Chính sách

Sinh con được nhận tiền, tôn vinh "Ngày Thụ Thai" và loạt "chiêu" khuyến khích sinh đẻ trên thế giới

Để khuyến khích người dân kết hôn và sinh đẻ, rất nhiều quốc gia áp dụng những biện pháp hết sức đặc biệt như dành hẳn ngày 12/9 hằng năm làm Ngày Thụ thai, giảm giá dịch vụ thụ tinh nhân tạo, thưởng tiền nếu sinh con...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 588 phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030" trong đó khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi, sớm sinh con.

Nội dung Nghị định khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con: mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở; ưu tiên vào các trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em; xây dựng mô hình quản lý, phát triển kinh tế gia đình; từng bước thí điểm các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với những trường hợp cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn.

Nhìn ra thế giới, rất nhiều quốc gia cũng chi hàng chục tỷ USD cho việc khuyến khích kết hôn sớm và sinh nhiều con.

Nhật Bản: Được thưởng hơn 80 triệu đồng nếu sinh con thứ 5

Thị trấn Nagi, cách thành phố Hiroshima (Nhật Bản) khoảng 110 dặm đã áp dụng một chính sách hỗ trợ các cặp vợ chồng khi sinh con. Số tiền hỗ trợ sẽ lớn dần theo số con mà họ sinh ra.

Từ những năm 1990, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra các chính sách để tăng tỷ lệ sinh.

Theo đó, các gia đình sẽ nhận được 100.000 yen (khoảng gần 21 triệu đồng) cho đứa con thứ nhất của họ, 150.000 yen (gần 31 triệu đồng) cho đứa con thứ hai và 400.000 yen (khoảng 82,5 triệu đồng) cho đứa con thứ năm chào đời.

Theo Bộ Y tế và Lao động Nhật Bản, sự suy giảm dân số của đất nước này bắt đầu từ những năm 1970. Cho đến năm 2017, có ít hơn 950.000 em bé ra đời trong khi số người chết sau chiến tranh tăng lên 1,3 triệu người. Tổng dân số cả nước là 127 triệu nhưng trẻ em chỉ chiếm khoảng 12,3%, theo Vietnamnet.

Đối phó với thực trạng này, từ những năm 1990, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra các chính sách để tăng tỷ lệ sinh. Trong đó phải kể đến những nỗ lực của chính quyền và người dân thị trấn Nagi.

Tại đây, hầu hết các gia đình có ba con hoặc nhiều hơn. Điều này khiến dân số thị trấn trái ngược hoàn toàn với các khu vực khác trên toàn quốc.

Tổng số dân của Nhật Bản hiện là 127 triệu người, trong đó trẻ em chỉ chiếm 12,3%, thấp hơn so với tỷ lệ trẻ em ở Mỹ (18,9%), Trung Quốc (16,8%) và Ấn Độ (30,8%). Giới chức Nhật Bản dự đoán, đến năm 2065, dân số của nước này dự kiến sẽ giảm xuống chỉ còn 88 triệu người.

Hàn Quốc: Chi 90 tỷ USD trong 11 năm để khuyến khích sinh đẻ

Hàn Quốc hiện là một trong những quốc gia có tốc độ lão hóa dân số nhanh nhất thế giới. 

Mới đây, Cục thống kê Hàn Quốc đã đưa ra dự báo rằng dân số Hàn Quốc sẽ tiếp tục giảm sau năm 2028. Mặc dù là nước có nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới vào năm 2019 nhưng chỉ có tỷ suất sinh sản 0,98.

Cuộc sống khắc nghiệt khiến phụ nữ Hàn Quốc không muốn sinh con.

Một giáo sư của Đại học Oxford đã tuyên bố rằng có khả năng trong thời gian sắp tới Hàn Quốc sẽ là quốc gia biến mất khỏi trái đất do sự suy giảm dân số trầm trọng.

