Sự kiện

Số phận cây thông cổ thụ được ví như một phần trụ biểu dẫn vào lăng vua Gia Long

Trong hành trình tìm phản ánh, yêu cầu khắc phục và quy trách nhiệm về việc thi công “ẩu” trên con đường dẫn vào lăng Thế tổ Cao hoàng đế Gia Long, PV báo điện tử Người Đưa Tin còn phát hiện nhiều vấn đề trong quá trình xây dựng công trình này.

Xin được nhắc lại rằng, lăng vua Gia Long là một di tích trong Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESSCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới.

Và Điều 36 của Luật Di sản Văn hóa nêu rõ, khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về văn hóa - thông tin.

Thế nhưng, trong quá trình thi công con đường dẫn vào lăng vua Gia Long, câu chuyện về việc di dời 2 cây thông cổ thụ thuộc sự quản lý của phía đơn vị quản lý di tích đã khiến dư luận hoài nghi về việc thực hiện Điều luật trên của các bên liên quan.

Một số hình ảnh về cây chết, mặt đường bị nứt khi công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Bảo Ninh thi công con đường.

Với ký ức của nhiều người từng đến viếng, thăm quan lăng vua Gia Long, đặc biệt là những người con mang dòng máu Nguyễn Phúc tộc, con đường dẫn vào lăng Ngài là cả một không gian tĩnh lặng và đầy chất thơ.

Lược tìm thông tin từ các nhà nghiên cứu, thì toàn bộ khu lăng là một quần sơn với 42 ngọn đồi, núi lớn nhỏ. Nơi an nghỉ của vị tiên đế sáng lập triều đại nhà Nguyễn nằm trên một quả đồi bằng phẳng, rộng lớn. Trước có ngọn Đại Thiên Thọ làm trung tâm, sau có bảy ngọn núi nối tiếp nhau.

Đặc biệt, dấu ấn của lăng không phải được bao bọc bởi những bức tường thành cứng nhắc mà là nằm hài hòa giữa cảnh núi rừng, thiên nhiên bao la khoáng đãng. Đó là một lối kiến trúc thể hiện đỉnh cao của sự phối hợp giữa nghệ thuật phong thủy và phong cảnh thiên nhiên.

Hàng thông lâu năm tuổi ngút ngàn dọc con đường dẫn vào lăng vua Gia Long đã trở thành hình ảnh ấn tượng với nhiều người khi về thăm viếng Ngài. (Ảnh chụp trước năm 2019). 

Nếu ai đã từng đi qua con đường vào lăng tỏa bóng bởi rừng thông hàng chục năm tuổi thì chắc hẳn sẽ không thể quên cái cảm giác được thả mình vào không gian mát rượi, thi thoảng là tiếng thông reo theo gió lạc nhịp…

Rừng thông cổ thụ bao bọc xung quanh lăng Ngài dường như đã trở thành một nét hoài niệm in dấu trong tiềm thức với những người đã từng đến thăm, viếng. Và dấu ấn đầu tiên về rừng thông khi vào lăng Ngài chính là 2 cây thông cổ thụ sừng sững nằm 2 bên vệ đường, được người dân ví như 2 cột trụ biểu đón chào du khách vào lăng.

Hình ảnh chụp trước năm 2019 về hai cây thông được ví như cột trụ biểu dẫn vào lăng vua Gia Long.

Đáng tiếc thay, sau khi thi công con đường bê-tông M350 dày 24cm xuất hiện nhiều vết nứt lùm xùm kể trên, 1 trong 2 cây thông già nua ấy hiện đã không còn.

Lý do tại sao lại di dời cây thông đi, hiện cây này đang ở đâu?… là những câu hỏi mà không ít người trong đoàn dâng hương kỷ niệm 258 ngày sinh Thế tố Cao hoàng đế Gia Long vào ngày 8/2, nhằm Rằm tháng Giêng âm lịch vừa rồi thắc mắc.

Nguồn tin của người viết tiết lộ, cây thông lâu năm - một phần được ví như cột trụ biểu dẫn vào lăng này đã nằm trong số 2 cây thông cổ thụ được nhân viên của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cưa mang đi khi vướng phải mặt bằng dự án con đường.

Ảnh tư liệu về việc nhân viên của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cưa hạ 1 trong 2 cây thông vướng mặt bằng thi công.

Ông Lê Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh quan Môi trường của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xác nhận thông tin này với PV. Và cho biết, việc làm này được thực hiện sau khi phía Trung tâm nhận được công văn của chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực thị xã Hương Trà đề nghị di dời 2 cây thông vì nằm trong phạm vi ảnh hưởng mặt bằng thi công con đường.

“Thưa anh, có những văn bản nào trong việc di dời 2 cây này không, ví dụ như: văn bản chỉ đạo, văn bản lấy ý kiến và biên bản di dời, hạ chặt cây…”, PV đặt câu hỏi.

Những gì ông Hiếu cung cấp sau đó chỉ là phiếu xử lý công văn của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực thị xã Hương Trà và một biên bản xác nhận khối lượng của 2 cây thông bị cưa hạ. Không hề có văn bản cụ thể nào đồng ý việc di dời 2 cây của đơn vị có thẩm quyền, biên bản di dời, hay biên bản lấy ý kiến của những bên liên quan trong công tác quản lý, bảo tồn di tích…

Công văn của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Hương Trà về việc đề nghị di dời 2 cây thông thuộc sự quản lý của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế .

1,5m3 gỗ của 2 cây thông đã bị hạ chặt và đưa đi như vậy. Ông Trung cho biết thêm, trước khi hạ cưa, phía trung tâm cũng đã cho người kiểm tra hiện trạng 2 cây thì phát hiện cây bị mục rỗng thân bên trong, có thể ngã đổ bất cứ lúc nào.

Cây thông còn lại sừng sững nhưng "cô đơn" trên con đường dẫn vào lăng.

Tuy nhiên, chia sẻ với PV, một chuyên gia về thực vật nói, việc hạ cưa 2 cây thông vì lý do vi phạm mặt bằng công trình chưa thể nói gì vào lúc này nhưng cưa hạ vì cây bị bộng, rỗng bên trong là không cần thiết.

“Với những cây thông nhiều năm tuổi như trên lăng vua Gia Long thì việc bị rỗng trong thân là chuyện không thể tránh khỏi. Đa phần cây thông đều sẽ bị như vậy khi phát triển lâu năm”, chuyên gia này nói.

Thông tin PV có được, khi đang thi công con đường, trong một chuyến khảo sát làm việc với chủ đầu tư, một lãnh đạo của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã từng mong muốn giữ lại hiện trạng cây thông được ví như một phần trụ biểu dẫn vào lăng này và có ý  nên thay đổi thiết kế để cây cùng đường hài hòa với nhau. Thế nhưng, điều này đã bất thành vì sau đó, cây này đã bị cưa hạ.

“Hãy hành động để Thừa Thiên-Huế thêm xanh…” là một trong những khẩu hiệu mà lãnh đạo tỉnh này nhắc nhiều lần trong năm 2019 vừa qua. “Xanh” ở đây nghĩa là một môi trường trong lành, hài hòa giữa mật độ cây xanh với hạ tầng. Ở đấy, là sự khuyến khích người dân không chỉ tích cực trồng thêm cây mới mà còn giữ lại những hàng cây xanh cổ thụ, lâu năm.

Và hai cây thông dẫn vào lăng vua Gia Long nói trên không những cổ thụ, lâu năm tuổi mà còn là một phần gắn với không gian di tích trong tiềm thức của nhiều người.