Sự kiện

Siêu tàu mắc kẹt ở kênh Suez: Ai Cập yêu cầu bồi thường 1 tỷ USD

Giới chức Ai Cập sẽ yêu cầu khoản bồi thường khoảng 1 tỷ USD để khắc phục hậu quả sau sự cố kẹt tàu gây tắc nghẽn ở kênh đào Suez.

Báo Vnexpress dẫn nguồn tin CNBC, ông Osama Rabie chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez (SCA) cho hay: "Chúng tôi sẽ đề xuất hơn một tỷ USD tiền bồi thường. Chúng tôi sẽ yêu cầu số tiền hợp lý".

Theo ông Rabie, con số này dựa trên thiệt hại về doanh thu ở kênh Suez, chi phí thiết bị, máy móc, cũng như tiền công cho 800 nhân viên cứu hộ tham gia giải cứu tàu Ever Given.

"Chúng tôi đã cứu họ khi giải phóng con tàu mà không gây ra hư hại hoặc tổn thất lớn nào. Toàn bộ con tàu lẽ ra có thể đã bị hư hại", Rabie nói thêm, song không nêu rõ bên nào chịu trách nhiệm bồi thường.

Tàu Ever Given cùng các tàu kéo xung quanh tại kênh đào Suez ngày 29/3. Ảnh: Maxar.

Con tàu Ever Given là một trong những tàu container lớn nhất thế giới với tổng trọng tải hơn 200.000 tấn, đâm chéo vào bờ của kênh đào Suez và mắc cạn sáng 24/3 khi di chuyển từ Biển Đỏ tới Địa Trung Hải. Con tàu gần như xoay ngang, bịt kín tuyến hàng hải qua kênh đào Suez, khiến mọi hoạt động di chuyển qua kênh đào bị tê liệt.

Sau khi huy động nhiều tàu kéo, phương tiện nạo vét, máy xúc làm việc liên tục để múc đất đá, cứu kéo Ever Given khỏi mắc cạn. Thật may mắn, hôm 29/3, siêu tàu hàng nổi lên và tiếp tục di chuyển.

Sau khi được giải cứu, tàu Ever Given đang neo đậu tại Hồ Great Bitter gần đó để kiểm tra kỹ thuật cũng như phục vụ công tác điều tra.

Kênh đào Suez là một trong những tuyến đường thương mại lớn của thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lưu lượng vận chuyển bị tê liệt trong 6 ngày, sau khi Ever Given mắc kẹt. Sự tắc nghẽn này gây sức ép lớn lên chuỗi cung ứng và có thể khiến thương mại toàn cầu tổn thất tới 10 tỷ USD mỗi tuần.

Quan chức Ai Cập cho biết, nước này thất thu khoảng 14 triệu USD mỗi ngày vì giao thông qua kênh đào Suez bị đình trệ suốt một tuần. Thủy thủ đoàn tàu hàng Ever Given chưa giao nộp hộp đen và tài liệu hành trình cho giới chức để phục vụ công tác điều tra nguyên nhân sự cố.

Thông tin thêm trên báo ANTĐ, theo các luật sư hàng hải, việc giải quyết bồi thường có thể rất phức tạp vì con tàu Ever Given thuộc sở hữu của một công ty Nhật Bản nhưng lại do công ty vận tải biển Đài Loan Evergreen Marine vận hành và mang cờ của Panama khi di chuyển vào kênh đào Suez.

Hiện phía công ty vận tải biển Đài Loan Evergreen Marine, đơn vị đã thuê tàu Ever Given khẳng định rằng họ không chịu bất cứ trách nhiệm nào về sự chậm trễ của hàng hóa. Công ty cũng sẽ không chấp nhận trả bất kỳ khoản bồi thường nào. Trong khi đó, đại diện phía công ty chủ sở hữu con tàu ở Nhật Bản, ông Shoei Kisen cho biết sẽ thảo luận về việc bồi thường với cơ quan quản lý kênh đào Suez, nhưng công ty này không cho biết chi tiết về số tiền bồi thường.

Phóng viên TTXVN tại Ai Cập dẫn thông báo của Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA) cho biết, trong ngày 1/4 vừa qua có 87 tàu với trọng tải lên tới 5,6 triệu tấn đã đi qua kênh đào này từ cả hai chiều. Đây là một tín hiệu vui sau 6 ngày tắc nghẽn giao thông tại đây do tàu chở container Ever Given bị mắc cạn.

Theo người đứng đầu SCA Osama Rabie, khoảng 194 tàu với trọng tải thực là 12 triệu tấn đã đi qua kênh đào Suez, kể từ khi kênh đào này chính thức mở cửa trở lại.

Trúc Chi (t/h)