Công nghệ

Singapore ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào điều trị bệnh Covid-19

Các nhà nghiên cứu ở Singapore hy vọng AI có thể giúp phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả hơn.

Theo Vietnamplus, các nhà nghiên cứu ở Singapore hy vọng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả hơn, sau khi một nghiên cứu gần đây cho thấy công nghệ này có thể giúp đưa ra phương án điều trị tối ưu.

Các nhà nghiên cứu tại Trường Y dược Yong Loo Lin thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đã sử dụng nền tảng AI có tên IDentif.AI và phát hiện rằng các loại thuốc kháng virus như Paxlovid hoặc Molnupiravir nếu kết hợp với thuốc YH-53 ức chế protease (loại enzyme phá hủy protein) có hiệu quả chống biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 trong môi trường phòng thí nghiệm. IDentif.AI cũng có thể đưa ra liều lượng thuốc để đạt kết quả điều trị cao nhất.

Thuốc kháng virus Paxlovid và Molnupiravir đang được sử dụng rộng rãi trong điều trị bệnh Covid-19. Paxlovid có hiệu quả khoảng 90% ngăn ngừa nguy cơ nhập viện hoặc chuyển biến nặng do Covid-19 nếu được sử dụng trong vòng 5 ngày kể từ khi xuất hiện các triệu chứng, trong khi Molnupiravir có hiệu quả khoảng 30%.

Nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu khả năng kết hợp các loại thuốc để giảm nguy cơ tái nhiễm. Theo đó, họ đã sử dụng IDentif.AI và nghiên cứu các cách kết hợp thuốc và liều lượng chính xác nhất để tối ưu hóa tác dụng của cả thuốc Molnupiravir và thuốc Paxlovid chống biến thể Omicron.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm trong phòng thí nghiệm kết hợp từng loại thuốc này với thuốc ức chế protease YH-53 của Nhật Bản. Kết quả cho thấy việc kết hợp có hiệu quả chống lại virus SARS-CoV-2. Dự kiến, các nhà nghiên cứu sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng để đánh giá thêm về những phương án điều trị kết hợp này.

Các nghiên cứu cũng cho thấy cả Paxlovid và Molnupiravir khi kết hợp với YH-53 liều lượng thích hợp có hiệu quả hơn trong điều trị Omicron.

Theo Sức khỏe & Đời sống, trong đại dịch Covid-19, các ứng dụng AI đã bao quát rất nhiều vấn đề từ giúp đỡ các bác sĩ ra những quyết định điều trị, cho đến việc thông báo phân bổ nguồn lực. Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y khoa Đại học Virginia đã làm việc với một phần mềm để giúp các bác sĩ phát hiện chứng suy hô hấp nhằm kịp thời đặt nội khí quản cho bệnh nhân.

GS.DS. RandallMoorman của Đại học Virginia, Mỹ cho biết, không ai lường trước một đại dịch như thế này, song nó đã xảy ra. Với phần mềm AI, chúng tôi đã yên tâm làm việc trong suốt một thời gian dài. Phần mềm đó được gọi là CoMET, nó chiếu một hình dạng sao chổi lên màn hình LCD của bệnh nhân và nó sẽ thay đổi về kích thước và màu sắc khi nguy cơ bệnh của bệnh nhân tăng lên, cung cấp cho những người chăm sóc một cảnh báo hình ảnh đáng tin cậy.

Đào Vũ (T/h)