Trước tình hình này, ở thành phố lớn như Seoul, chính phủ đã xây dựng nhiều không gian cho trẻ em và tạo mọi điều kiện để các gia đình đến vui chơi, tạo ra bầu không khí hạnh phúc vui vẻ, thậm chí còn hỗ trợ rất nhiều chi phí cho những gia đình có con.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã thành lập một uỷ ban vào tháng 12/2017 để giải quyết tình trạng tỷ lệ sinh thấp của nước này, có tên là Uỷ ban về Chính sách Dân số và Xã hội của Tổng thống.

Chỉ tính riêng khoảng thời gian từ năm 2006 đến năm 2017, Chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư tổng cộng hơn 100.000 tỷ Won (gần 90 tỷ USD) vào các chương trình khuyến khích kết hôn sớm và sinh nhiều con.

Nga: Dành hẳn một “Ngày Thụ thai”

Ở Nga tại vùng Ulyanovsk, người ta có riêng 1 ngày gọi là ngày thụ thai (12/9 hằng năm). Vào ngày này, người dân sẽ được nghỉ ngơi ở nhà để thực hiện việc duy trì nòi giống. Đây là sáng kiến độc đáo của ông Sergei Morozov, tỉnh trưởng tỉnh Ulyanovsk - quê hương của lãnh tụ Vladimir Putin. Ông Morozov đề ra ngày này với hi vọng có thể cải thiện tình trạng dân số đang giảm đáng kể trong vùng.

Theo đó, nếu sau khoảng 9 tháng, bất cứ cư dân Ulyanovsk nào sinh con đúng vào ngày Quốc khánh Nga 12/6/2008, sẽ được thưởng ô tô, tủ lạnh, xe hơi, tiền mặt và nhiều giải thưởng khác.

Singapore: Giảm giá dịch vụ thụ tinh trong ống nghiệm

Statista (trang web chuyên về thống kê và tổng hợp thông tin) đưa tin Singapore là một trong những quốc gia có mức sinh thấp nhất thế giới.

Theo Straits Times, chính phủ Singapore đã chi khoảng 1,3 tỷ USD/năm cho chiến dịch tăng tổng tỷ suất sinh (TFR) thông qua các chính sách giảm giờ làm, tăng thời gian nghỉ thai sản…

Chính phủ Singapore giảm chi phí thụ tinh trong ống nghiệm để tăng dân số

Theo thông tin, việc giảm chi phí thụ tinh trong ống nghiệm đã được Chính phủ Singapore công bố thực hiện vào tháng 8/2019.

Josephine Teo, Bộ trưởng Bộ Nhân lực Singapore, cho rằng động thái này nhằm mục đích tăng tỷ lệ sinh sản ở xã hội lão hóa nhanh thứ hai thế giới này, chỉ sau Hàn Quốc.

Số tiền trợ cấp được dự báo sẽ tiết kiệm khoảng 75% chi phí điều trị thụ tinh trong ống nghiệm cho các cặp vợ chồng Singapore, con số có thể lên đến 5.600 USD.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng công bố sẽ loại bỏ việc giới hạn độ tuổi thực hiện phẫu thuật thụ tinh trong ống nghiệm, hiện là 45 tuổi và 10 chu kỳ điều trị cho mỗi phụ nữ.

Theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân số Việt Nam là 96,2 triệu. Sau 10 năm, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10 triệu, tỷ lệ tăng giảm nhẹ so với giai đoạn trước.

Một trong những thách thức của công tác dân số hiện nay là ở một số vùng đô thị, kinh tế - xã hội phát triển, mức sinh xuống thấp xa so với mức sinh thay thế. Thấp nhất là Đồng Tháp, bình quân mỗi phụ nữ sinh 1,34 con, kế đó là TP HCM 1,36 con, Bà Rịa - Vũng Tàu 1,37 con, Hậu Giang 1,53 con.

Một số vùng chưa đạt mức sinh thay thế là trung du miền núi phía Bắc; Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; Tây Nguyên; đồng bằng sông Hồng.

Lê Lan (Tổng hợp)