Sức khỏe

Số người mắc bệnh đau mắt đỏ ở Khánh Hòa đang gia tăng

Những ngày gần đây, số bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh viêm kết mạc (hay còn gọi là đau mắt đỏ) ở các bệnh viện tại tỉnh Khánh Hòa tăng nhanh.

Số lượng trẻ mắc bệnh đau mắt đỏ tăng

Ngày 12/9, ghi nhận tại Bệnh viện Mắt Sài Gòn Nha Trang, lượng người đến khám bệnh đau mắt đỏ khá đông. Dẫn con gái 6 tuổi đi khám bệnh tại đây, chị Lê Thị Hồng Đào (xã Vĩnh Ngọc, Tp.Nha Trang) cho biết: “Hôm qua (11/9), tôi vừa dẫn con trai học lớp 4 đi khám thì nay đến lượt con gái nhỏ học mẫu giáo cũng bị đau mắt đỏ. Cháu bị lây từ anh trai của mình.

Ở lớp của con trai tôi, bạn nào bị bệnh, cô giáo gọi phụ huynh lên đón về đi khám và nghỉ học ở nhà. Cô gửi bài học qua nhóm lớp, sau đó phụ huynh kèm thêm cho cháu học để khỏi mất bài trong thời gian nghỉ. Ở nhà, tôi chăm sóc 2 con vệ sinh sạch sẽ, ăn uống, nghỉ ngơi điều độ để mau hồi phục sức khỏe”.

Bác sĩ Bệnh viện Mắt Sài Gòn Nha Trang khám bệnh đau mắt đỏ cho bệnh nhi.

Trong khi đó, đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, chị Thùy D. (phường Vĩnh Hải, Tp.Nha Trang) cho biết, chị bị lây bệnh đau mắt đỏ từ con nhỏ đang học mẫu giáo.

“Cháu còn nhỏ chưa biết cách bảo vệ mắt nên cháu bị lây ở trường. Khi về nhà, tôi chăm sóc cháu nhưng cháu còn nhỏ nên cũng không biết cách để hạn chế lây cho mẹ và những người xung quanh. Vì vậy, tôi và con lớn cũng bị lây từ cháu. Triệu chứng ban đầu của cả 2 mẹ con là mắt hơi sưng, chảy dịch nhẹ khi ngủ dậy. Vì không yên tâm nên sáng bị là chiều tôi đến bệnh viện khám để tránh biến chứng ảnh hưởng đến mắt”, chị D. nói.

Cũng đi khám tại đây, em Ngô Cao Đức Trọng, học sinh một trường cấp 2 trên địa bàn Tp.Nha Trang cho biết: “Bạn em bị bệnh khoảng 5 - 10 ngày trước, bây giờ đã khỏi, còn em bị lây từ bạn. Ban đầu mắt trái em bị đỏ, qua ngày hôm sau thì cả 2 mắt đều bị. Tuy không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt nhưng em phải đi khám cho an toàn”.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận khoảng 10% bệnh nhân bị đau mắt đỏ trên tổng số ca đến khám bệnh về mắt.

Còn chị Võ Thị Thu Thảo (phường Phước Hải, Tp.Nha Trang), một phụ huynh học sinh lớp 5 cho biết, trong lớp của con chị có khá nhiều cháu bị đau mắt đỏ nên phải nghỉ học. Con trai chị hiện cũng đang điều trị bệnh này.

“Con tôi bị đỏ cả 2 mắt chỉ sau một ngày. Tôi dẫn con đến khám ở Bệnh viện Mắt Sài Gòn Nha Trang thì bác sĩ kê 2 loại thuốc nhỏ để điều trị. Sau vài ngày, tình trạng đã ổn nên ngày mai (13/9) cháu đi học lại”, chị Thảo nói.

Số ca mắc tăng cao

Theo các bác sĩ, bệnh đau mắt đỏ có thể gặp ở mọi lứa tuổi và vào tất cả thời điểm trong năm. Bệnh thường gia tăng vào thời điểm giao mùa. Trẻ thường lây bệnh qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết ra từ mắt, mũi, miệng của người bệnh, sử dụng chung đồ cá nhân với người bệnh…

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Nam Trung, Giám đốc Bệnh viện Mắt Sài Gòn Nha Trang cho biết, trong thời gian gần đây lượng bệnh nhân đến khám bệnh đau mắt đỏ ở bệnh viện tăng đột biến so với trước.

