Thế giới

Số phận các thành phố lớn ở Donetsk trong xung đột Nga-Ukraine

Bị mắc kẹt giữa 2 làn đạn ngược xuôi là những người dân thường, với hy vọng ngày càng tuyệt vọng về hồi kết của giao tranh.

Trận chiến giành Donbass ở miền Đông Ukraine hiện nay tập trung vào Lyman và Bakhmut, 2 thành phố thuộc vùng Donetsk, nằm cách nhau chưa đầy 30 dặm (48 km), trong đó Lyman đang nằm trong tay quân Nga, còn Bakhmut vẫn do quân Ukraine kiểm soát.

Các milblogger Nga (quân nhân viết blog) hôm 28/9 đã thảo luận về những bước tiến của Ukraine xung quanh thành phố Lyman, với sự lo ngại ngày càng tăng, cho thấy rằng các lực lượng Nga trong khu vực này có thể sắp phải nếm mùi thất bại, theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ.

“Một số milblogger Nga và phóng viên quân sự nổi tiếng tuyên bố rằng quân đội Ukraine đã tiến về phía tây, bắc và đông bắc của Lyman, và đang nỗ lực khép vòng vây quân Nga ở Lyman và dọc theo bờ bắc của sông Siverskyi Donets trong khu vực này”, ISW cho biết trong bản đánh giá mới nhất về xung đột Nga-Ukraine hôm 28/9.

Tổ chức nghiên cứu này cho biết thêm: “Các miblogger Nga tuyên bố rằng quân đội Ukraine đang đe dọa các vị trí và đường liên lạc của Nga hỗ trợ tập hợp lực lượng ở Lyman. Sự sụp đổ của tuyến phòng thủ ở Lyman có thể sẽ dẫn đến hậu quả lớn đối với quân Nga tập hợp ở phía bắc Donetsk và phía tây Luhansk, đồng thời có thể cho phép quân đội Ukraine đe dọa các vị trí của Nga dọc theo ranh giới phía tây vùng Luhansk và trong khu vực Severodonetsk-Lysychansk”.

Binh sĩ Ukraine ở Bakhmut, vùng Donetsk, miền Đông Ukraine. Tính đến ngày 28/9/2022 thì thành phố trọng điểm này ở Donbass vẫn nằm trong tầm kiểm soát của quân Ukraine. Ảnh: NYT

Có thể thấy Ukraine đang nỗ lực giành lại trung tâm giao thông đường sắt đóng vai trò là một điểm tiếp tế quan trọng. Việc chiếm được Lyman sẽ cho phép các lực lượng Ukraine tiến xa hơn về phía đông.

Bakhmut, đang trong tay quân đội của Kiev, là một cửa ngõ quan trọng dẫn vào vùng Donbass. Nếu giữ vững được trận địa này, các lực lượng Ukraine sẽ có một vị thế vững chắc để giành lại những vùng lãnh thổ đã mất trong những tháng tới.

Ngược lại, nếu Nga thành công giữ vững Lyman và giành được Bakhmut, các lực lượng của Moscow có thể tiếp tục nhắm đến 2 thành phố lớn khác ở Donbass do quân Ukraine kiểm soát là Kramatorsk và Slovyansk.

Các chỉ huy Ukraine ở Bakhmut cho biết rằng các hệ thống tên lửa do Mỹ cung cấp có tên HIMARS đã còn thành công trong việc gây áp lực lên tuyến hậu cần của Nga ở đây. Đánh giá mới của họ cho thấy rằng Nga đã thích nghi với các cuộc tấn công của đối phương bằng cách phân tán tốt hơn các kho dự trữ đạn dược của mình.

Bị mắc kẹt giữa 2 làn đạn ngược xuôi là những người dân thường, với hy vọng ngày càng tuyệt vọng về hồi kết của giao tranh.

Nga chuẩn bị tiếp nhận sự gia nhập của 4 vùng ly khai như thế nào?

