Giáo dục

Sinh viên chống dịch và kỷ niệm bộ đồ kín mít giữa thời tiết 40 độ

Đứng trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19, hàng trăm sinh viên đi theo “mệnh lệnh” của trái tim, lên đường chi viện nơi tâm dịch.

“Thưa mẹ, con đi!”

Đó có lẽ là lời của rất nhiều sinh viên học viện Quân y khi đứng trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại, quyết định đi theo “mệnh lệnh” của trái tim, cùng góp sức chi viện cho tuyến đầu.

Nhớ lại thời điểm trước khi lên đường, Nguyễn Minh Tuấn (học viên năm thứ 5, Bí thư Chi đoàn lớp DH50A, hệ 4, học viện Quân y) chia sẻ: “Ngay khi nhận lệnh đi chống dịch, tôi chưa biết đi đâu, khi nào đi, mà chỉ sục sôi một mong muốn được cống hiến sức trẻ, trí tuệ của bản thân khi nhân dân cần đến. Tôi đã nhắn ngay cho Chỉ huy, xung phong đi lượt đầu. Bắc Giang cũng là quê của bà nội nên tôi càng nóng lòng muốn về giúp quê hương mình với tư cách của một người cháu, người con.

Sinh viên học viện Quân y đi theo "mệnh lệnh" của trái tim.

Nguyễn Minh Tuấn (học viên năm thứ 5, Bí thư Chi đoàn lớp DH50A, hệ 4, học viện Quân y).

Ngay khi nhận lệnh, tôi đã gọi về cho bố mẹ để cả nhà yên tâm, vì con trai bố mẹ vững vàng lắm. Vốn dĩ, tôi học Quân y cũng một phần là do bố tạo động lực, nên bố mẹ cũng rất ủng hộ và động viên tôi cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, không quên chú ý sức khoẻ, đảm bảo an toàn cao nhất”.

Được xông pha vào tâm dịch, Nguyễn Văn Lâm (học viên lớp DH50A, học viện Quân y) cũng hào hứng không kém: “Khoác balo lên đường vào tâm dịch, tôi khá hồi hộp nhưng cũng rất tự hào vì đây là lần đầu tiên trong vai trò một quân nhân cống hiến sức mình cho Tổ quốc.

Bố mẹ tôi ở nhà cũng không khỏi phập phồng lo lắng, một phần vì con mình phải vào tâm dịch, không biết con mình có xảy ra chuyện gì không, bởi lẽ, cho dù được tập huấn, đào tạo bài bản nhưng vào tâm dịch thì cũng không ai nói trước được điều gì. Mỗi tối, tôi đều gọi điện về nhà, cập nhật tình hình cho bố mẹ yên tâm”.

Sinh viên Nguyễn Văn Lâm trong giờ giải lao với bộ quần áo còn ướt sũng mồ hôi.

Khi lên đường chi viện Bắc Giang, cũng là lúc mùa thi cuối học kỳ đã điểm, có người mới kịp thi một môn, đã vội gấp sách vở để xông pha vào “điểm nóng”. Cũng như một số người bạn, hành trang của Lâm mang theo cả sách vở, tranh thủ những lúc hết ca, cậu lại mở sách ra ôn tập, bởi, khi “cuộc chiến” ở đây kết thúc, cậu và các bạn trở về trường, sẽ lại đương đầu với một “cuộc chiến” mang tên thi cử.

Trước mắt, mỗi “chiến binh” đều dồn tâm sức chống dịch và tranh thủ thời gian rảnh rỗi, rèn luyện sức khỏe để chiếm ưu thế trong “cuộc chiến” không tiếng súng này.

Tranh thủ giờ nghỉ, rèn luyện thể lực để "không cho phép mình gục ngã".

Nhiệm vụ luôn “nóng sốt”

Đặt chân đến Bắc Giang là khi màn đêm đã bao trùm tĩnh mịch, những “chiến binh” trẻ chỉ kịp nghỉ ngơi vài tiếng đồng hồ, là sáng hôm sau đã bước vào thực hiện nhiệm vụ.

Sinh viên Nguyễn Minh Anh (lớp DH50A, hệ 4, học viện Quân y), người xung phong đi vào tâm dịch ngay từ đợt đầu tiên, dù chưa hoàn toàn bình phục sau khi tháo bột khớp cổ chân, cho biết: “Tôi đã chọn ngành y vì muốn thực hiện ước mơ từ bé: Có thể sau này, mình không phải bác sĩ giỏi nhưng nhất định phải là một bác sĩ tốt. Vậy nên, tôi vào tâm dịch vì niềm mong mỏi được cống hiến của mình.

Xung phong vào tâm dịch để thực hiện ước mơ: Có thể sau này, mình không phải bác sĩ giỏi nhưng nhất định phải là một bác sĩ tốt.

Có những lúc hoa mắt, chóng mặt, cơ thể mỏi nhoài trong bộ đồ bảo hộ, nhưng vẫn phải tự động viên bản thân không được gục ngã.

Điều khó khăn đối với tất cả chúng tôi đến ngay từ buổi sáng đầu tiên, khi bước vào nhiệm vụ và khoác lên mình bộ đồ bảo hộ kín mít. Nhìn hình ảnh những anh chị, bạn bè kiệt sức, tôi xót lắm, đó là một phần khiến chúng ta nhận ra, cuộc chiến này khốc liệt đến thế nào”.

