Văn hoá

Sở Văn hoá, Thể thao Hà Nội lên tiếng khi trạm phát sóng Bạch Mai bị phá dỡ ngay trước ngày lập hồ sơ di tích

Mới đây, một phần của dãy nhà một tầng, vốn là trụ sở của trạm phát sóng Bạch Mai đã bị phá dỡ ngay trước ngày lập hồ sơ xếp hạng di tích khiến nhiều người xôn xao. Vậy sở Văn hoá, Thể thao Hà Nội nói gì về vấn đề này?

Theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin, ngày 10/2 vừa qua, đại diện UBND TP. Hà Nội đã có buổi làm việc với đại diện Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Hội Nghiên cứu - Bảo tồn kiến trúc hiện đại Việt Nam (Docomomo Vietnam) về kiến nghị bảo tồn các công trình thuộc Trạm phát sóng Bạch Mai mà các đơn vị này đã gửi đơn đến UBND TP. Hà Nội vào tháng 12/2019.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giao Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội (VH,TT HN) chủ trì, phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam làm hồ sơ di tích đối với tòa nhà một tầng này để công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố.

Cận cảnh một phần công trình tại dãy nhà một tầng ở ngách 128C/22 Đại La vốn là trụ sở Trạm phát sóng Bạch Mai bị phã dỡ.

Tuy nhiên, chiều ngày 9/2, Công ty Cổ phần xây dựng thương mại và dịch vụ Văn hoá - đơn vị quản lý dãy nhà này đã cho người phá dỡ một phần công trình này. Ghi nhận thực tế tại hiện trường vào chiều 11/2 cho thấy, dãy nhà có tất 5 phòng nhưng phòng ngoài cùng bên phải đã bị phá dỡ gần như toàn bộ.

Theo quan sát của PV, phần mái của dãy nhà này cũng đã bị hạ giải, ngói lẫn với phần gạch thành vương vãi khắp khuôn viên, phần rui mèn được chất thành đống trước dãy nhà… khiến cho khung cảnh rất ngổn ngang. Đặc biệt, biển tên “Trạm vô tuyến điện báo” bằng tiếng Pháp trên tường của dãy nhà có từ khi công trình được xây dựng trước năm 1954 đã bị cạo đi.  

Trạm phát sóng Bạch Mai là công trình có ý nghĩa lịch sử.

Thông tin Trạm phát sóng Bạch Mai đã bị "xâm hại" một phần trong quá trình đang lập hồ sợ công nhận là di tích văn hoá khiến nhiều người không khỏi xót xa, tiếc nuối bởi đó là một công trình mang ý nghĩa lịch sử, nơi đây vào tối 19/12/1946 nữ phát thanh viên đầu tiên của Việt Nam - Thanh Ngân - đã đọc bản tin được dùng làm hiệu lệnh Toàn quốc kháng chiến. Vậy sở VH,TT HN có biết điều này không?

Sáng 12/2, chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Tô Văn Động - Giám đốc sở VH,TT Hà Nội cho hay: "Việc trạm phát sóng Bạch Mai bị phá bỏ một phần chúng tôi đã nắm được, UBND TP.Hà Nội đã họp bàn và chúng tôi đã nghe ý kiến chỉ đạo. UNBD thành phố đã có 2 hướng triển khai: Thứ nhất là dãy nhà 1 tầng sẽ giao cho Đài tiếng nói Việt Nam cùng với Quận làm hồ sơ để xếp hạng di tích, thứ 2 nếu đường ống mà công trình sắp xây dựng có vào một phần của Trạm phát sóng thì đồng ý cho làm phần đó, sau đấy điều chỉnh lại cho phù hợp với công trình nếu Trạm phát sóng được công nhận là di tích văn hoá".

Khi được hỏi: Vậy cục Di sản, bộ VH,TT&DL đã nhận được hồ sơ công nhận trạm phát sóng Bạch Mai chưa, ông Tô Văn Động cho biết: "Trạm phát sóng này thuộc quản lý của Đài tiếng nói Việt Nam, khi nào phía Đài làm xong hồ sơ, chúng tôi thẩm định xong thì mới gửi lên Bộ. Cái này cần có quy trình, chúng tôi cũng muốn những công trình mang ý nghĩa lịch sử được xếp hạng để có phương án bảo tồn, giữ lại những công trình văn hoá, lịch sử cho thế hệ mai sau".

Những ngổn ngang của công trình Trạm phát sóng Bạch Mai bị "xâm hại" một phần.

Kiến trúc sư Trương Ngọc Lân - phó chủ tịch Hội Nghiên cứu - bảo tồn kiến trúc hiện đại Việt Nam cho biết: "Tôi đã quan sát công trình bị phá dỡ, việc khôi phục hình dáng của tòa nhà này không khó nhưng vì giá trị nguyên gốc ở những vị trí bị phá dỡ đã không còn nên công trình cũng bị giảm giá trị tổng thể".

Ông Lân cho rằng, UBND TP. Hà Nội cần khẩn cấp ra văn bản yêu cầu tạm dừng việc phá dỡ công trình này để bảo vệ kịp thời những gì còn lại.

Khó bảo tồn căn biệt thự đọc hiệu lệnh toàn quốc kháng chiến

Với căn biệt thự thuộc Trạm phát sóng Bạch Mai tại ngõ 128C Đại La mà tối 19/12/1946 nữ phát thanh viên đầu tiên của Việt Nam - Thanh Ngân - đã đọc bản tin được dùng làm hiệu lệnh Toàn quốc kháng chiến, tại cuộc họp ngày 10/2, chủ tịch UBND TP. Hà Nội nói không thể bảo tồn tại chỗ, còn việc di dời cũng rất khó khăn vì công nghệ không đáp ứng và không có đất công trống trong phạm vi bán kính 500m để đặt tòa nhà.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng cho biết trong vài ba tuần tới UBND TP. Hà Nội sẽ mời lại một lần nữa nhóm các đơn vị di dời để đánh giá lại về khả năng di dời tòa nhà này.

"Nếu hội đồng đảm bảo di dời được thì chúng tôi sẽ cố gắng tìm một địa điểm để di dời tòa nhà đến. Còn nếu các "thần đèn" nói không thể di dời được thì không còn cách nào hơn được nữa là phải phá tòa nhà này. Dự án đường trên cao này 10.000 tỉ đồng, chậm một tháng là mất rất nhiều tiền lãi", ông Chung nói.

Trong trường hợp phá căn biệt thự, ông Chung cho biết Hà Nội sẽ làm hình ảnh 3D cho biệt thự này để có thể phục dựng lại ngôi nhà ở một thời điểm thích hợp.