Thế giới

Singapore cảnh báo về làn sóng Covid-19 tiếp theo

Giới chức y tế của đảo quốc sư tử cho rằng làn sóng mới sẽ được thúc đẩy bởi các biến thể phụ BA.4 và BA.5 của virus gây bệnh Covid-19.

Làn sóng tiếp theo của các ca nhiễm Covid-19 ở Singapore có thể xuất hiện khi kháng thể mà người dân có được thông qua tiêm chủng và nhiễm bệnh, với làn sóng Omicron gần nhất, bắt đầu suy yếu, dẫn đến sự gia tăng các ca bệnh vào tháng 7 hoặc tháng 8 tới.

Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore Ong Ye Kung cho biết hôm 5/6 rằng, dựa trên những gì đang xảy ra ở các khu vực khác trên thế giới như Mỹ và châu Âu, làn sóng mới sẽ được thúc đẩy bởi các biến thể phụ BA.4 và BA.5 của virus gây bệnh Covid-19.

"Không cần nhìn vào bất kỳ mô hình phức tạp nào, mà chỉ cần căn cứ vào thực tế là một khi một làn sóng giảm xuống, 4-6 tháng sau, một làn sóng khác sẽ dâng lên", ông Ong cho biết.

"Sẽ không có gì xảy ra cho đến nhiều tháng sau, khi kháng thể của chúng ta bắt đầu suy yếu, khi đó các vị có thể thấy các biến thể phụ BA.4 và BA.5 xuất hiện vào tháng 7 hoặc tháng 8... đó là ước tính của chúng tôi".

Hai biến thể phụ lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi vào đầu năm nay và hiện đang thúc đẩy sự gia tăng mới về số lượng ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới.

Ba trường hợp đầu tiên nhiễm các biến thể phụ này được phát hiện ở Singapore vào giữa tháng 5, nhưng các chuyên gia cho rằng không có lý do gì để phải rung chuông cảnh báo thái quá.

Bộ Y tế Singapore trước đó cho biết, hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 chứa các đột biến trong protein gai có vẻ như giúp chúng giỏi né tránh miễn dịch hơn và có khả năng lây truyền cao hơn so với các biến thể phụ BA.1 và BA.2.

9 trong số 10 người trưởng thành Singapore vẫn đeo khẩu trang ở ngoài trời, mặc dù đây không còn là yêu cầu bắt buộc khi các quy định về phòng chống Covid-19 đã được nới lỏng, theo một cuộc khảo sát được công bố hồi cuối tháng 5/2022 do dịch vụ nghiên cứu trực tuyến Omnibus của YouGov (Anh) thực hiện. Ảnh: Yahoo!News

Hôm 5/6, Bộ trưởng Ong lưu ý rằng mặc dù đã ghi nhận một số trường hợp nhiễm BA.4 và BA.5 ở đây, chúng vẫn chưa đủ mạnh để vượt qua BA.1 hoặc BA.2.

"Quan trọng nhất, không phải là số trường hợp, mà là có bao nhiêu người rơi vào tình trạng bệnh nặng", ông nói.

"Tôi tin rằng với khả năng phục hồi mạnh mẽ của mình, chúng ta có thể vượt qua làn sóng dịch bệnh do BA.4 và BA.5 mang lại".

Sẵn sàng cho làn sóng dịch bệnh tiếp theo

Tại hội thảo về kế hoạch công tác thường niên của Bộ Y tế Singapore hôm 2/6, ông Ong đã kêu gọi tất cả các cơ sở y tế, từ viện dưỡng lão đến bệnh viện cộng đồng, sẵn sàng ứng phó với Covid-19 và chuẩn bị để chăm sóc bệnh nhân từ làn sóng tiếp theo mà loại virus nguy hiểm này mang lại.

Ông cho biết, mặc dù tỉ lệ tiêm chủng cao và việc đeo khẩu trang vẫn được áp dụng rộng rãi, Singapore cần tăng cường khả năng phòng thủ bằng cách cung cấp nhiều giường bệnh hơn, trong trường hợp áp lực lại tăng lên.

Các nỗ lực đang được tiến hành, với việc các bệnh viện triển khai dịch vụ chăm sóc tại nhà để giải phóng giường bệnh.

Các cơ sở điều trị cộng đồng cũng đã được thiết kế lại để tiếp nhận các bệnh nhân không yêu cầu chăm sóc tích cực mà chỉ có bệnh viện mới cung cấp được, bất kể bệnh của họ là gì.

Những cơ sở như vậy lần đầu tiên được triển khai vào năm ngoái để tiếp nhận những bệnh nhân Covid-19 cao tuổi, những người cần được theo dõi chặt chẽ hơn nhưng trong tình trạng y tế ổn định.

Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore Ong Ye Kung phát biểu trong một cuộc họp báo, ngày 16/5/2021. Ảnh: CNA

Bên cạnh việc giải phóng giường bệnh, những người cao niên đủ điều kiện - từ 60 tuổi trở lên - chưa tiêm mũi tăng cường cũng sẽ phải được thuyết phục để tiêm mũi thứ 3, vì họ là nhóm dễ bị tổn thương nhất, Bộ trưởng Ong lưu ý.

Theo cập nhật hàng ngày của Bộ Y tế Singapore, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên đảo quốc sư tử đã giảm xuống còn 2.256 ca hôm 5/6, giảm so với 2.879 ca vào ngày hôm trước. Số ca nhập viện là 290 ca, với 29 ca cần thở oxy và 8 người hiện đang nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt. Singapore ghi nhận một ca tử vong hôm 5/6.

Minh Đức (Theo Straits Times)