Kinh tế vĩ mô

“Siêu Hiệp định” RCEP có hiệu lực từ hôm nay 1/1/2022

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được kỳ vọng giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam và các nước ASEAN.

Ngày 1/1/2022, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (gọi tắt là RCEP) sẽ chính thức có hiệu lực. Đây là Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và 5 đối tác kinh tế ngoài ASEAN là Australia, Hàn Quốc, New Zealand, Nhật Bản và Trung Quốc.

Hiệp định này được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường quan hệ đối tác, cơ hội việc làm và thu nhập cho khu vực kinh tế với quy mô 2,2 tỷ dân (tương đương khoảng 30% dân số thế giới) và GDP trên 26.000 tỷ USD (tương đương 30% GDP toàn cầu).

Hiệp định RCEP được nhận diện là một FTA thế hệ mới, với cam kết về cả các vấn đề thương mại truyền thống (như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư...) và các vấn đề mới (như mua sắm công, thương mại điện tử, doanh nghiệp nhỏ và vừa...).

Các cam kết RCEP trong một số khía cạnh/lĩnh vực có mức tự do hóa cao hơn so với các FTA đã có giữa ASEAN và từng đối tác bên ngoài. Tuy nhiên, RCEP không bao gồm các cam kết về doanh nghiệp nhà nước, lao động, môi trường hay phát triển bền vững.

Các nước đối tác RCEP có cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trong khoảng từ 30% đến 100% số dòng thuế. Đa số các nước có lộ trình xóa bỏ thuế quan dài nhất là 20 năm, Singapore xóa bỏ 100% thuế quan ngay, New Zealand trong vòng 15 năm và Nhật Bản dài nhất 21 năm.

RCEP có hiệu lực từ 1/1/2022 sẽ thúc đẩy hình thành chuỗi cung ứng mới.

Mức độ mở cửa thị trường và tiêu chuẩn cam kết quy tắc trong RCEP cơ bản bằng hoặc thấp hơn so với các FTA thế hệ mới - tiêu chuẩn cao mà Việt Nam đang thực thi như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).

Việt Nam có mối quan hệ thương mại - đầu tư đặc biệt lớn với các nước thành viên ký kết RCEP. Những đối tác thuộc top đầu các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, các nguồn nhập khẩu lớn nhất vào Việt Nam đều có mặt trong khu vực này. Vì vậy, câu chuyện về thương mại hàng hoá là điều quan trọng mà doanh nghiệp cần chú ý.

RCEP là khu vực hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu cực kỳ năng động trên thế giới. Khu vực này chiếm 50 - 55% tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu chiếm 25 - 30%, còn nhập khẩu xấp xỉ 70%.

Như vậy, các nước RCEP là nguồn cung nhập khẩu lớn nhất vào Việt Nam, đặc biệt là các nguyên phụ liệu và máy móc thiết bị phục vụ nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu. Đây là cơ hội để doanh nghiệp có nguồn đầu vào giá tốt, nguồn công nghệ có chất lượng để cải thiện năng lực sản xuất, cạnh tranh.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nhờ vào cam kết mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, quy tắc xuất xứ giá trị trong khu vực địa lý RCEP cùng các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, FTA này sẽ tạo cơ hội để phát triển và phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19.

Mang tính gắn kết chặt chẽ với các FTA khác nên hiệp định RCEP này mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu, giúp Việt Nam kết nối tốt hơn với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, ngoài môi trường thông thoáng, RCEP cũng đặt ra các quy tắc chặt chẽ và thách thức cho doanh nghiệp khi là khu vực sản xuất, xuất nhập khẩu chiếm một nửa kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Trong khi đó, Việt Nam có mối quan hệ thương mại, đầu tư đặc biệt lớn với các nước thành viên trong khối RCEP và phần lớn là thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu, máy móc phụ tùng phục vụ sản xuất của Việt Nam. Đây vừa là thuận lợi, vừa là thách thức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.