Tiêu điểm thế giới

Số phận người Kurd vẫn mong manh dù Nga, Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng hợp tác sau khi Mỹ rút quân khỏi Syria

Trong cuộc họp giữa phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ và Nga về vấn đề Syria, có 3 vấn đề lớn được đề cập. Tuy nhiên, vấn đề người Kurd không hề được nhắc tới. Số phận người Kurd vẫn mong manh sau khi Mỹ bất ngờ rút khỏi Syria.

Theo Al-Monitor, hôm 29/12, một phái đoàn cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ gồm Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu, Bộ trưởng quốc phòng Hulusi Akar, người đứng đầu cơ quan tình báo Hakan Fidan và phụ tá cho Tổng thống Ibrahim Kalin đã tới Nga để thảo luận về vấn đề Syria.

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra thông báo rút quân khỏi Syria, nhiều đồn đoán quanh vấn đề người thắng, kẻ thua trong cuộc chiến ở Trung Đông này. Tuy nhiên, những nhà tiên phong chính trong cuộc chiến ở Syria những ngày này gồm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đều chung một mối lo ngại, đó là những phức tạp có thể nảy sinh sau quyết định rút quân đột ngột khỏi Syria của Mỹ này.   

Số phận người Kurd trở nên mong manh sau khi Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Syria    

Trong khi quan điểm chủ đạo ở Moscow cho rằng động thái của Mỹ sẽ tăng quyền cho Thổ Nhĩ Kỳ, thì nhiều nhà phân tích ở Ankara lại khẳng định quyết định của ông Trump sẽ làm gia tăng vai trò của Nga như một nhà trung gian hòa giải ở Syria và rằng tất cả mọi con đường liên quan đến tình hình ở Iblib và bờ Đông sông Euphrates hiện đều dẫn tới Điện Kremlin.

Cả hai bên đều có lý theo quan điểm của mình về vấn đề này. Thổ Nhĩ Kỳ là một đất nước đóng vai trò khá quan trọng ở Trung Đông: Trong khi Washington không có quan điểm rõ ràng về khu vực, vẫn có những chuyên gia của chính phủ Mỹ nhận ra tầm quan trọng của Ankara và thúc đẩy quan hệ thân thiết giữa hai đồng minh này.

Việc ông Trump “trao quyền” xử lý vấn đề Syria cho Tổng thống Recep Tayyip Erdogan được Nga xem như là sự thể hiện mối quan hệ thân thiết giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này cũng giống như việc Mỹ bán hệ thống phòng thủ tân tiến Patriot và dỡ bỏ lệnh trừng phạt cho Ankara.

Về phần mình, với Nga, việc hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ không mang ý nghĩa chia rẽ mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ bởi lẽ Moscow có đủ sức để khiến Ankara muốn xích lại gần Moscow hơn với Washington. Tổng thống Nga Putin vẫn đang bàn về chính sách hợp tác lâu dài với Ankara.

Không phải ngẫu nhiên ngày đoàn đại biểu cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ đến Moscow, Bộ Nông nghiệp Nga thông tin Bộ này đang cân nhắc tăng gấp đôi lượng táo nhập khẩu từ Ankara. Moscow cũng đã xóa bỏ lệnh cấm nhập khẩu rau từ Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 11/2017.

Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ đủ kỹ năng để quan hệ tốt cùng lúc với cả Nga và Mỹ để thu lấy ích lợi tốt nhất cho mình. Sự căng thẳng trong mối quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ kể từ sau khi máy bay Nga bị bắn hạ vào cuối năm 2015 đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ cẩn trọng hơn với Nga, đặc biệt là ông Putin.

Moscow và Ankara kể từ đó trở nên cẩn trọng hơn khi “đi vào vùng” của nhau. Tình hình hiện tại ở Syria càng làm cho quan điểm này trở nên ý nghĩa. Nga bày tỏ sự đồng cảm với mối lo ngại an ninh của Ankara trước lực lượng dân quân người Kurd (YPG) và lực lượng người Kurd. Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ luôn ủng hộ các chương trình nghị sự của Nga trong việc duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria cũng như công nhận Tổng thống Assad là người cầm quyền ở quốc gia Trung Đông này.

Cuộc gặp ở Nga cho thấy hai bên đang làm việc cùng nhau để đảm bảo bên thứ ba nào đó không thể phá hoại chương trình của mình. Và họ cùng với Iran đang nỗ lực duy trì sự hợp tác tay ba giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.

“Chúng tôi đã tổ chức cuộc họp hữu ích cùng nhau... Chúng tôi đặc biệt chú ý tới bối cảnh mới sau khi Mỹ thông báo rút quân khỏi Syria”, Ngoại trưởng Nga Lavrov cho biết sau khi họp với những đồng sự Thổ Nhĩ Kỳ.    

Tại cuộc họp này, 3 vấn đề chính được đưa ra như ông Lavrov nói đó là: Những thấu hiểu về sự hiện diện quân sự của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ “sẽ tiếp tục được điều tiết các bước đi trong điều kiện mới”; vạch ra “biện pháp đặc biệt trong việc gia tăng hợp tác nhằm tạo nên các điều kiện cho phép người tị nạn trở về quê hương” và triển khai ủy ban hiến pháp.

“Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cùng có chung mục tiêu quét sạch khủng bố khỏi Syria”, ông Cavusoglu cho biết.

“Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ tiếp tục có quan hệ thân thiết với Iran, Nga và Syria để giải quyết các vấn đề trong khu vực”, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho hay.

Như vậy, chẳng có chút thông tin nào về YPG hay tình hình ở Manbij được nhắc tới. Hôm 28/12, quân đội Syria được cho là đã được triển khai tới Manbij.

YPG có thể là một phần trong kế hoạch hợp tác của Nga-Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib. Nga có thể đề xuất YPG hợp tác với Damascus và điều này vừa bảo vệ lực lượng người Kurd khỏi một cuộc đối đầu với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vừa mang đến giải pháp thích hợp cho Ankara. Điều này được đánh giá là cơ hội tốt cho người Kurd. Dẫu vậy, số phận người Kurd dường như vẫn rất mong manh khi mất đi người hậu thuẫn chủ đạo, người Mỹ.

Xem thêm >> Syria: Giải quyết ân oán, phiến quân cấu xé nhau gây đụng độ đẫm máu ở Idlib