Giáo dục

Sinh viên mắc Covid-19 tăng, các trường ứng phó thế nào?

Sau khi trở lại học trực tiếp, số lượng sinh viên mắc Covid-19 tăng lên từng ngày. Các trường cũng như sinh viên đang tìm cách thích ứng với tình hình mới.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều trường đại học (ĐH) đã điều chỉnh kế hoạch học tập trung, trong đó có một số trường tạm hoãn lịch học trực tiếp.

Ghi nhận của Tiền Phong, tại trường ĐH Thương Mại, kết quả khảo sát của nhà trường về tình hình mắc Covid-19 trong sinh viên tính đến sáng 24/2 cho thấy, sinh viên năm thứ 2, thứ 3 chưa học trực tiếp tại trường mắc Covid -19 là 920 em. Sinh viên năm thứ nhất sau 3 ngày học tập tại trường (21-23/2) thì có số ca mắc Covid -19 là 129 em.

Nhà trường đã tiến hành khảo sát, lấy ý kiến sinh viên chính quy năm thứ 2, 3 về nhu cầu quay trở lại trường học trực tiếp (dự kiến trước đó là ngày 7/3). Kết quả, 75% sinh viên tham gia khảo sát đồng ý phương án tiếp tục học trực tuyến. Do đó, Ban Giám hiệu Trường ĐH Thương mại quyết định tiếp tục thực hiện kế hoạch giảng dạy trực tiếp đối với các khóa đã đi học từ ngày 21/2. Trường cũng tạm dừng thực hiện kế hoạch dạy học trực tiếp đối với các khóa còn lại từ ngày 7/3; tiếp tục triển khai kế hoạch giảng dạy theo hình thức online đến ngày 21/3.

Tại ĐH Bách khoa Hà Nội, theo lịch trước đó đã được công bố, sinh viên toàn trường sẽ trở lại học trực tiếp vào cuối tháng 2. Tuy nhiên, sau đó nhà trường thông báo lùi lịch học trực tiếp đối với sinh viên năm thứ 1 thêm 4 tuần nữa, ngày 27/3.

Trường ĐH Phenikaa cũng thông báo lùi lịch học trực tiếp từ 7/3 cho đến khi có thông báo mới. Trong thời gian này, sinh viên vẫn học trực tuyến bình thường. Trường ĐH Vinh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng lùi lịch học trực tiếp vì diễn biến của dịch Covid-19 phức tạp.

Bên cạnh việc điều chỉnh kế hoạch dạy học trực tiếp, nhiều trường đại học đã linh hoạt đưa ra các biện pháp ứng phó.

GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng trường ĐH Lâm nghiệp cho biết, nhà trường đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; thành lập khu cách ly điều trị cho học sinh, sinh viên của trường mắc Covid-19 (ở thể nhẹ và không triệu chứng).

Đặc biệt, nhà trường còn thành lập Trạm y tế lưu động và các tổ y tế phòng, chống dịch COVID-19 cộng đồng, kết nối giữa điều trị, chăm sóc, quản lý học sinh, sinh viên mắc COVID-19 tại khu cách ly, phát hiện các trường hợp diễn biến nặng và chuyển tuyến kịp thời.

Đối với sinh viên là F0 đang được theo dõi và điều trị trong khu cách ly, trường ĐH Lâm nghiệp cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu cho 7 ngày; hỗ trợ toàn bộ tiền điện nước sinh hoạt, bình uống nước và gói thuốc A.

Tại trường ĐH Phenikaa, hiện mới chỉ có sinh viên K15 (sinh viên năm đầu) học giáo dục Quốc phòng An ninh trực tiếp. Những sinh viên mắc Covid-19 triệu chứng nhẹ sẽ được nhà trường đón về cách ly tại ký túc xá của trường.

Tương tự, sinh viên đang học giáo dục Quốc phòng An ninh của trường ĐH Kinh tế Quốc dân tại 3 địa điểm (Phú Thọ, Hà Nam, Hà Nội) nếu mắc Covid-19, người nhà có thể đón về hoặc sẽ được trường đưa về cách ly tại ký túc xá. GS.TS Trần Thị Vân Hoa, Phó Hiệu trưởng nhà cho rằng sinh viên cũng như giảng viên đang phải cùng nhau thích ứng với tình hình mới một cách linh hoạt, chủ động.

Ngày 28/2 tới, 100% sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ học trực tiếp. Để đảm bảo an toàn phòng dịch, ĐH này yêu cầu tất cả học sinh, sinh viên phải thực hiện khai báo Y tế. Ngoài ra, học sinh, sinh viên thực hiện quét mã QR khi có mặt tại ký túc xá. Các ký túc xá đã chuẩn bị khoảng 10 phòng dự trữ để phục vụ sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm hoặc cách ly F0 tại phòng theo quy định của cơ quan y tế.