Ngồi bên cạnh, Nguyễn Minh Tuấn cũng nói thêm: “Trong thời tiết mùa hè gần 40 độ ngoài trời và phải mặc bộ đồ bảo hộ kín mít, có thể nói điều kiện làm việc rất khắc nghiệt, nóng nực và bí mồ hôi, khiến nhiều anh chị và các bạn say nóng thậm chí ngất xỉu. Tuy nhiên, không thể vì thế mà nản lòng, chúng tôi tự động viên tinh thần nhau, mong giữ vững ý chí, vượt qua khó khăn để tiếp tục chiến đấu và chiến thắng đại dịch.

Sau nhiều tiếng đeo găng tay liên tục.

Tôi nhớ, có một buổi thời tiết rất oi bực, mồ hôi vã ra ướt hết áo và mặt trong găng tay, 2 lớp kính của tôi mờ tịt vì hơi nước bốc lên. Lúc đó, tôi có viết mã số nhầm 2 trường hợp, nhưng ngay lập tức phát hiện sai sót để khắc phục. Từ hôm đó, bản thân tôi đã luôn tự nhủ phải gắng hết sức để vượt qua, không được phép đầu hàng hay gục ngã”.

Nhiệm vụ mà những “chiến binh” của tuổi trẻ đang đảm trách, không chỉ luôn “nóng sốt” theo nghĩa bóng, tức là luôn đòi hỏi sự nhanh chóng, khẩn trương và chính xác; mà còn “nóng sốt” theo chính nghĩa đen, khi nói về nhiệt độ cơ thể khoác lên những bộ trang phục bảo hộ kia.

Hương vị ngọt ngào giữa tâm dịch

Ngay giữa nơi được gọi là tâm dịch, có những hương vị ngọt ngào dành cho chính đội ngũ y, bác sĩ và những “chiến binh” quả cảm hướng về đây. Đó cũng chính là nguồn động lực, tiếp thêm sức mạnh mỗi khi mệt mỏi chực chờ.

Cậu sinh viên Nguyễn Minh Anh không ngừng tấm tắc: “Đối với tôi, cảm động nhất chính là tình người nơi đây. Bà con địa phương cũng như các tổ chức cá nhân đã quan tâm rất nhiều đến những người làm công tác phòng chống dịch tuyến đầu như chúng tôi. Nào là trứng, nào là thịt, nào rau củ quả,... cho bữa ăn thêm phong phú, nào là những chai nước mát ngay khi chúng tôi vừa hoàn thành ca lấy mẫu...”.

Những chiếc túi đựng tình yêu thương của người dân.

Những tình cảm ấy xúc động đến nỗi, cậu sinh viên Phạm Quang Lâm (lớp DH50B, hệ 4, học viện Quân y) còn phải ghi vội vào nhật ký mấy dòng: “Quả vải, nụ cười, giọt mồ hôi và Bắc Giang quyết thắng!... Nói về trải nghiệm ngành y và giúp người thì nhiều lắm, nhưng mà trải nghiệm đi đến tâm dịch, rồi cùng mọi người cố gắng, được toàn thể nhân dân yêu quý như thế này, thì đây là lần đầu tiên. Với tôi, tất cả những trải nghiệm chống dịch ở đây là một câu chuyện cảm động!

Tình cảm của người dân khiến chúng tôi có cảm giác như đang được đùm bọc, che chở trong vòng tay người dân, hơn là chúng tôi là những “chiến binh” trẻ xông pha ở tuyến đầu chống dịch, như ban đầu tưởng tượng”.

Tình cảm của người dân là động lực cho những "siêu nhân" kín mít kia tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ.

Với những chàng sinh viên trẻ, một nụ cười lạc quan, một ánh mắt hạnh phúc cũng gây ấn tượng mạnh mẽ. Minh Tuấn không giấu nổi niềm vui khi nhắc đến: “Sự kiện khiến tôi nhớ mãi, đó là lời cảm ơn của một chú Chủ tịch xã gửi đến chúng tôi, chú khen ngợi tinh thần và tác phong làm việc của cả đoàn, đồng thời, cảm ơn cả đoàn đã đến hỗ trợ khi nhân dân Bắc Giang. Đó vừa là sự tự hào khi bản thân chúng tôi đã phát huy tốt tinh thần bộ đội cụ Hồ, thể hiện được trí, dũng, tác phong của một thành viên tại học viên Quân y.

Là một thành viên trong tổ đầu tiên của đoàn công tác chi viện cho Bắc Giang, tôi thấy đây là vinh dự của bản thân khi được các cấp chỉ huy tin tưởng giao nhiệm vụ. Bên cạnh đó, đây là cơ hội được đóng góp sức trẻ, sức khoẻ và trí tuệ của bản thân vào cuộc chiến chung của quân - dân cả nước trước đại dịch”.

Đồng lòng, quyết tâm chiến thắng dịch Covid-19.

Thấy vậy, Minh Anh cũng bày tỏ: “Được góp chút sức trong cuộc chiến này, chúng tôi vui lắm, tự hào lắm! Hy vọng ngày mai và những ngày sau, số ca dương tính sẽ giảm dần xuống và chúng ta sẽ chiến thắng cuộc chiến này để mọi người được trở về với cuộc sống bình thường”.

Cẩm Mịch

(Ảnh: NVCC).