Trên Quảng trường Đỏ ở trung tâm thủ đô Moscow, Nga, các màn hình video khổng lồ đã được dựng lên, với các biểu ngữ ghi “Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia, Kherson - Nga!”

Điện Kremlin gần đây đã cho tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý ở 4 vùng ly khai Ukraine. Truyền thông nhà nước Nga thông báo, kết quả của các cuộc trưng cầu trên cho thấy 98% cử tri đã chọn ủng hộ gia nhập Liên bang Nga.

Các cuộc bỏ phiếu đã bị cộng đồng quốc tế lên án rộng rãi, với các quốc gia châu Âu và Mỹ coi chúng là “trò giả tạo” và tuyên bố rằng chúng sẽ không được công nhận.

Trong khi đó, giới lãnh đạo Nga đã nhanh chóng hoan nghênh kết quả của các cuộc trưng cầu dân ý, với việc Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin viết trên Telegram hôm 28/9 rằng kết quả này sẽ “cứu hàng triệu người khỏi nạn diệt chủng”.

Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Valentina Matvienko cho biết, họ có thể xem xét việc hợp nhất 4 khu vực này vào ngày 4/10, 3 ngày trước sinh nhật lần thứ 70 của Tổng thống Nga Vladimir Putin, theo Reuters.

Hình ảnh cho thấy các biểu ngữ và công trình xây dựng trước một sự kiện liên quan đến kết quả của các cuộc trưng cầu dân ý về việc 4 vùng ly khai Ukraine gia nhập Liên bang Nga, gần Bức tường Điện Kremlin và Bảo tàng Lịch sử Nhà nước ở Quảng trường Đỏ, trung tâm thủ đô Moscow, ngày 28/9/2022. Biểu ngữ ghi: “Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia, Kherson. Bên nhau mãi mãi!”. Ảnh: The Guardian

Người đứng đầu lực lượng ly khai thân Nga ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và 2 quan chức Nga tại một cuộc họp báo về cuộc trưng cầu dân ý ở Donetsk, ngày 27/9/2022. Ảnh: WSJ

Các nhà lãnh đạo do Moscow bổ nhiệm ở cả 4 vùng lãnh thổ hôm 28/9 đã xác nhận mong muốn của họ rằng các vùng này trở thành một phần của Nga. Điện Kremlin đã công nhận nền độc lập tự xưng của Donetsk và Luhansk. Các chính quyền quân sự-dân sự thân Nga ở Kherson và Zaporizhzhia, nơi họ chỉ kiểm soát các khu vực phía nam và trung tâm của mỗi vùng, dự kiến sẽ tuyên bố độc lập trong ranh giới hành chính. Thủ phủ của Zaporizhzhia hiện vẫn do quân đội của Kiev kiểm soát.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên trong tuần này rằng các nhà chức trách Nga đã sẵn sàng tích hợp các khu vực mới vào Nga. Các nhà phân tích ủng hộ Điện Kremlin cho biết, các cuộc trưng cầu dân ý là một bước cần thiết để đạt được mục tiêu đó.

“Kết quả rất quan trọng vì chúng cung cấp cơ sở chính trị để đưa ra quyết định về việc sáp nhập các khu vực này vào Nga”, ông Sergei Markov, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính trị  ở Moscow có quan điểm ủng hộ Điện Kremlin, cho biết.

Theo luật pháp Nga, ông Putin trước tiên phải ký hiệp ước với các vùng lãnh thổ muốn gia nhập Nga, sau đó các thỏa thuận này sẽ được gửi đến Tòa án Hiến pháp của quốc gia để xem xét liệu chúng có tuân thủ luật pháp Nga không. Nếu tòa án không tìm thấy vi phạm nào, ông Putin sẽ chuyển các hiệp ước tới Duma Quốc gia để yêu cầu bỏ phiếu.