Thông tin từ trường ĐH Hà Nội, bắt đầu từ ngày 01/3/2022, một số sinh viên sẽ quay trở lại trường học trực tiếp. Để các em yên tâm quay lại trường học, nhà trường đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 nhằm đảm bảo môi trường học tập, làm việc an toàn. Theo đó, nhà trường đã ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Covid-19, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị để triển khai đồng bộ các hoạt động đảm bảo an toàn khi sinh viên quay trở lại học trực tiếp, ban hành các thông báo về phòng chống dịch khi đi học trở lại.

Về phương án đối với F0, F1 nhà trường xây dựng các kịch bản xử lý khác nhau, bao gồm khi F0, F1 xuất hiện trong lớp học, tại văn phòng làm việc và ký túc xá, phối hợp với lực lượng y tế địa phương hoặc các bệnh viện đối tác của trường để hỗ trợ F0 khi cần thiết.

Hiện nhà trường đã chuẩn bị đủ cơ số thuốc, hóa chất, khẩu trang, test và các vật dụng cần thiết, đảm bảo việc ứng phó với dịch bệnh hiệu quả. Bố trí cán bộ y tế tại trường thường xuyên trực để cung cấp kịp thời thông tin tư vấn. Thường xuyên vệ sinh môi trường, khử khuẩn các lớp học, tòa nhà, khuôn viên nhà trường. Tại kí túc xá đã bố trí phòng cách ly cho sinh viên F0, F1. Ban quản lý ký túc xá sẽ giúp đỡ các sinh viên cách ly mua sắm thực phẩm, đồ dùng, thuốc men. Đồng thời đảm bảo hệ thống wifi hoạt động tốt để sinh viên học trực tuyến. Để việc học không bị gián đoạn, nhà trường đã chuẩn bị trang thiết bị, đường truyền internet cho gần 200 phòng học, phục vụ các hoạt động giảng dạy kết hợp trực tiếp - trực tuyến.

Sinh viên trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội đo thân nhiệt trước khi vào lớp học. Ảnh: Đại Đoàn Kết.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, PGS. TS Nguyễn Mạnh Tuân, Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội thông tin, trước khi đi học trực tiếp, nhà trường cũng đã thực hiện khảo sát danh sách các sinh viên Hà Nội số lượng các em hiện nay đã tiêm vaccine trên cơ sở đó phối hợp với ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức tiêm phòng đầy đủ cho các em. Nhà trường cũng thông báo số điện thoại đường dây nóng để sinh viên có thể gọi thông báo tình hình sức khỏe, cần hỗ trợ về dịch bệnh… Đồng thời, tại mỗi khu vực giảng đường, nhà trường cũng công khai số điện thoại của cán bộ phụ trách hướng dẫn di chuyển người bị mắc Covid-19 tại trường để đảm bảo an toàn sức khỏe cho những sinh viên, cán bộ khác. Công khai số điện thoại của cán bộ phụ trách chung theo dõi diễn biến tình hình sức khỏe của giảng viên, người học và hỗ trợ người học khi cần 24/24h.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đã nêu việc Bộ Y tế có hướng dẫn mới về công tác phòng dịch tại trường học. Theo đó, không phải lớp học có F0 mà cả lớp thành F1. Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với Sở Y tế cần khẩn trương có hướng dẫn về nội dung này cho các nhà trường. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Bí thư Đảng ủy khối các trường cao đẳng, đại học Hà Nội cho biết, vừa qua, khi số sinh viên là F0 tăng cao, một số trường đã có sự lúng túng.

Chiều 22/2, Đảng ủy khối đã họp với Bí thư, hiệu trưởng các trường với thông điệp: Không cấm sinh viên quay lại trường, mà trường phải chuẩn bị chu đáo; phải đảm bảo: Có khu cách ly, có người chăm sóc với đầy đủ cơ sở vật chất. Việc đưa sinh viên về Hà Nội học ưu tiên sinh viên năm đầu và năm cuối; không đưa sinh viên ồ ạt về rất khó. Các trường phải đưa các sinh viên F0 về chăm sóc khi các chủ nhà trọ không tiếp nhận, không được bỏ sót bất cứ trường hợp nào. Sinh viên là F0 phải được chăm sóc chu đáo.
Chính quyền địa phương cần tuyên truyền để chủ các nhà trọ có sự chia sẻ, không quá lo sợ, cũng không nên quá chủ quan lơ là… Các trường phải thay đổi kế hoạch, bình tĩnh chủ động ứng phó với các tình huống.

Phó chủ tịch UBND thành phố đánh giá cao sự chủ động của Đảng ủy khối các trường cao đẳng, đại học Hà Nội và đề nghị tất cả các trường cần triển khai ngay phần mềm quản lý F0. Khi đó, địa phương và thành phố nắm được để có sự hỗ trợ kịp thời nhất cho sinh viên.

“Các địa phương phải xác định đây cũng là việc của mình, quản lý chặt chẽ, quan tâm hỗ trợ nơi ăn ở của học sinh, sinh viên. Khi có F0 phải hỗ trợ tích cực, tránh việc không cho thuê trọ nữa, gây tâm lý hoang mang. Sở Y tế bố trí vắc-xin tiêm cho sinh viên”, Quân đội nhân dân dẫn lời Phó chủ tịch UBND thành phố.

Minh Hoa (t/h)