Giáo dục

Sở GD&ĐT Tp.HCM nói về các thiếu sót kỳ thi học sinh giỏi quốc gia

Sở GD&ĐT Tp.HCM đã có văn bản phản hồi đến Bộ GD&ĐT về các thiếu sót của đơn vị vừa bị Thanh tra Bộ chỉ ra khi tổ chức kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia.

Ngày 26/5, tại họp báo về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn Tp.HCM, đại diện Sở GD&ĐT Tp.HCM đã đưa ra phản hồi liên quan đến kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia THPT ở Hội đồng coi thi Tp.HCM.

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng, Sở GD&ĐT Tp.HCM cho biết, kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2021-2022 do Bộ GD&ĐT tổ chức, hội đồng thi được thành lập tại các địa phương để nhằm tạo thuận lợi cho các thí sinh. 

Các cán bộ coi thi chủ yếu được phân công đến từ các địa phương khác, để nhằm đảm bảo tính công bằng và khách quan. Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT là đơn vị triển khai các khâu đăng ký, cấp số báo danh, sắp xếp phòng thi để địa phương gửi dữ liệu, tổ chức thực hiện trên phần mềm của Cục.

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng, Sở GD&ĐT Tp.HCM cung cấp thông tin tại họp báo ngày 26/5.

Nói về các vấn đề chi tiết hơn được nêu trong thông báo của Thanh tra Bộ GD&ĐT, ông Minh cho biết, về vụ việc số thí sinh vượt quy định là do số lượng đội tuyển của một số môn thi của thành phố là do 2 năm liên tiếp môn đó có đến hơn 80% số thí sinh đạt giải, nên có vượt 6 thí sinh. Việc này cũng đã được Cục Quản lý chất lượng cho phép bằng văn bản.

Việc xếp số báo danh không theo thứ tự ABC, đại diện Sở GD&ĐT Tp.HCM thừa nhận, thiếu sót của Sở trong việc này là đã không báo cáo bằng văn bản với lãnh đạo Bộ GD&ĐT.

Thực tế, Hội đồng coi thi học sinh giỏi cấp quốc gia tại Tp.HCM là hội đồng ghép của 3 đơn vị dự thi, bao gồm: Sở GD&ĐT Tp.HCM, Trường Phổ thông Năng khiếu – Đại học Quốc gia Tp.HCM, Trường Trung học Thực hành – Trường Đại học Sư phạm Tp.HCM.

Sở GD&ĐT Tp.HCM chỉ là đơn vị đại diện cho cả 3 đơn vị dự thi, thực hiện việc khai báo phần mềm trên dữ liệu của Cục Quản lý chất lượng.

Trên thực tế, Cục đã cấp 3 mã số báo danh cho cả 3 đơn vị là Sở GD&ĐT Tp.HCM là 58, Trường Phổ thông Năng khiếu là 66 và Trường Trung học Thực hành là 70.

Do mã số của các đơn vị là khác nhau, nên phần mềm sắp xếp theo thứ tự ABC của thí sinh ở mỗi môn thi theo từng đơn vị dự thi.

Sở GD&ĐT Tp.HCM đã sắp xếp thí sinh thi môn tiếng Anh, Tin học theo từng đơn vị dự thi (tức là thí sinh thuộc 3 đơn vị nói trên sẽ thi tại 3 phòng thi khác nhau), giúp quá trình coi thi diễn ra thuận lợi, đảm bảo tiến độ công việc cho hội đồng có nhiều thí sinh thi ngoại ngữ và tin học.

Cụ thể, đối với môn thi tiếng Anh thì tổng số thí sinh dự thi của 3 đơn vị là 26, và phân chia thành 3 phòng thi do tiếng Anh có phần thi viết và nói. Danh sách phòng thi viết và nói phải trùng nhau, phải đảm bảo thời gian thi nói kết thúc cùng lúc với các hội đồng thi trên toàn quốc.

Thời lượng phần thi nói của mỗi thí sinh là 20 phút, không tính đến các sự cố bất thường có thể xảy ra. Nếu phòng thi có số lượng thí sinh quá đông, sẽ không đảm bảo thời gian kết thúc hội đồng coi thi.

Với môn Tin học, giám thị phải thực hiện việc in bài và sao chép bài thi của thí sinh lên đĩa CD. Nếu phòng thi có số lượng 20 thí sinh thì công tác thu bài, in và sao chép bài thi lên đĩa CD sẽ gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ làm việc của cả hội đồng. Vì vậy, hội đồng coi thi đã phân chia thành 2 phòng thi Tin học, mỗi phòng có 10 thí sinh.

Trước đó, ngày 18/5, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có thông báo kết quả kiểm tra công tác coi thi kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2021-2022 tại Hội đồng coi thi Tp.HCM.

Thông báo này cũng đã nêu ra ra các hạn chế, thiếu sót trong công tác coi thi, và kiến nghị UBND Tp.HCM chỉ đạo Sở GD&ĐT Tp.HCM kiểm điểm, làm rõ các trách nhiệm có liên quan đến những thiếu sót này, xử lý theo thẩm quyền với những cán bộ thuộc quyền quản lý theo đúng quy định.