Giáo dục

Sinh viên chủ động, sáng tạo để thoát khỏi “đô hộ số”

Sáng ngày 22/9, hàng trăm tân sinh viên của các trường đại học đã có mặt tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám từ rất sớm để tham gia sự kiện “Chào tân sinh viên 2019: Z - Thế hệ làm chủ công nghệ”. Đây là dịp hội ngộ của những học sinh hệ thống Giáo dục Hocmai với các thầy cô đã đồng hành trước kỳ thi THPT Quốc gia.

Tại sự kiện, TS. Nguyễn Thành Nam, Hiệu trưởng đại học trực tuyến FUNiX đã phát biểu khai mạc và mang đến những thông điệp cho các tân sinh viên: “Muốn làm chủ vận mệnh, chúng ta phải tự học trong suốt cuộc đời; đồng thời, phải biết kết nối và hãy thể hiện, không ngại thất bại”.

TS. Nguyễn Thành Nam cùng nhấn mạnh, mỗi thầy cô phải là những ca sĩ, “biểu diễn” làm sao để thu hút học sinh và học sinh tương tác lại, đó mới là thành công.

Năm 2019, chủ đề chào tân sinh viên được mang đến chính là làm chủ công nghệ số. Theo tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cảnh báo, việc tự động hóa, robot và toàn cầu hóa có thể xóa sổ gần một nửa số công việc trong 20 năm tới.

 

Sự kiện thu hút hàng trăm tân sinh viên các trường đại học.

Chính vì vậy, thế hệ Z, nhưng bạn trẻ trong độ tuổi từ 1996-2012 sẽ phải trang bị cho bản thân những kỹ năng, kiến thức công nghệ để gia tăng sự cạnh tranh ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường.

Các thầy cô tại hệ thống Giáo dục Hocmai trao tặng 20 suất học bổng cho 20 tân sinh viên có thành tích đạt tổng điểm các môn xét tuyển từ 27 điểm trở lên trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019.

Anh Đinh Trường Giang (SN 1996, Kỹ sư phần mềm tại Viện Hàng không vũ trụ Viettel) khẳng định: “Những gì thầy cô trong trường đại học trao cho bạn là chưa đủ, không một giáo trình, tài liệu nào cập nhật kịp thời vô vàn những xu hướng phát triển meois bên ngoài kia và môi trường cạnh tranh gay gắt không có chỗ cho những tư duy cũ kỹ”.

Kỹ sư phần mềm Đinh Trường Giang chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm về công nghệ số với hơn 500 tân sinh viên các trường đại học.

Theo Trường Giang, 4 yếu tố giúp các Z-ers trở thành công dân toàn cầu chính là: khả năng ứng dụng công nghệ, khả năng sử dụng nhiều ngôn ngữ, kỹ năng mềm và sự tích lũy kinh nghiệm từ thực tế.

Cung cấp cho các tân sinh viên một bức tranh tổng quát hơn, diễn giả Lê Công Thành, CEO công ty InfoRe Technology cho rằng, Việt Nam có chủ quyền trên bản đồ địa lý và cũng có bờ cõi 4.0 mà thế hệ Z-ers sẽ là những người làm chủ công nghệ để kìm hãm việc bị “đô hộ số” và bảo vệ bờ cõi ấy.

“Chúng ta phải thay đổi mạnh mẽ để thoát khỏi sự xâm lấn từ công nghệ nước ngoài. Ví như mỗi năm, người Việt mất hơn 6.000 tỷ đồng tiền chi quảng cáo trên mạng xã hội nước ngoài như Facebook, vậy tại sao chúng ta không ủng hộ mạng xã hội do chúng ta tạo ra?

Nhiều mạng xã hội, ứng dụng, phần mềm do người Việt thực hiện 100% từ ý tưởng, xây dựng và vận hành đang đẩy lên xu thế “made in Việt Nam”. Vì vậy, thế hệ Z-ers hãy sẵn sàng cho cuộc cách mạng này và chuẩn bị hành trang biến công nghệ trở thành công cụ hiện thực hóa ước mơ”, diễn giả Lê Công Thành phân tích.

Đến với sự kiện, các sinh viên không chỉ là người lắng nghe mà còn được thoải mái chia sẻ những tâm tư, những băn khoăn hay thể hiện quan điểm, suy nghĩ của bản thân trước các vấn đề trong cuộc sống, trong học tập… Thế hệ Z nói chung và tân sinh viên 2019 nói riêng có thể tìm thấy đáp án cho những câu hỏi “cần làm gì để tiếp cận công nghệ?”; “công nghệ có vai trò gì đối với cuộc sống của thế hệ Z, bao gồm cơ hội học tập, cơ hội nghề nghiệp và trở thành công dân toàn cầu?”; “cách thức sử dụng công nghệ giải quyết các vấn đề cá nhân và xã hội?”…

Bạn Nguyễn Linh Chi, tân sinh viên trường đại học Bách khoa Hà Nội bảy tỏ tâm trạng háo hức khi tham gia chào tân sinh viên: “Ngày hội hôm nay thực sự rất ý nghĩa, chúng em được gặp lại các thầy cô, những người đã đồng hành cùng chúng em, mang đến những kiến thức bổ ích nhất để chúng em đỗ vào khoa mà mình mong muốn”.

Cuối buổi giao lưu, các thầy cô của hệ thống Giáo dục Hocmai viết lưu bút và chụp ảnh kỷ niệm cùng các bạn tân sinh viên.

Đến với sự kiện, những tân sinh viên háo hức nhất là màn viết lưu bút của thầy cô.

Thầy cô cũng nở nụ cười hạnh phúc khi nhìn thấy học trò đỗ vào những ngôi trường mơ ước và vẫn luôn nhớ đến thầy cô.

Thầy trò không quên "check-in" để lưu lại những khoảnh khắc thú vị.

Những cô cậu học trò cũ dành nhiều tình cảm cho các thầy cô, xếp hàng chờ đợi cả tiếng đồng hồ.

Những lời chúc may mắn được gửi đến tân sinh viên.