm việc bán thuốc theo đơn.

Đặc biệt, chỉ bán thuốc có hoạt chất Molnupiravir cho người mắc Covid-19 có đơn thuốc đúng quy định, tư vấn nguy cơ – lợi ích cho bệnh nhân khi bán thuốc và cập nhật ngay dữ liệu xuất nhập vào hệ thống dược Quốc gia.

Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các cơ sở kinh doanh thuốc tuyệt đối không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tích trữ và đẩy giá thuốc tăng cao.

Theo Vietnamnet, yêu cầu trên nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân, tránh mua phải hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, tránh việc lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá gây ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự xã hội.

Sở Y tế giao nhiệm vụ cho Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội tăng cường lấy mẫu để giám sát chất lượng thuốc. Đồng thời, đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Phòng Y tế và các đơn vị liên quan như Quản lý thị trường… kiểm tra, giám sát việc bình ổn giá và kinh doanh thuốc có chứa hoạt chất Molnupiravir tại các nhà thuốc trên địa bàn quản lý.

Hiện nay, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đã cấp giấy phép lưu hành sản phẩm và công bố giá 3 loại thuốc có hoạt chất Molnupiravir do Việt Nam sản xuất: Molravir 400 (Công ty CP Dược Boston Việt Nam sản xuất), Movinavir (Công ty CP hóa dược phẩm Mekophar sản xuất) và Molnupiravir Stella 400mg (Công ty TNHH liên doanh Stellapharm - chi nhánh 1 sản xuất).

Sở Y tế Hà Nội cho biết đã làm việc với các doanh nghiệp, nhà thuốc để sẵn sàng cung ứng đến tay bệnh nhân với giá bình ổn. Đồng thời, có văn bản báo cáo Cục Quản lý khám chữa bệnh, Cục quản lý Dược để sớm có hướng dẫn việc kê đơn thuốc kháng virus cho F0 điều trị tại nhà.

Ai không được uống thuốc Molnupiravir?

Thông tin trên báo Tuổi trẻ, tại phiên họp trước khi cấp phép cho thuốc điều trị COVID-19 có hoạt chất Molnupiravir tại Việt Nam của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc (Bộ Y tế), các thành viên hội đồng đã thống nhất cảnh báo không dùng thuốc Molnupiravir cho phụ nữ có thai, trẻ dưới 18 tuổi do có tác dụng phụ, thuốc cũng ảnh hưởng đến tinh trùng của nam giới.

Theo thông báo của hội đồng, Molnupiravir chỉ được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ đến trung bình, có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.

Về giới hạn sử dụng thuốc, hội đồng khuyến cáo Molnupiravir dùng trên bệnh nhân có thời gian khởi phát triệu chứng bệnh dưới 5 ngày, không sử dụng quá 5 ngày liên tiếp, không sử dụng để dự phòng sau hay trước phơi nhiễm để phòng COVID-19.

Đối với phụ nữ có thai và cho con bú, Molnupiravir không được khuyến cáo sử dụng trong thời kỳ mang thai. Phụ nữ chuẩn bị mang thai nên sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.

Hội đồng cũng cho rằng dựa trên khả năng xảy ra các phản ứng có hại cho trẻ sơ sinh từ Molnupiravir, không khuyến cáo F0 là phụ nữ nuôi con nhỏ cho con bú trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng


Quốc Tiệp
(t/h)