Tiêu điểm

So sánh hiệu quả giữa đầu tư công và PPP đối với đường vành đai 3 Tp. HCM

Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị làm rõ tại sao đối với đường vành đai 3 lại đầu tư theo hình thức đầu tư công?

Cùng quy mô 4 làn xe cao tốc nhưng mặt cắt ngang lại khác nhau

Thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh sáng 10/6, đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) nhấn mạnh việc đầu tư hai tuyến đường vành đai phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.

Dự án phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển giao thông quốc gia giai đoạn 2021 2025. Việc đầu tư 2 tuyến đường vành đai này phù hợp với Luật Đầu tư.

Tuy nhiên, đại biểu đoàn Vĩnh Phúc đề nghị làm rõ tại sao cùng là quy mô 4 làn xe cao tốc, hạn chế nhưng mặt cắt ngang giữa hai tuyến đường vành đai lại rất khác nhau.

Đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị làm rõ tại sao đối với đường vành đai 3 lại đầu tư theo hình thức đầu tư công.

Đại biểu cũng đề nghị cần cân nhắc thêm, đối với những đoạn tuyến cao tốc đi qua khu vực có lưu lượng giao thông lớn nên đầu tư giai đoạn một với quy mô 4 làn xe có B=24,75m nhằm hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông.

Về phân chia dự án thành phần và hình thức đầu tư, đồng tình với tờ trình của Chính phủ, đại biểu đồng tình với việc đầu tư đường Vành đai 4 dự án thành phần cao tốc được đầu tư theo phương thức đối tác công - tư và dự án thành phần dọc 2 bên tiểu dự án giải phóng mặt bằng và tái định cư được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị làm rõ tại sao đối với đường vành đai 3 lại đầu tư theo hình thức đầu tư công. Đồng thời, cần đánh giá lại hiệu quả đầu tư giữa đầu tư công và đầu tư theo đối tác công - tư đối với đường vành đai 3 trước khi quyết định chủ trương đầu tư.

Đại biểu Tiến cũng đồng tình với đề xuất giải phóng mặt bằng toàn bộ một lần theo quy hoạch để quản lý, đồng thời tách phần giải phóng mặt bằng và tái định cư thành tiểu dự án để giao địa phương thực hiện.

Đại biểu đề nghị làm rõ việc giải phóng mặt bằng một lần đã bao gồm cả phần đường song hành 2 bên chưa?

Đề nghị cần nghiên cứu cơ chế phối hợp trong quá trình xây lắp, nghiệm thu, bàn giao để tránh những ý kiến, kiến nghị phát sinh sau này.

Bố trí đủ vốn trong giải phóng mặt bằng

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Long An) nhất trí với việc phân chia các dự án thành phần để triển khai thực hiện, đặc biệt là công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Đại biểu Hải đề nghị quan tâm bố trí đủ nguồn vốn triển khai thực hiện cho các địa phương không phát hành trái phiếu để đảm bảo được bố trí đủ vốn và kịp thời.

Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các địa phương trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các địa phương trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đảm bảo đúng theo tiến độ xác định. Đây là nội dung khó, cần thể hiện sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị.

Đồng thời, đại biểu đoàn Long An cũng đề nghị có cơ chế chỉ định thầu đối với một số gói thầu như tư vấn di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư. Trong đó việc chỉ định thầu phải có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ và tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong việc quản lý, khai thác, sử dụng quỹ đất dọc theo tuyến đường đi qua.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hải Anh (đoàn Đồng Tháp) đề nghị cần có biện pháp bảo đảm không tái lấn chiếm trong giải phóng mặt bằng.

Đại biểu cũng đề nghị rà soát, đánh giá kỹ về dự báo phân bổ lưu lượng xe trên toàn tuyến để có phương án đầu tư các phân đoạn có lưu lượng xe lớn, đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Ngoài ra, đối với phân chia các dự án thành phần, đại biểu đề nghị cần có quy định cụ thể về cơ quan có trách nhiệm quản lý, điều phối dự án, xây dựng quy chế quản lý tổng thể dự án.