Tài chính - Ngân hàng

Số hoá đã thay đổi dịch vụ ngân hàng như thế nào?

Khi có sự đóng góp của tự động hoá các tác vụ vận hành, nhân viên ngân hàng chỉ tham gia xác nhận kết quả, thực hiện hoạt động trao đổi trực tiếp với khách hàng.

Hội thảo “Phát triển dịch vụ ngân hàng số: Xu thế và giải pháp công nghệ mới” đã được tổ chức tại Hà Nội, nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Chuyển đổi số ngành ngân hàng 2022 dưới sự chủ trì của Ban Kinh tế Trung ương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Diễn đàn hướng tới mục tiêu trở thành diễn đàn uy tín cho lãnh đạo các ngân hàng thương mại, các tổ chức cung cấp các giải pháp công nghệ, các hiệp hội, viện nghiên cứu, trường đại học có cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế trong quá trình chuyển đổi số. Qua đó, cung cấp thêm những đề xuất, kiến nghị góp phần vào sự phát triển của ngành ngân hàng trong tương lai.

Hội thảo nằm trong Chuyên đề 3 tập trung chia sẻ về các giải pháp thúc đẩy việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong lĩnh vực ngân hàng. Đồng thời thảo luận về các cơ hội mới trong phát triển công nghệ và cơ sở hạ tầng ngân hàng trong bối cảnh bình thường mới.

Về sự thay đổi khi có dữ liệu trên nền tảng số, bà Nguyễn Minh Nguyên Thành - Giám đốc kinh doanh khu vực Đông Nam Á akaBot (FPT Software) cho rằng, trải nghiệm số trong ngân hàng sẽ không tập trung vào những dữ liệu có cấu trúc lặp đi lặp lại mà sử dụng những thao tác có trình độ cao hơn.

Bà Nguyễn Minh Nguyên Thành, Giám đốc kinh doanh khu vực Đông Nam ÁakaBot (FPT Software).

Theo bà Thành, siêu tự động hoá góp phần tạo ra vận hành xuất sắc với 70-80% tác vụ thực hiện bằng máy (bao gồm cả hoạt động thủ công và trí óc thay thế con người), nhân viên nghiệp vụ chỉ tham gia xác nhận kết quả, thực hiện các hoạt động trao đổi trực tiếp với khách hàng khi cần thiết. 

Bà cũng đưa ra ví dụ về việc cấp thẻ tín dụng, khi phát hành trực tiếp sẽ mất đến 10 ngày, tuy nhiên khi có sự can thiệp của công nghệ trong vận hành thời gian sẽ rút ngắn trong 3 ngày. Ngân hàng sẽ tiết kiệm được 70% thời gian và độ chính xác lên đến 90%.

Ông Đỗ Hữu Hưng - Tổng Giám đốc ACCESSTRADE cho biết, ông rất tin tưởng vào sự phát triển của digital hiện nay sau sự thành công của tập đoàn này với các sàn thương mại điện tử. Ông nói rằng muốn thay đổi quan điểm của người dùng, khi sử dụng các trải nghiệm của ngân hàng đều cảm thấy hứng thú như khi mua sắm online. Khi mở thẻ cũng thấy thú vị như sử dụng các dịch vụ mua sắm online.

Ông Đỗ Hữu Hưng, Tổng giám đốc ACCESSTRADE.

Ông Đinh Văn Chiến - Phó Tổng Giám đốc kiêm giám đốc Khối KHCN, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng đồng tình, sự tiện lợi đang là xu hướng và tâm lý người dùng, đôi khi đợi quá 3 phút cũng ảnh hưởng đến trải nghiệm của những người sử dụng, đặc biệt là thế hệ Gen Z.

"Ngoài ra, trên các trang mạng xã hội cũng là nơi mà ngân hàng đang nỗ lực hướng đến, chen chân trên đó để tiếp cận người dùng một cách nhanh chóng mà gần gũi hơn", ông Chiến chia sẻ.

Ông Chiến kỳ vọng việc số hoá các ngân hàng sẽ tạo ra sự thay đổi lớn trong ngành, bởi trước đây, đặc biệt thời điểm dịch Covid, ngân hàng thực sự khó khăn trong việc tiếp cận các khách khi chưa có chuyển đổi số.