Tiêu dùng & Dư luận

Siêu thị Big C dừng nhập hàng may mặc Việt: Chuyên gia bày cách để giành lại lợi thế sân nhà

Trước quyết định tạm dừng kinh doanh hàng may mặc Việt Nam của siêu thị Big C, chuyên gia quản trị kinh doanh cho rằng, vụ việc sẽ tạo ra tâm lý tiêu cực trong cuộc cạnh tranh giữa hàng nội địa với nhà bán lẻ nước ngoài ngay trên sân nhà.

Từ chiều 3/7, một cuộc trao đổi căng thẳng đã diễn ra tại văn phòng tập đoàn Central Group VietNam tại TP.HCM. Các doanh nghiệp cung cấp hàng may mặc vào siêu thị Big C đang bức xúc vì họ vừa nhận được thông báo đột ngột từ Central Group VietNam rằng, đơn vị này sẽ dừng nhập các loại hàng may mặc vào hệ thống siêu thị Big C.

Hàng chục doanh nghiệp là nhà cung cấp hàng may mặc cho siêu thị Big C đã kéo đến công ty điều hành hệ thống bán lẻ này để bày tỏ phán đối.

PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Lý Trường Chiến, chuyên gia tư vấn tái cấu trúc, quản trị chiến lược và phát triển nguồn lực doanh nghiệp.

Thưa ông, trước việc siêu thị Big C thông báo ngừng tiêu thụ hàng may mặc của doanh nghiệp Việt Nam, ông có những đánh giá chung như thế nào?

Trước khi việc này xảy ra, cộng đồng chuyên gia kinh doanh và một số tổ chức có liên quan đã nhận thức và cảnh báo cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Khi càng hội nhập sâu và rộng thì mức độ cạnh tranh giữa doanh nghiệp nội địa và nước ngoài sẽ càng gay gắt, chiêu thức càng tinh vi biến hóa.

Khi một doanh nghiệp phân phối có phạm vi hoạt động ảnh hưởng lớn trong thị trường thì chắc chắn họ sẽ có chiến lược tối ưu hóa nguồn lực cho mình, nhằm đạt được mục tiêu và lợi nhuận lâu dài.

Về ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, doanh nghiệp phân phối luôn nỗ lực tạo ra hệ sinh thái của mình hay hệ thống hóa kiểm soát và chi phối chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị và nguồn nhân lực, tài lực...

Đây là điều chắc chắn sẽ xảy ra và ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp Việt Nam. Nếu cứ thờ ơ với thời cuộc bằng thái độ chủ quan, chậm thay đổi, chờ đợi được cứu... thì chuyện bị dồn vào thế bị động và phải trả giá bằng tổn thương thất là không khong tránh khỏi.

Sau những lo ngại thì cuộc đụng độ này cũng đã diễn ra. Vậy theo ông, chúng ta có thể làm gì để giành lại phần thắng?

Trước tiên, nhà cung cấp Việt Nam phải tổng hợp đủ thông tin chính thức, hợp đồng và đối chiếu với luật, các chính sách, quy định, quy trình liên quan để xác định rõ vấn đề, và đối tượng liên quan từ đó mới có giải pháp phù hợp.

Chuyên gia quản trị kinh doanh Lý Trường Chiến.

Theo ông, hệ thống pháp lý của chúng ta đang thiếu sót gì để bảo vệ hàng hoá Việt Nam ngay trên sân nhà?

Hàng rào kỹ thuật thay cho thuế quan truyền thống đã và đang lạc hậu với biến đổi của cuộc sống trên tất cả các khía cạnh công nghệ, kinh tế, chính trị và xã hội.

Còn các chính sách đảm bảo tỉ lệ hàng nội địa trong các siêu thị bán lẻ của nước ngoài ở Việt Nam vẫn chưa được rõ ràng và chính thức. Tuy nhiên, các doanh nhân cần hiểu và chuẩn bị tốt năng lực cạnh tranh cho mình. Vì khi Việt Nam ký kết các thương ước và hiệp định FTA và tham gia AEC ASEAN Economy Community thì chúng ta đã mở rộng cửa cho hàng ngoại vào thị trường trong nước.

Theo chuyên gia, liệu sự việc này có trở thành tiền lệ xấu trong cuộc canh tranh giữa hàng Việt Nam và nhà bán lẻ nước ngoài hay không?

Về tâm lý ngắn hạn, sự ảnh hưởng chắc chắn phải có. Điều đáng quan tâm là giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ nó. Vì thế, chúng ta cần trở thành người tiêu dùng thông minh hơn, có trách nhiệm hơn. Các doanh nghiệp và đại diện các cơ quan hữu quan cần trở nên chuyên nghiệp và hiệu quả trong công việc của mình.

Trong đó, cần có thái độ tĩnh tâm để đánh giá vấn đề, tiến tới gia tăng năng lực cạnh tranh và ứng biến nhằm mở rộng vùng ảnh hưởng, hoạt động thích ứng với những thay đổi của thị trường. Bên cạnh đó, việc chủ động sáng tạo tương tác liên thông để đạt được mục tiêu và hiệu quả của mình trong bối cảnh mới cũng là chiến lược dài hạn nếu muốn giành lại lợi thế sân nhà.

Cảm ơn ông đã chia sẻ!