Theo bác sĩ Trung, vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 khi học sinh đến trường trở lại thì xu hướng các trẻ đến khám mắt tăng cao. Trong 2 tuần trở lại đây, số trẻ đến khám viêm kết mạc tại bệnh viện tăng đáng kể. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận từ 100-120 cháu có biểu hiện như đỏ mắt, kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều ghèn; nặng hơn thì có trẻ sưng nề kích thích với ánh sáng.

Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Mắt Sài Gòn Nha Trang, trong tháng 7, bệnh viện tiếp nhận 1.193 ca bị viêm kết mạc, trong đó có 278 trẻ dưới 15 tuổi. Đến tháng 8 ghi nhận 1.472 ca mắc, trong đó trẻ dưới 15 tuổi chiếm 411 ca. Từ ngày 1-10/9, bệnh viện tiếp nhận 825 ca mắc, trong đó có 456 trẻ dưới 15 tuổi, chiếm 55%.

Theo nhận định của bệnh viện, trong 2 tuần gần đây, tổng số trẻ em dưới 15 tuổi viêm kết mạc chiếm khoảng 50% trên tổng số ca khám về viêm kết mạc. Số ca mắc năm nay tăng gấp đôi so với cùng năm 2022; trong đó, số ca mắc ở trẻ em dưới 15 tuổi tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ.

Khá đông bệnh nhân đến khám mắt tại Bệnh viện Mắt Sài Gòn Nha Trang.

Trong khi đó, bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết, tại Phòng khám mắt, mỗi ngày trung bình tiếp nhận từ 120-140 bệnh nhân đến khám, trong đó có 10% là bệnh nhân bị đau mắt đỏ và con số ngày càng tăng lên. Bệnh đau mắt đỏ lưu hành quanh năm nhưng trong đợt này đang rộ lên đột biến.

Bác sĩ Trang cho biết thêm, thời gian ủ bệnh từ 5-10 ngày, sau đó sẽ khởi phát bệnh. Trong quá trình khởi phát, bệnh nặng dần lên sau 5-7 ngày rồi giảm dần, bệnh sẽ kết thúc sau 10-12 ngày.

Theo bác sĩ Trang, những trường hợp như cộm, xốn, đau nhức mắt; nhìn mờ; cảm giác có dị vật trong mắt; có nhiều tiết tố trên mắt… thì bệnh nhân nên đến cơ sở y tế để khám và điều trị. Đặc biệt, không tự ý sử dụng đơn thuốc của một bệnh nhân khác để điều trị cho bản thân. Những thuốc có chất chống viêm chỉ được khám và chỉ định bởi các bác sĩ.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Khánh Hòa cho biết, đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt còn lại. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch.

Cho đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.

Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng. Tuy nhiên, bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này.

Số người mắc bệnh đau mắt đỏ ở Khánh Hòa đang gia tăng.

Ngày 12/9, bác sĩ Tôn Thất Toàn, Phó Giám đốc phụ trách CDC tỉnh Khánh Hòa cho biết, Trung tâm vừa có văn bản gửi Trung tâm Y tế, Phòng Y tế các huyện, thị xã, thành phố; các bệnh viện trong tỉnh về việc tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh đau mắt đỏ vào sáng cùng ngày.

Trong đó, tập trung truyền thông vào nguyên nhân, đường lây, dấu hiệu bệnh và cách phòng bệnh. Bệnh hiện chưa có vắc-xin tiêm phòng; đưa người có dấu hiệu đau mắt đỏ đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền qua loa truyền thanh khu phố, xã, phường, thôn bản ở khu vực đang có ca bệnh và khu vực có nguy cơ cao xảy ra bệnh dịch. Đa dạng hóa trong sử dụng hình thức truyền thông trực tiếp như thăm hộ gia đình, lồng ghép nói chuyện sức khỏe tại các trường học, nhà trẻ, mẫu giáo… Tăng cường lồng ghép tư vấn sức khỏe trong các hoạt động khám, điều trị bệnh ở các cơ sở khám và điều trị cho trẻ em, và các buổi tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ tại các cơ sở y tế…

Để chủ động ngăn chặn, phòng tránh lây lan và giảm thiểu những biến chứng nguy hiểm của bệnh, CDC Khánh Hòa đề nghị các đơn vị y tế trong tỉnh, phối hợp với địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông phòng chống bệnh đau mắt đỏ.

Các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ:

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch.

- Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng.

- Không dùng chung vật dụng cá nhân như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

- Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.

- Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.

- Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác.

- Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

Châu Tường