Xu hướng thị trường

"Siêu dự án" sông Hồng rục rịch khởi động: Viển vông, không thực tế

Mới đây, TP. Hà Nội đã quyết định tái khởi động dự án Trấn sông Hồng (Song Hong City). Tuy nhiên, trước thông tin này, nhiều chuyên gia cho rằng dự án viển vông, khó thành hiện thực.

Dự án Trấn sông Hồng (Song Hong City) sau hơn 22 năm đề xuất, nhưng đến nay vẫn chỉ dừng lại ở mức triển khai kế hoạch và chưa có hướng cụ thể.

Tuy nhiên, mới đây thông tin Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng có văn bản yêu cầu các Sở và UBND các quận Tây Hồ, Ba Đình thực hiện phần nhiệm vụ đã được giao liên quan đến dự án Trấn Sông Hồng (còn gọi là Song Hong City), sau đó gửi báo cáo về sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND TP.Hà Nội tiếp tục nhận được sự quan tâm của người dân Thủ đô và giới chuyên gia.

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS. Hà Đình Đức đã đưa những quan điểm riêng dưới góc độ của người có thâm niên hàng chục năm nghiên cứu văn hóa Hà Nội, cũng như những con sông Thủ đô.

PGS.TS. Hà Đình Đức chia sẻ về dự án Trấn sông Hồng.

Thưa ông, việc triển khai dự án Trấn sông Hồng ở thời điểm hiện tại liệu có khả thi?

Dự án đô thị ven sông Hồng đã có hơn 20 năm nay, bản thân tôi cũng được tham gia một số buổi hội thảo, tôi tham khảo và thấy có nhiều vấn đề.

Thứ nhất, việc làm thành phố ven sông giống như các nước trên giới. Tuy nhiên, thực tế mỗi con sông ở mỗi thành phố trên thế giới có đặc tính khác nhau. Khác nhau về nguồn sông, độ dài, chất lượng nước của sông… Tôi lấy ví dụ sông Hàn ở Hàn Quốc tốc độ dòng chảy không lớn, không có đê và chỉ dài hơn 500km. Còn sông Hồng ở nước ta bắt nguồn từ Trung Quốc, có độ dài đến 1.149km, sông Hồng có đê. Nên bây giờ nắn lại sông Hồng, bê tông hóa thì có thể làm thay đổi dòng chảy, điều này sẽ rất nguy hiểm cho khu vực hạ lưu.

Vì thế, việc triển khai dự án này phải tính toán cực kỳ cẩn thận. Thêm nữa, cần có các chuyên gia đầu ngành, am hiểu thực tế sông Hồng chứ không thể bắt chước như các nước trên thế giới để làm.

Xây dựng đô thị ven sông Hồng khó có thể thực hiện được (Ảnh minh họa).

Như lời ông nói, cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng khi triển khai dự án này. Nhưng, theo ông liệu rằng nhà đầu tư có nên đưa ra trưng cầu ý dân một lần nữa hay không?

Tôi cho rằng không cần lấy ý kiến nhân dân nữa, bởi có những cuộc triển lãm đưa ra mô hình thì người dân xem thấy có lợi thì đồng tình. Nhưng, điều quan trọng là các cơ quan độc lập, triển khai dự án cần trưng cầu ý kiến độc lập, đồng thời tham gia khảo sát, đánh giá tác động môi trường một cách đầy đủ, chi tiết nhất để mọi người nắm được.

Nếu dự án Trấn sông Hồng được triển khai, đi vào thực tiễn theo ông cần phải có lộ trình thế nào?

Trước đây, dự án này đưa ra có nhiều nhà chuyên môn đứng ngoài, không tham gia. Nên tôi nghĩ rằng dự án khó có tính khả thi. Bởi, nếu chỉ đưa ra rồi để đó thì ai cũng nói được, điều quan trọng là phải có sự theo dõi chặt chẽ, có lộ trình, bước làm cụ thể.

Thực tế, nếu dự án được triển khai thì sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Không chỉ nằm trong quy hoạch 40km mà ngoài 40km cũng bị tác động môi trường xung quanh. Tôi cho rằng dự án này sẽ chẳng đi đến đâu, viển vông, không thực tế.

Xin cảm ơn ông!

Khó có khả năng thực hiện được

Trao đổi thêm với PV báo Người Đưa Tin, PGS.TS, Kiến trúc sư Tôn Thất Đại, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Định cư (Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam) cho rằng dự án Trấn sông Hồng khó có khả năng thực hiện được. Bởi, sông Hồng có đặc tính dữ không giống như các con sông khác. Nên để thực hiện đô thị ven sông lúc này là khó khăn, có thể thất bại.

“Đô thị ven sông xây dựng lên có thể bị dòng sông Hồng phá vỡ, vậy nên việc xây dựng đô thị là điều vô ích. Hiện tại, tôi nghĩ chúng ta không nên làm gì để tác động đến sông Hồng, làm sao giữ được sông Hồng không làm ngập Hà Nội bằng các phương pháp nào đó là tốt nhất… Còn nếu, xây một thành phố ven sông sẽ có tác hại rất lớn đối với thành phố, phá hỏng thành phố. Tôi thấy rằng, để sông Hồng êm dịu đi thì về mặt khoa học – kỹ thuật của nước ta hiện tại chưa làm được. Vậy nên, dự án này tôi không tin là có thể thực hiện được”, PGS.TS, Kiến trúc sư Tôn Thất Đại cho biết thêm.