Khi được Hạ viện Nga thông qua, các hiệp ước sẽ được chuyển tới Thượng viện Nga (Hội đồng Liên bang) để tiếp tục quá trình phê duyệt. Một khi các hiệp ước được cả 2 viện của quốc hội Nga thông qua, ông Putin có thể chính thức tuyên bố các khu vực này là một phần của Nga.

Các nhà phân tích cho biết, quá trình trên có thể bắt đầu ngay trong tuần này, mặc dù Điện Kremlin chưa xác nhận bất kỳ ngày nào.

Tờ Wall Street Journal dẫn lời ông Pavel Salin, một nhà phân tích chính trị có trụ sở tại Moscow, cho biết rằng trong khi việc công nhận các vùng lãnh thổ mới đang chờ được giải quyết, ông Putin đã tạo cơ hội cho phương Tây tham gia đối thoại với Nga về việc giảm leo thang ủng hộ Ukraine.

“Ông ấy đã tạo ra tình huống mới này để khiến khối Anglo-Saxon tái khởi động các mối liên lạc”, ông Salin nói, đề cập đến những nước ủng hộ Kiev, bao gồm cả Mỹ và Vương quốc Anh.

Tổng thống Ukraine Volodymr Zelenskyy nói với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) qua video từ Kiev hôm 27/9 rằng “bất kỳ sự thôn tính nào trong thế giới hiện đại đều là tội ác, tội ác chống lại tất cả các quốc gia coi sự bất khả xâm phạm của biên giới là quan trọng đối với họ”.

Giới chức chính quyền địa phương do Điện Kremlin bổ nhiệm ở các khu vực Kherson, Zaporizhzhia, Donetsk và Luhansk cho biết tỉ lệ phiếu bầu ủng hộ việc gia nhập Nga dao động 87-99,2%. Ảnh: TRT World

Điểm rò rỉ thứ tư được tìm thấy trên các đường ống Nord Stream

Lực lượng phòng vệ bờ biển Thụy Điển vào đầu tuần này đã phát hiện ra điểm rò rỉ khí thứ tư trên các đường ống dẫn khí đốt Nga dưới Biển Baltic tới châu Âu, một phát ngôn viên của lực lượng trên nói với tờ báo Svenska Dagbladet, Reuters đưa tin hôm 29/9.

Người phát ngôn của lực lượng phòng vệ bờ biển Thụy Điển Jenny Larsson nói với tờ báo: “Hai trong số bốn điểm rò rỉ này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển”.

Hai điểm rò rỉ còn lại nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch.

Liên minh châu Âu (EU) đã mô tả các vụ việc là “hành động có chủ ý” và “không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên”, đồng thời tuyên bố sẽ phản ứng “mạnh mẽ” đối với bất kỳ sự cố ý nào làm gián đoạn cơ sở hạ tầng năng lượng của khối này.

Trong một diễn biến có liên quan, hôm 26/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden có trách nhiệm phải trả lời liệu Mỹ có liên quan đến sự cố Nord Stream này hay không.

Mỹ đã lên tiếng phủ nhận. Một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo hôm 28/9 rằng Washington “hoàn toàn không liên quan” đến vụ việc.

“Vẫn chưa có kết luận cuối cùng”, vị quan chức Lầu Năm Góc nói, nhưng không xác nhận liệu các sự cố rò rỉ có phải do hành động cố ý hay không.

Cơ sở vật chất của đường ống dẫn khí Nord Stream 2 ở Lubmin, Đức. Ảnh: Shutterstock

Mỹ hứa gửi thêm HIMARS cho Ukraine, nhưng sẽ mất vài năm

Hệ thống pháo HIMARS được đánh giá cao trong gói hỗ trợ an ninh trị giá 1,1 tỷ USD mới nhất của Mỹ dành cho Ukraine sẽ mất vài năm để được chế tạo, một quan chức Lầu Năm Góc cho biết hôm 28/9, Bloomberg đưa tin.

Theo Bloomberg, Mỹ đã thông báo sẽ gửi 18 Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS) do Tập đoàn Lockheed Martin sản xuất, như một phần của gói hỗ trợ mới.

