Tài chính - Ngân hàng

Silicon Valley Bank sụp đổ báo hiệu kỷ nguyên vốn rẻ đã qua?

Hậu quả của việc chính phủ không đảm bảo tiền gửi tại Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) là rất lớn và khó lường, các nhà đầu tư lớn của Mỹ cho biết.

Các vết nứt đang xuất hiện trong hệ thống tài chính toàn cầu, với việc một số nhà đầu tư lo ngại sự sụp đổ gây sốc của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) có thể báo hiệu với thị trường thế giới rằng kỷ nguyên vốn rẻ kéo dài hàng thập kỷ đang kết thúc.

Trong năm qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã khởi động chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ nhất kể từ đầu những năm 1980, và các ngân hàng trung ương khác cũng đang tham gia cuộc đua tăng lãi suất này, khiến các nhà đầu tư toàn cầu phải đối mặt với hàng loạt hậu quả.

Họ đã chứng kiến đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ kéo dài nhất kể từ bong bóng dotcom vào đầu thiên niên kỷ, sự sụp đổ trong ngành công nghiệp tiền điện tử, sự đổ xô rút lui khỏi các quỹ bất động sản ở Mỹ và Anh, và sự can thiệp của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) để ngăn chặn nguy cơ sụp đổ nhãn tiền của quỹ hưu trí Anh.

Sau vụ đổ vỡ ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử nền tài chính Mỹ hôm 10/3, những người tham gia thị trường lo ngại sẽ có nhiều gián đoạn hơn ở phía trước, khi lãi suất leo thang cắt đứt khả năng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ và phơi bày các “diểm yếu hại” trong nền kinh tế.

Bài toán khó cho Fed

Các nhà đầu tư lớn bao gồm Kyle Bass và Bill Ackman cho rằng chính phủ Mỹ phải hành động nhanh chóng để tránh việc SVB sụp đổ sẽ gây ra tình trạng rút tiền trên diện rộng hơn trong hệ thống ngân hàng.

Cho đến nay, phần lớn các nhà đầu tư và các tổ chức đã đặt cược rủi ro đều cảm nhận được nỗi đau. Vẫn còn phải xem liệu “nỗi đau” có lan sang các đối tượng khác và một cuộc khủng hoảng mới có xuất hiện hay không. Điều đó có thể được xác định bởi mức độ khó khăn mà các ngân hàng trung ương trên thế giới phải đối mặt trong việc đẩy lãi suất lên cao hơn.

Người dân đi bộ qua bãi đậu xe tại trụ sở Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) ở Santa Clara, California, ngày 10/3/2023. Ảnh: Getty Images

“Khi các vị tích cực thực hiện chiến dịch nâng lãi suất sau khi đã tạo ra quá nhiều lạm phát, các vị sẽ phá vỡ cái gì đó”, ông Kyle Bass, người sáng lập và giám đốc đầu tư của Hayman Capital Management, cho biết. “Và những gì họ (Fed) sẽ học được là tốc độ tăng lãi suất của họ cũng liều lĩnh như tốc độ in tiền của họ”.

Đề cập đến mỗi quan hệ giữa vụ sụp đổ của SVB và vấn đề lãi suất, các chiến lược gia của ING nhận xét: “Những gì thị trường chứng khoán làm ở đây không liên quan. Họ có thể chịu áp lực, nhưng điều thực sự quan trọng cần giám sát là hệ thống tài chính. Nói một cách đơn giản, nếu hệ thống đó bị đe dọa, thì Fed hoàn toàn không thể tăng lãi suất”.

Theo chuyên gia của ING, từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và đại dịch, có thể thấy Fed chỉ quan tâm đến việc hệ thống đang bị đe dọa. Và để đảm bảo an toàn cho hệ thống, họ đã cắt giảm lãi suất và nới lỏng chính sách tiền tệ một cách đáng kể.

“Với trường hợp của SVB, chúng ta chưa đạt tới điểm đó, và rất có thể chúng ta sẽ không đạt tới điểm đó. Nhưng nếu dữ liệu lạm phát vẫn không giảm xuống một cách đáng kể, nó sẽ gây áp lực buộc Fed phải đưa ra một lựa chọn khó khăn”, các chiến lược gia cho biết.

Chủ tịch Fed Jerome Powell gần đây đã tái khẳng định thông điệp của ông về việc tăng lãi suất cao hơn, nhưng nhấn mạnh rằng cuộc tranh luận vẫn đang diễn ra, tùy thuộc vào dữ liệu sắp tới. Các quan chức Mỹ cũng lập luận rằng hệ thống ngân hàng rất mạnh.

Mặc dù vậy, những dấu hiệu bất ổn của thị trường đã tăng lên trong những ngày gần đây: S&P 500 đã giảm 4,6% trong tuần này, gần như xóa sạch mức tăng của chỉ số này trong năm, trong khi chỉ số VIX (Cboe Volatility Index), được gọi là thước đo mức độ sợ hãi của Phố Wall, tăng lên mức cao nhất trong 3 tháng.

