Tiêu dùng & Dư luận

Sở Công Thương TP.HCM nói về điểm nghẽn trong khâu thu mua, phân phối thực phẩm

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến việc vận chuyển hàng hóa khó khăn, lãnh đạo sở Công Thương TP.HCM đã đưa ra giải pháp.

Tối 16/7, TP.HCM tổ chức họp báo thường ngày về tình hình phòng chống dịch Covid-19. Phó Giám đốc sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho rằng, đang có nhiều khó khăn khi ngành công thương phối hợp với ngành giao thông vận tải đáp ứng nhu cầu hàng hóa.

Theo đó, sự phối hợp giữa 2 cơ quan chuyên ngành cũng như từ các địa phương đến Trung ương còn chưa đồng bộ. Các tỉnh thành miền Tây đang có dịch bệnh phức tạp nên một số nơi đã áp dụng Chỉ thị 16.

Về giải pháp cụ thể, ông Phương cho rằng, không chỉ cần giải quyết việc vận chuyển hàng hóa mà còn cần quan tâm tháo gỡ điểm nghẽn cho khâu thu mua và phân phối.

Vì hiện nay, từ giai đoạn sản xuất, thu hoạch, vận chuyển nội tỉnh hay giao thông liên tỉnh đều vướng mắc. Các tỉnh có chủ trương chung nhưng khi thực hiện thì một số đồng chí lại có yêu cầu không phù hợp, quá khắt khe.

Cho nên sở Công Thương TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM và Trung ương, bộ Công Thương có chỉ đạo thống nhất để áp dụng chung, tránh mỗi nơi mỗi kiểu cá biệt.

Phó Giám đốc sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương.

Thứ nhất, hoạt động sản xuất, thu mua, thu hoạch, sơ chế, chế biến đang bị ách tắc tại một số địa phương vì xử phạt không cho tập trung đông người.

Công tác vận chuyển nội tỉnh, trong khu cách ly hay khu phong tỏa cũng cần thống nhất quy định, tránh tối đa khó khăn cho lưu thông hàng hóa. Điều này cũng tương tự với giao thông liên tỉnh.

Thêm nữa, sở Công Thương TP.HCM đề xuất ưu tiên tiêm vaccine cho người trực tiếp người sản xuất và lưu thông hàng hóa. Theo đó, TP.HCM đã có ưu tiên cho đối tượng này nhưng còn chờ địa phương khác để đó là giải pháp lâu dài.

Khi nhiều tỉnh áp dụng Chỉ thị 16, ngành công thương TP.HCM đã rà soát nguồn hàng tại khu vực miền Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và thậm chí miền Bắc để tìm nhà cung ứng hàng hóa đạt yêu cầu.

Trả lời câu hỏi rằng, TP.HCM đang thiếu hàng hóa nào là chủ yếu, lãnh đạo sở Công Thương TP. cho biết là rau củ quả và trứng gia cầm.

“Nguyên nhân cũng dễ hiểu. Nói theo cách bình dân là do gà vịt đẻ không kịp. Trong khi người dân miền Tây không có thói quen dự trữ trứng nên lượng trứng tiêu thụ ở đây rất thấp”, ông Phương chỉ ra.

Khi thực hiện Chỉ thị 16, người tiêu dùng có tâm lý thích mua trứng gia cầm khiến nhu cầu tăng cao, nguồn hàng đứt gãy.

Hiện nay, các nhà cung cấp rất khó thu mua sản phẩm trứng gia cầm dù đã có hợp đồng bao tiêu. Giữa lúc giá thị trường của trứng rất cao thì nếu bán theo hợp đồng thì giá vẫn chênh lệch, thấp hơn vùng nguyên liệu.

Với tình hình TP.HCM khan hiếm trứng gia cầm, các siêu thị nỗ lực kiềm chế giá. Vì đã có hiện tượng thu gom trứng để bán lại trục lợi nên hầu hết siêu thị giới hạn mua 2 vỉ trứng/người/lần.

Về số lượng các điểm bán hàng, ông Phương nói: “Tình hình số lượng các chợ đóng cửa vẫn tăng lên từng ngày. 5 ngày trước là còn 68 chợ hoạt động. Ngày hôm qua (15/7) là còn 48 chợ hoạt động nhưng đến hôm nay thì chỉ còn 46 chợ”.

Trong khi năng lực của hệ thống chợ sẽ đáp ứng khoảng 60 – 70% thị phần tiêu dùng. Dẫn đến áp lực tăng lên ở siêu thị, khiến hình ảnh người dân phải xếp hàng dài để mua đồ ngày càng nhiều.

Trước tình hình này, sở Công Thương TP.HCM đang đẩy công suất tối đa của hệ thống bán hàng. Đồng thời kêu gọi huy động nguồn lực xã hội từ các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm kinh doanh hàng hóa (tất nhiên không phải là lương thực thực phẩm) để cung ứng hàng hóa, tạo điểm bán hàng và nhận được sự tham gia chủ động rất cao.

Các doanh nghiệp logictis như VNPost, ViettelPost đề xuất toàn hệ thống hỗ trợ phục vụ bán hàng. Lãnh đạo sở Công Thương TP.HCM đã hỗ trợ các đơn vị tìm nguồn hàng, không lấy hàng từ hệ thống siêu thị vì cũng đang quá áp lực.

“Họ chưa có kinh nghiệm phân phối hàng lương thực thực phẩm trong thời gian ngắn kết nối. Vì thế ban đầu là bán hàng dễ, đơn giản như gạo, đường, dầu ăn rồi từ từ sẽ mở rộng mặt hàng”, ông Phương nói.

Giải pháp căn cơ đã được sở Công Thương TP.HCM kiến nghị, được lãnh đạo UBND TP.HCM chỉ đạo là tích cực nghiên cứu phương án mở lại chợ truyền thống.

Cụ thể là sẽ ưu tiên bán mặt hàng thiết yếu, đầu tiên là rau - củ - quả. Cùng với đó là lựa chọn tiểu thương có kinh nghiệm, phối hợp cùng chính quyền địa phương quản lý, phát phiếu mua hàng.

Việc bán hàng nên đóng gói sẵn để giảm tiếp xúc giữa người bán với người mua. Mỗi phường xã phấn đấu có ít nhất 1 điểm bán hàng.

TP.HCM đang thiếu khoảng 1.000 tấn hàng hóa mỗi ngày. Nhưng không phải do thiếu nguồn cung mà là hệ thống phân phối chưa đáp ứng nhu cầu.

“Khi các chợ hoạt động trở lại như phương án đề ra, các thương lái quay lại giao hàng thì nguồn hàng sẽ không thiếu, đáp ứng phân phối cho người dân”, ông Phương nhận định.