Không giống như 16 hệ thống HIMARS đã được lấy từ các kho dự trữ hiện có của Lầu Năm Góc, những chiếc HIMARS mới sẽ phải được chế tạo theo hợp đồng thông qua Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, theo vị quan chức này.

Gói hỗ trợ an ninh mới nhất trị giá 1,1 tỷ USD được coi là bước khởi đầu của quá trình ký kết hợp đồng quốc phòng trung và dài hạn với Ukraine. Các thiết bị khác cũng sẽ mất 6-24 tháng để đến Ukraine, vị quan chức này cho biết thêm.

Mỹ cũng đang có kế hoạch gửi 150 Xe đa dụng cơ động cao được bọc thép, hay còn được gọi là Humvees; 150 xe chiến thuật để kéo vũ khí; và 40 xe tải và 80 xe kéo để vận chuyển thiết bị hạng nặng. Ukraine dự kiến sẽ nhận được 2 radar phát hiện máy bay không người lái cũng như các hệ thống chống máy bay không người lái, hệ thống liên lạc và giám sát an toàn, thiết bị xử lý chất nổ và áo giáp.

Một số diễn biến khác

Nữ Thủ tướng đầu tiên của Estonia, Kaja Kallas, đã đích thân phân tích và kiểm tra các tên lửa chống tăng Javelin trong một cuộc diễn tập quân sự ở một địa điểm xa xôi của đất nước, trang Gulf Today cho biết hôm 29/9. Các tên lửa này được cho là sẽ được chuyển giao cho quân đội Ukraine để giúp đỡ đất nước Đông Âu trong cuộc chiến chống lại Nga.

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas đích thân kiểm tra tên lửa chống tăng Javelin trước khi đưa chúng đến Ukraine. Ảnh: Gulf Today

Tập đoàn dầu khí khổng lồ TotalEnergies SE của Pháp vẫn giữ mối làm ăn chính ở Nga với lập luận rằng chừng nào châu Âu chưa trừng phạt khí đốt Nga, chừng đó họ chưa thể chấm dứt các hợp đồng. Tuy nhiên CEO của Total, ông Patrick Pouyanne, hôm 28/9 thừa nhận rằng khi căng thẳng leo thang hơn nữa giữa Điện Kremlin và phương Tây về xung đột ở Ukraine, lợi nhuận của họ từ cổ phần trong các dự án ở Nga sẽ chấm dứt trong những tháng tới.

Ngành công nghiệp hàng không của Nga sẽ hướng tới mục tiêu “bay” một mình mà không cần các hãng máy bay phương Tây như Airbus và Boeing, tập đoàn công nghiệp nhà nước Nga Rostec tuyên bố, Reuters đưa tin hôm 28/9. Theo đó, Nga sẽ sử dụng các bộ phận được chế tạo trong nước để sản xuất 1.000 máy bay vào năm 2030 và chấm dứt sự phụ thuộc vào Boeing và Airbus.

Xuất khẩu dầu của Nga vẫn đang bùng nổ, và trong khi EU giảm nhập khẩu dầu thô từ Nga thì EU vẫn là một khách hàng lớn, trang bne IntelliNews cho biết hôm 28/9, dẫn dữ liệu mới nhất từ công ty phân tích hàng hóa Kpler. Trong khi xuất khẩu các sản phẩm của Nga đến tất cả các điểm đến đã giảm vừa phải kể từ khi xung đột ở Ukraine bắt đầu, thực ra EU đã tăng nhập khẩu các sản phẩm của mình từ Nga kể từ tháng 3. Trong 7 tháng qua, nhập khẩu các sản phẩm từ đường biển của Nga chiếm trung bình 28% tổng nhập khẩu sản phẩm của EU - gấp đôi thị phần của Nga trong nhập khẩu dầu thô đường biển của EU cùng kỳ năm ngoái.

Minh Đức (Theo NYT, Reuters, WSJ, The Guardian)