Lợi tức trái phiếu Kho bạc 2 năm chứng kiến sự sụt giảm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Điều đó cho thấy khả năng các nhà đầu tư sẽ nhanh chóng tìm nơi neo đậu an toàn, cũng như đặt cược rằng suy thoái kinh tế có thể buộc Fed phải giảm bớt hoặc đảo ngược việc họ đang mạnh tay siết chặt chính sách.

Người dân đi ngang qua Sở giao dịch chứng khoán New York, tại Khu tài chính Lower Manhattan, New York, ngày 7/3/2023. Ảnh: Getty Images

Chính quyền Mỹ cho biết họ nhận thấy một vài dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng tài chính kiểu năm 2008, trong đó sự sụp đổ của một số tổ chức đe dọa sẽ hạ bệ những tổ chức khác theo sau chúng. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Nhà Trắng đều lưu ý rằng hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn kiên cường hơn so với thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008.

Thị trường đang báo hiệu sự lây lan có thể ảnh hưởng đến tính toán của Fed, có thể khiến cơ quan này giảm tốc độ tăng lãi suất. Các nhà đầu tư hôm 12/3 đánh cược 38% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào cuối tháng này, giảm so với 68,3% vào ngày hôm trước.

“Fed thường siết chặt chính sách cho đến khi có điều gì đó xảy ra”, ông Jack McIntyre, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Brandywine Global, cho biết.

Hậu quả không thể lường trước

Cơ quan quản lý hôm 10/3 đã đóng cửa SVB, có trụ sở tại California, sau khi ngân hàng này, có tài sản trị giá 209 tỷ USD vào cuối năm 2022, chứng kiến một đợt rút tiền ồ ạt, với những người gửi tiền rút tới 42 tỷ USD chỉ trong một ngày, khiến ngân hàng ở Thung lũng Silicon mất thanh khoản.

Tình cảnh của SVB khiến các nhà đầu tư hoảng sợ, gấp rút xem xét lại mọi khoản tiền gửi, và nhanh chóng rút hết khỏi những nơi họ cảm thấy rủi ro. Chỉ số KBW Bank – chỉ số theo dõi các ngân hàng và quỹ tiết kiệm hàng đầu được giao dịch công khai ở Mỹ – đã giảm hơn 10% trong 2 ngày qua, mức giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020.

Một số ngân hàng vội trấn an khách hàng. First Republic Bank và Western Alliance (Mỹ) đã đưa ra các tuyên bố cho biết thanh khoản và tiền gửi của họ vẫn mạnh, ngay cả khi cổ phiếu của cả 2 công ty giảm hơn 14% hôm 10/3 – ngày mà SVB bị Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) tiếp quản. Trong khi đó, ngân hàng Commerzbank của Đức nói rằng họ không nhận thấy “rủi ro tương ứng” nào đối với chính mình vào ngày mà cổ phiếu của họ giảm 2,6%.

“Rủi ro lây lan bắt nguồn từ sự sụp đổ của SVB đã khiến các nhà đầu tư bán tháo cố phiếu trước, rồi mọi thứ khác sẽ tính sau”, ông Adam Turnquist, giám đốc chiến lược kỹ thuật của LPL Financial, cho biết.

Biển hiệu FDIC được dán trên cửa sổ tại chi nhánh Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) ở Wellesley, Massachusetts, ngày 11/3/2023. Trên đó viết trần bảo hiểm tiền gửi liên bang là 250.000 USD. Ảnh: AP/Times of Israel

Sự sụp đổ của SVB cũng ảnh hưởng đến một số công ty có mối làm ăn với ngân hàng này. Mới nhất, Stablecoin USD Coin (USDC) đã mất giao dịch đồng USD và giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại sau khi Circle, công ty Mỹ đứng sau đồng tiền này, tiết lộ rằng một phần dự trữ hỗ trợ nó được giữ tại SVB.

Sự đổ vỡ của SVB có thể sẽ làm tăng áp lực buộc các công ty phải có lãi, chấm dứt kỷ nguyên mà các nhà đầu tư sẵn sàng chịu thua lỗ trong nhiều năm để mở rộng thị phần.

Các nhà đầu tư lớn ở Mỹ là Kyle Bass và Bill Ackman đã cảnh báo rằng chính phủ Mỹ cần phải hành động nhanh chóng trong việc giải quyết vụ việc của SVB để đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền.

“Hậu quả của việc chính phủ không đảm bảo tiền gửi tại SVB là rất lớn và không thể lường trước được, và những điều này cần được xem xét và giải quyết trước ngày 13/3”, ông Ackman viết trên Twitter hôm 11/3.

“Nếu họ không làm điều đó vào ngày mai, chúng tôi sẽ gặp vấn đề mang tính hệ thống”, ông Bass nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn hôm 12/3.

Minh Đức (Theo Reuters, Bloomberg)