Kinh tế vĩ mô

Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chỉ chiếm 20%

Phụ nữ Việt Nam gần như bình đẳng với nam giới về trình độ học vấn và tham gia lực lượng lao động. Tuy nhiên, số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ còn rất "khiêm tốn".

Ngày 10/4, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Dự án hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức Hội thảo tham vấn về “Sách trắng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ”. Chương trình kết nối các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành nông nghiệp và thực phẩm với các doanh nghiệp đầu chuỗi, thu mua hàng nông sản.

Phát biểu tại hội thảo tham vấn "Sách Trắng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ" do Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức, TS Adam McCarty - chuyên gia quốc tế của ADB về chính sách giới cho biết: Sách Trắng doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ nói về hiện trạng phụ nữ Việt Nam trong kinh doanh với việc sử dụng dữ liệu của Tổng cục Thống kê năm 2021.

Cụ thể Sách Trắng chỉ ra rằng, phụ nữ sở hữu và điều hành doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy mô nhỏ hơn so với nam giới và có xu hướng hoạt động nhiều hơn trong các lĩnh vực sử dụng vốn ít hơn.

Nguyên nhân là bởi, dù có sự công nhận về bình đẳng giới về mặt hiến pháp và ngày càng có nhiều sửa đổi các văn bản pháp luật và quy định để duy trì bình đẳng giới, nhưng các nữ doanh nhân ở Việt Nam vẫn chịu áp lực từ chuẩn mực và kỳ vọng xã hội. Đó là các giá trị truyền thống và gia trưởng làm gia tăng sự phụ thuộc của phụ nữ.

Phụ nữ cũng liên quan đến các giá trị, chuẩn mực xã hội và thiên kiến, nên có ít thời gian hơn để tập trung và phát triển kinh doanh. Nữ chủ doanh nghiệp cũng chịu thiệt thòi hơn so với nam giới vì phải dành thời gian làm các công việc gia đình và chăm sóc con cái, người thân nhiều hơn.

Cũng theo Sách Trắng, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều mục tiêu tốt nhưng thiếu "lăng kính giới tính" và còn tồn tại một số vấn đề trong quá trình thực hiện về tiếp cận tín dụng và các chương trình bảo lãnh tín dụng.

Phụ nữ ngày càng đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Ảnh: Báo Lao Động.

Từ thực trạng trên, Tiến sĩ Adam McCarty khuyến nghị, cần hỗ trợ trực tiếp giúp doanh nhân nữ phát triển kinh doanh, bao gồm chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp chính thức và mở rộng thị trường, chuỗi giá trị.

Đặc biệt, cần tăng cường năng lực và kiến thức kinh doanh của phụ nữ. Cải thiện tiếp cận tài chính của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ bằng cách làm việc với các ngân hàng về các sản phẩm tài chính mới và phổ biến kế hoạch hành động để giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn yêu cầu của ngân hàng.

Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 31/12/2020, Việt Nam có hơn 553.000 doanh nghiệp, trong đó có 536.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong số đó, doanh nghiệp do phụ nữ sở hữu hơn 106.000 doanh nghiệp, tức là chỉ chiếm hơn 20% số doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động tại Việt Nam.

Trúc Chi (theo Công Thương, ANTĐ)